Đạo đức

the nao la nguoi co dao duc 1
Tranh minh họa.

Ngẫm trong cuộc sống hàng ngày và căn cứ vào những danh ngôn thế giới khi bàn về “đạo đức”, ai làm nghiên cứu về tâm lý học và đạo đức học cũng đều thán phục và cảm ơn ông Trần Trọng Kim về kiến thức mang tầm khái quát này của ông.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Đạo đức là những tiêu chuẩn, nguyên tắc được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội (nói tổng quát). Thí dụ: Người có đạo đức. Giọng đạo đức giả (nghĩa là đạo đức ngoài miệng, đáng chê cười)”.

Qua từ điển, ta thấy khi bàn về những tiêu chuẩn, nguyên tắc quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội thì quả thật quá phong phú, quá rộng lớn, khó khu trú thành bản quy tắc ngắn gọn được. Vì thế, việc bàn luận về “đạo đức” quả thật là không bờ, không bến. Tuy nói như thế, nhưng cứ bàn định dần dần, nhờ ánh sáng soi đường của các bậc triết gia ưu tú ta cũng sẽ nắm được phần nào câu chuyện về đạo đức.

Từ cách đây hàng ngàn năm, triết gia cổ đại Horace (Từ năm 65 đến năm 8 trước Công nguyên) đã tóm tắt giá trị của đạo đức bằng một định đề vừa mang tính triết lý vừa mang tính bình dị, dễ hiểu như sau: “Bạc kém giá trị hơn vàng, vàng lại càng kém giá trị hơn sự tử tế”. So sánh thì dễ hiểu, dễ viết như thế, nhưng thực tế cuộc sống lại không dễ chút nào khi so sánh vàng, bạc và sự tử tế. Người giàu có lo giữ của là vàng, là bạc chứ mấy ai lo giữ gìn để tu dưỡng đạo đức cho mình, cho con cái trong nhà.

Trên thực tế ta từng thấy có kẻ cướp bị bắt khi đi cướp tiệm vàng, khi cướp ngân hàng, chứ chưa thấy ai nói đến cái tội cướp đạo đức bao giờ. Vì thế cho nên độ lùi của thời gian càng xa, lời dạy của Horace lại ngày càng tỏa sáng cho những con người thực sự lương thiện, suốt đời chỉ muốn tu dưỡng, muốn tiến bộ mà không bao giờ dám quá tham lam chạy theo tai họa do vàng, do bạc, do tiền gây nên.

Triết gia La Rochefoucauld (1613 – 1680) đã dạy ta rõ hơn về cơ chế, nguyên nhân để đạo đức bị băng hoại, đạo lý bị suy đồi khi ông viết: “Đạo đức bị mất đi trong khi tìm kiếm tư lợi cũng như những con sông bị biến mất trong biển cả”. Tư lợi đây là lòng tham của con người. Hễ ai càng có lòng tham thì hai con mắt như mờ đi trước những cạm bẫy danh và lợi. Hiện nay trên một số phương tiện thông tin đại chúng có mục nêu gương “Người tốt, việc tốt”. Ai ai cũng nên xem, nên đọc, nên nghe và nhất là phải cho trẻ em và các cháu thiếu niên học sinh học cách biết ơn những người anh hùng thầm lặng đang gìn giữ cho ta cuộc sống yên bình.

Gương người lái xe taxi trả lại tiền cho khách bỏ quên trên xe. Gương hai em thiếu nhi dắt một bà cụ già mắt kém qua đường giao thông đông đúc, tránh cho cụ khỏi bị tai nạn. Gương các chị công nhân quét rác cặm cụi cả đêm giao thừa để ngày mùng 1 Tết đường sạch, mọi người đi du xuân vui vẻ. Những ví dụ nêu trên kể mãi không hết sẽ dạy cho ta đạo đức ở đời, từ đơn giản đến phức tạp. Nếu được rèn luyện từ lúc bé thì khi lớn lên sẽ thành người tử tế, có đạo đức.

Nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến, nhà nước bổ nhiệm những giáo viên giỏi nhất, có đạo đức nhất dạy bậc mẫu giáo, dạy cấp 1 chính là một cách nhìn xa trông rộng để vun đắp cho một xã hội có đạo đức trong tương lai. Nhiều buổi sinh hoạt ngoại khóa cho thanh, thiếu niên như nghe nói chuyện về đạo đức hoặc làm các công việc thiện nguyện giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, trẻ mồ côi ở vùng sâu, vùng xa… cũng là những bài học thực tế sinh động để rèn luyện đạo đức biết thương người, biết giúp đỡ mọi đối tượng sinh sống trong cộng đồng xã hội.

Kết quả cần phải đạt được của giáo dục đạo đức là: Làm sao cho mỗi thành viên trong xã hội thấy hào hứng, hứng thú, tình nguyện, vui vẻ tham gia vào các công việc thiện nguyện vì cộng đồng. Đúng như triết gia Alexandre Mercereau đã ca ngợi vẻ đẹp phong phú và hấp dẫn của đạo đức là: “Đạo đức thực sự không phải là những sự vật lạnh lẽo, khô khan, chai đá mà là đầy thi cảm, hứng thú, êm ái và hương vị”.

Con người sẽ phải cảm ơn Mercereau vì cách đánh giá của ông. Cùng ý này, có các tác giả khác đã viết: “Niềm vui to lớn mà con người có được chính là cách biết cho đi chứ không phải cách biết nhận về mình”, hoặc “Bàn tay nào tặng một bông hồng cho người khác thì hương thơm vẫn còn vương lại trên tay người đó”. Niềm vui của người đi hiến máu cứu người, niềm vui của những người hiến tạng để chia sẻ sự sống cho đồng loại là những tấm gương về vẻ đẹp bất tận của đạo đức.

Tiếp tục phân tích, lý giải, mổ xẻ, giải mã về đạo đức của con người, có nhiều những chi tiết, những nội dung cần chú trọng, cần lưu ý để làm rõ, để dễ hiểu, để sáng tỏ cho việc thực hành đạo đức. Hoàng đế Napoléon đệ nhất đã thẳng thắn lên án: “Kẻ nào khi thực hành đạo đức mà lại hy vọng được nổi danh, nổi tiếng thì chứng tỏ kẻ đó sắp đến lúc làm việc bậy rồi đó”. Điều này rất đúng trong thực tế cuộc sống.

Trong các phương tiện thông tin đại chúng đã từng đưa tin: Có những cá nhân hoặc nhóm người đã lợi dụng những tình thế thiên tai, tai nạn để kêu gọi quyên góp làm việc thiện nhưng bên trong là muốn đánh bóng tên tuổi cá nhân hay của nhóm người, việc làm này trước sau cũng lộ diện và bị lên án vì họ đã nhân danh đạo đức làm từ thiện để kiếm chác, trục lợi hay quảng cáo cho bản thân.

Đạo đức phải dựa trên sự chân thật, lương thiện và cống hiến, hy sinh mới có kết quả tốt đẹp. Triết gia La Rochefoucauld đã phân tích tỉ mỉ hơn: “Đạo đức rất ít khi nổi tiếng nếu người thực hành nó không bị tính hiếu danh đồng hành”. Lời dạy này của ông rất đúng vì tính hiếu danh, thích khoe khoang, thích tự đề cao mình để hạ thấp người khác chính là kẻ thù của đạo đức chân chính. Chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng 4.0 cho nên ai tốt, ai xấu, việc gì tốt, việc gì mang tính cơ hội mọi người đều biết cả.

Vì thế thật dại dột và tội nghiệp cho những ai thực hành “đạo đức giả”, tức là nói một đằng, làm một nẻo hay lời nói không đi đôi với việc làm thì trước sau cũng bị bại lộ vì thông tin mạng xã hội quá nhanh, quá rộng rãi. Cứ nên thật thà, khiêm tốn vẫn là khôn ngoan nhất. Nhà triết học Đông phương cổ đại Khổng Tử đã chỉ rõ: “Người có đạo đức không bao giờ lẻ loi, luôn có bạn bè gần gũi”. Xem ra, dù phương Tây hay phương Đông, ánh sáng của đạo đức chân chính vẫn luôn được chiếu sáng đến mọi trái tim của những người lương thiện.

Triết gia bậc thầy Jean Jacques Rousseau (1712 – 1778) đã phân tích rất kỹ về thái độ của chúng ta đối với cái tốt, cái xấu, cái thiện, cái ác khi ông viết: “Kẻ nào không ghét cay ghét đắng cái xấu xa thì cũng không thể yêu đằm thắm cái đức hạnh”.

Trên thực tế, trước một việc làm xấu xa tồi tệ bị xã hội lên án, pháp luật trừng trị nhưng đối với một số người vô tâm, coi như không phải việc của mình nên lờ đi, không dám có ý kiến gì. Những người này chính là nguyên nhân của việc làm chậm bước tiến của cộng đồng, của xã hội. Một người công dân có trách nhiệm phải biết yêu, ghét rõ ràng, luôn ủng hộ pháp luật và đạo đức mới xứng đáng được hưởng thụ mọi phúc lợi do xã hội đem lại.

Người nào biết gắn bó với cộng đồng, với tập thể mới thực sự vui mừng, cảm phục trước những tấm gương đạo đức, hy sinh quên mình trong những lúc gian khó vất vả như trong đại dịch Covid-19 vừa qua.

Nhạc sĩ thiên tài kiêm triết gia Beethoven (1770 – 1827) đã từng dặn dò con người: “Hãy dạy cho con cái anh đạo đức, vì chỉ có đạo đức mới đem lại hạnh phúc thực sự cho chúng, chứ không phải tiền bạc”. Ai có nhiều kinh nghiệm sống đều thán phục lời dạy này của Beethoven trong việc giáo dục con cái trong gia đình. Nhiều gia đình tan nát, ly tán vì tiền bạc đã là những hình ảnh sinh động để chúng ta suy ngẫm.

Vẫn trên cái ý tưởng ca ngợi đạo đức làm người, nhiều triết gia đã có những lý giải rất dễ hiểu gắn với thực tế cuộc sống đời thường. Triết gia François Pétranque (1304 – 1374) đã nói rất dễ hiểu: “Đạo đức là sức khỏe, không có đạo đức là bệnh tật”.

Cách liên hệ và ví von như thế này làm nhiều người giật mình mà tự liên hệ đến cách sống, thái độ sống của cá nhân mình. Ở đời ai chẳng muốn có thân thể cường tráng, tránh xa được bệnh tật. Từ đó một suy nghĩ rất phổ biến trong dân gian là: “Một trí tuệ minh mẫn chỉ có ở trong một cơ thể khỏe mạnh” sẽ nhắc nhở ta rèn luyện đạo đức cũng phải làm hàng ngày như rèn luyện thân thể, tập thể dục thể thao vậy.

Để khép lại bài viết, cần nhớ lời dạy của triết gia nổi tiếng G.Herbert (1593 – 1633) là: “Đạo đức không bao giờ già cỗi”. Lời dạy này nhắc ta mãi mãi phải đi theo ánh sáng của đạo đức.