Quyền tự do kinh doanh là quyền cơ bản trong hệ thống quyền con người. Vì vậy, việc bảo đảm quyền tự do kinh doanh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Vậy bảo đảm quyền tự do kinh doanh là gì? Bao gồm những nội dung nào?
Bài viết dưới đây, NPLAW sẽ chia sẻ tới bạn các thông tin hữu ích xoay quanh bảo đảm quyền tự do kinh doanh.
Bạn đang xem: Quyền tự do kinh doanh được pháp luật quy định như thế nào?
1. Quyền tự do kinh doanh là gì?
Quyền tự do kinh doanh là quyền quyết định các công việc trong hoạt động kinh doanh mà pháp luật không cấm nhằm mục đích sinh lợi và được Nhà nước bảo đảm thực hiện bằng các phương thức, biện pháp theo pháp luật quy định.
Quyền tự do kinh doanh là một trong những quyền cơ bản của con người, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
2. Bảo đảm quyền tự do kinh doanh là gì?
Bảo đảm quyền tự do kinh doanh là việc thực hiện các biện pháp về chính trị, kinh tế, xã hội và pháp lý nhằm giúp cho chủ thể kinh doanh thụ hưởng, thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh trên thực tế và ngăn chặn, xử lý các hành vi cản trở, vi phạm đến quyền tự do gia nhập thị trường, quyền tự do hoạt động kinh doanh trên thị trường và quyền tự do rút lui khỏi thị trường.
3. Nội dung bảo đảm quyền tự do kinh doanh
Nội dung bảo đảm quyền tự do kinh doanh bao gồm:
Thứ nhất, bảo đảm quyền tự do gia nhập thị trường kinh doanh: Quyền tự do gia nhập thị trường là quyền quan trọng đầu tiên của quyền tự do kinh doanh. Khi các cá nhân, tổ chức thỏa mãn các điều kiện về năng lực pháp luật, năng lực hành vi và ngành nghề kinh doanh không thuộc những ngành nghề mà pháp luật cấm thì Nhà nước phải công nhận và bảo đảm quyền gia nhập thị trường của doanh nghiệp, không được cản trở, ngăn cấm việc thực hiện quyền.
Thứ hai, bảo đảm quyền tự do hoạt động kinh doanh trên thị trường: Quyền tự do hoạt động kinh doanh trên thị trường là quyền tự chủ quyết định các công việc liên quan đến kinh doanh. Đảm bảo cho các chủ thể kinh doanh được tự do hoạt động kinh doanh trên thị trường một cách bình đẳng, lành mạnh thì cần bảo đảm các nhóm quyền như quyền tự do sở hữu tài sản, quyền tự do hợp đồng, quyền tự do cạnh tranh, quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo yêu cầu của doanh nghiệp,…
Xem thêm : Tính quyền lực bắt buộc chung là đặc điểm để phân biệt pháp luật với?
Thứ ba, bảo đảm quyền tự do rút lui khỏi thị trường: Giúp cho các doanh nghiệp chấm dứt sự bế tắc khi không thể tiếp tục kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề cũ và có thể mở ra hướng đi mới trong hoạt động kinh doanh.
4. Các biện pháp bảo đảm quyền tự do kinh doanh
Biện pháp thủ tục hành chính: Pháp luật về bảo đảm quyền tự do kinh doanh quy định biện pháp thủ tục hành chính nhằm giúp cho chủ thể kinh doanh được gia nhập thị trường nhanh chóng, giải quyết các vấn đề liên quan trong quá trình hoạt động và rút lui khỏi thị trường kinh doanh của chủ thể kinh doanh. Thủ tục hành chính được quy định cụ thể trong Luật Doanh nghiệp, Luật phá sản, Luật hợp tác xã và các văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành.
Biện pháp giải quyết tranh chấp: Biện pháp giải quyết tranh chấp kinh doanh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm quyền và lợi ích của chủ thể kinh doanh. Vì vậy, pháp luật các nước đều quy định, tuy nhiên, mỗi quốc gia quy định nội dung, trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp khác nhau do phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia đó.
Biện pháp chế tài xử lý hành vi vi phạm quyền tự do kinh doanh:
Một là, biện pháp xử phạt vi phạm hành chính: là việc sử dụng sức mạnh quyền lực Nhà nước thông qua các cơ quan hành chính Nhà nước để ban hành các quyết định hành chính và tổ chức thực hiện các quyết định hành chính đó để xử lý các vi phạm hành chính nhằm mục đích bảo vệ quyền tự do kinh doanh khi có hành vi vi phạm, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm quyền tự do kinh doanh của chủ thể kinh doanh.
Hai là, biện pháp dân sự: Biện pháp dân sự áp dụng để xử lý hành vi vi pham quyền tự do kinh doanh. Mục đích của biện pháp này mang tính bù đắp tổn thất vật chất, tinh thần cho chủ thể kinh doanh bị vi phạm và thiệt hại.
Ba là, biện pháp hình sự: Biện pháp hình sự áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Biện pháp khác hỗ trợ bảo đảm quyền tự do kinh doanh: Nhà nước sử dụng các biện pháp khác hỗ trợ bảo đảm quyền tự do kinh doanh được vận hành hiệu quả như hỗ trợ tiếp cận về vốn, thuế, đất đai, thông tin, khoa học, kỹ thuật, pháp lý,… Để các chủ thể kinh doanh tồn tại và phát triển.
5. Quy định pháp luật về quyền tự do kinh doanh
Theo quy định hiện hành, quyền tự do kinh doanh được ghi nhận là một trong những quyền cơ bản của công dân thể hiện qua Điều 33 Hiến pháp năm 2013, theo đó mọi người đều có quyền tự do kinh doanh với bất kể ngành nghề nào, chỉ cần là trong khuôn khổ những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Điều này đã được cụ thể hóa từ đó làm cơ sở cho việc thực hiện quyền của công dân, cụ thể:
Xem thêm : Thể tích khối hộp chữ nhật
Tiếp thu tinh thần của Hiến pháp 2013 và Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 tiếp tục khẳng định Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh ngành, nghề mà pháp luật không cấm. Việc tự do kinh doanh này được thể hiện qua việc họ có toàn quyền tự chủ trong việc kinh doanh, toàn quyền lựa chọn về hình thức cũng như ngành, nghề liên quan và cả những vấn đề khác liên quan như địa bàn, quy mô kinh doanh.
Quyền tự do kinh doanh còn được ghi nhận qua Khoản 3 Điều 4 Bộ luật lao động năm 2019 về chính sách của Nhà nước về lao động, cụ thể đó là việc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi đối với các hoạt động tạo ra việc làm, tự tạo việc làm, dạy nghề và học nghề để có việc làm; hoạt động sản xuất, kinh doanh thu hút nhiều lao động.
6. Thực trạng về quyền tự do kinh doanh tại Việt Nam hiện nay.
Trong thời gian qua, Quốc hội đã ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật nhằm triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong đó có Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đầu tư năm 2020, Luật Doanh nghiệp 2020… Các đạo luật này đã khẳng định chính sách nhất quán của Nhà nước ta trong việc ghi nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền tự do kinh doanh; Đồng thời xóa bỏ những quy định không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, kinh doanh.
Những quy định pháp luật hiện hành đã tạo nền tảng cho việc ghi nhận và bảo vệ quyền tự do kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng thúc đẩy sự phát triển của hoạt động kinh doanh – thương mại, góp phần vào sự hình thành và phát triển của nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN mà Đảng và Nhà nước ta chủ trương xây dựng. Theo đánh giá, xếp hạng của các tổ chức quốc tế như: Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)…, môi trường kinh doanh năm 2018 của Việt Nam được cải thiện 13 bậc so với năm 2016; Chỉ số Hiệu quả logistics tăng 25 bậc, Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 14 bậc… Hơn 50% doanh nghiệp đã đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam thông thoáng, thuận lợi hơn đáng kể. Năm 2019, năng lực cạnh tranh 4.0 cải thiện với việc tăng 3,5 điểm và 10 bậc so với năm 2018 (hiện đứng thứ 67). chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2019 tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42), Việt Nam xếp đầu trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đặc biệt chỉ số liên quan đến năng lực đội ngũ trí thức, Việt Nam xếp thứ 27. Chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch (xếp hạng 2 năm một lần) liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 0,3 điểm và 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75 lên thứ 63) với 11/14 trụ cột tăng bậc. Điều này thể hiện qua kết quả hơn 18 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam năm 2019.
Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về bảo đảm quyền tự do kinh doanh NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Hotline: 0913 449968
Email: legal@nplaw.vn
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp