Trường học an toàn là gì? Cách xây dựng trường học an toàn

Xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích là 1 trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá và công nhận trường đạt tiêu chuẩn quốc gia. Vậy trường học an toàn là gì, các xây dựng trường an toàn như thế nào? Để giải đáp các câu hỏi này, cùng The Dewey Schools tìm hiểu nội dung bài viết dưới đây nhé.

Trường học an toàn là gì?

Trường học an toàn là xây dựng môi trường học tập đảm bảo sự an toàn trong trường học cho người học, giáo viên, cán bộ công nhân viên về thể chất và tinh thần trong bất cứ thảm họa nào. Để xây dựng trường học an toàn cần đảm bảo các điều kiện:

  • Thiết lập các chính sách can thiệp kịp thời khi xảy ra thảm họa
  • Xây dựng các công trình có thể chống chịu nhiều thảm họa trong phạm vi nhà trường
  • Các bên như học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên và các bên liên quan cùng xây dựng, thực hiện các kế hoạch phòng ngừa, giảm nhẹ rủi ro các thảm họa, thiên tai tại trường học

truong-hoc-an-toan-la-gi

Trường học an toàn là gì?

Vì sao cần phải xây dựng trường học an toàn?

An toàn trong trường học là vấn đề cần thiết, yêu cầu quan trọng trong bất cứ xã hội nào vì nhiều lý do:

  • Nhóm dễ tổn thương: Học sinh hay trẻ em thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong thảm họa. Trong khi đó trẻ em chính là tương lai của xã hội nên giữ an toàn cho trẻ là vấn đề tối quan trọng và cần thiết được thực hiện.
  • Tác nhân thay đổi: Tác nhân thay đổi phù hợp nhất cho xã hội chính là trẻ em. Trẻ em có thể mang đến những kiến thức, kỹ năng trong việc ứng phó, giảm nhẹ và phòng ngừa thảm họa.
  • Thế hệ thứ 3: Giáo dục trẻ em chính là giáo dục cho thế hệ thứ 3, để từ đó các em sẽ chia sẻ kiến thức với người thân. Khi trẻ trở thành phụ huynh các em tiếp tục chia sẻ kiến thức với con cái mình.
  • Trung tâm cộng đồng: Các trường thường được sử dụng như là trung tâm cộng đồng đặc biệt là các trường học ở nông thôn. Do đó cần đảm bảo an toàn cho các hoạt động cộng đồng được tổ chức tại trường học.
  • Nơi trú ẩn/ cứu trợ an toàn: Trong thời gian xảy ra thảm họa, thường trường học được sử dụng làm nơi trú ẩn/ cứu trợ cho cộng đồng. Các hoạt động sơ tán hay cứu trợ sẽ gặp khó khăn nếu trường học bị tàn phá, hư hại.
  • Kế hoạch giảng dạy: Trường học an toàn sẽ đảm bảo cho kế hoạch giảng dạy và học tập được diễn ra đầy đủ.
  • Hỗ trợ tâm lý xã hội: Trong thảm họa trẻ em là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất và cần được hỗ trợ về mặt tâm lý – xã hội. Việc mở lại hoạt động của trường học đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, giúp trẻ em nhanh chóng hòa nhập với bạn bè, trường lớp và cộng đồng.

Có thể cha mẹ quan tâm: Trường học thông minh là gì? Tiêu chí xây dựng trường học thông minh

Các tiêu chí đánh giá trường học an toàn

tieu-chi-xay-dung-truong-hoc-an-toan

Các tiêu chí đánh giá trường học an toàn

Các tiêu chí đánh giá trường học an toàn tuân theo quy định tại Điều 11 – Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023 với các thông tin như sau:

Nhà trường tổ chức thực hiện, tự đánh giá các tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích tại Phụ lục ban hành kèm theo thông tư. Phụ lục của Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023 bao gồm 50 tiêu chí về các nội dung:

  • Cơ sở vật chất, thiết bị, tài liệu và học liệu dạy học bao gồm 7 nội dung đánh giá tương ứng với 17 tiêu chí đánh giá (trong đó có 8 tiêu chí bắt buộc) theo Phụ lục kèm theo Phụ lục Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023
  • An ninh trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn và tội phạm xã hội, bảo vệ người học trên môi trường mạng bao gồm 4 tiêu chí đánh giá (trong đó có 3 tiêu chí bắt buộc) theo Phụ lục Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023
  • Phòng chống đuối nước, tai nạn giao thông và các loại hình tai nạn thương tích khác bao gồm 10 tiêu chí đánh giá (trong đó có 4 tiêu chí bắt buộc) theo Phụ lục Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023
  • Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học bao gồm 2 nội dung đánh giá tương ứng với 8 tiêu chí đánh giá (trong đó có 5 tiêu chí bắt buộc) theo Phụ lục Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023
  • Thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong nhà trường, giáo dục sức khỏe tâm thần và tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho người học bao gồm 4 tiêu chí đánh giá theo Phụ lục Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023
  • Công tác quản lý bao gồm 7 tiêu chí đánh giá (trong đó có 3 tiêu chí bắt buộc) theo Phụ lục Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023

Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích theo 2 mức Đạt và Chưa đạt cụ thể:

  • Đạt: Theo đánh có có tối thiểu 80% tiêu chí đánh giá ở mức “Đạt” trong đó 100% các tiêu chí bắt buộc được đánh giá mức “Đạt”
  • Chưa đạt: Mức Chưa đạt khi không đáp ứng quy định tại điểm a khoản 2 của thông tư

Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích là 1 trong các tiêu chí đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc gia, theo quy định của Bộ GD & ĐT.

Cách để xây dựng trường học an toàn

Theo Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023 Hướng dẫn xây dựng trường học an toàn phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm:

  • Trường tiểu học
  • Trường THCS
  • Trường THPT
  • Trường PT có nhiều cấp học
  • Trường PT DTNT
  • Trường PTDT Bán trú
  • Trường chuyên, trường dành cho người khuyết tật, trường năng khiếu
  • Trung tâm GDTX
  • Trung tâm GDNN – GDTX
  • Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

cach-xay-dung-truong-hoc-an-toan-1

Đảm bảo an toàn trong trường học

Nguyên tắc xây dựng trường học an toàn

Các nguyên tắc để xây dựng trường học an toàn là công việc thường xuyên, trọng tâm được ưu tiên triển khai trong mỗi nhà trường. Công tác này cần triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục của nhà trường và điều kiện thực tiễn của địa phương. Để đảm bảo an toàn trong trường học cần phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của người học, giáo viên, cán bộ công nhân viên của nhà trường, phụ huynh học sinh và chính quyền địa phương.

Nội dung xây dựng trường an toàn, phòng chống tai nạn thương tích

Theo Thông tư 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/ 10/ 2023, nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích bao gồm:

  • Thông tư nêu rõ cần hoàn thiện và đảm bảo sự an toàn về cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, học liệu, tài liệu dạy học, công trình nước sạch, nhà vệ sinh phục vụ cho các hoạt động giáo dục của trường. Tiến hành kiểm tra, rà soát thường xuyên chất lượng cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị, học liệu, tài liệu dạy học đảm bảo phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập, thể dục thể thao, vui chơi giải trí để khắc phục nguy cơ gây thương tích, tai nạn hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
  • Đảm bảo an ninh, trật tự trường học, phòng chống bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, tội phạm
  • Hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng lành mạnh, an toàn và đúng quy định của pháp luật hiện hành
  • Thực hiện giáo dục kiến thức, kỹ năng an toàn giao thông, phòng chống đuối nước, phòng cháy chữa cháy, ứng phó với thảm họa thiên tai, phòng chống va đập, chống ngã, điện giật và một số loại hình thương tích, tai nạn thường gặp khác. Bên cạnh đó tổ chức các câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm giúp người học chủ động thực hiện một số chuyên đề, hoạt động rèn luyện kỹ năng phòng chống tai nạn, thương tích trong nhà trường. Đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trên đường đi học về, trong cộng đồng và trong gia đình.
  • Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người học thông qua hoạt động phòng chống dịch bệnh học đường, phòng chống tác hại của các sản phẩm thuốc lá và thuốc lá mới, rượu bia, và các chất gây nghiện khác, đảm bảo an toàn thực phẩm
  • Thực hiện các quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ, giáo dục sức khỏe, các công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho người học trong nhà trường

Xem thêm: Trường chất lượng cao là gì? Top 9 trường chất lượng ở Hà Nội

Quy trình các bước xây dựng trường học an toàn

Để thực hiện tốt quy trình xây dựng trường an toàn, cần thực hiện 8 bước cụ thể như sau:

Bước 1: Giới thiệu và nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro, thảm họa cho giáo viên và học sinh tại trường học

Trước tiên cần thực hiện việc tổ chức, giới thiệu nhận thức về quản lý rủi ro, thảm họa tại trường học nhằm giúp giáo viên, học sinh, cán bộ công nhân viên nhà trường hiểu rõ thông tin. Đồng thời toàn trường ý thức được sự cần thiết của việc xây dựng kế hoạch quản lý thảm họa và rủi ro.

Các vấn đề cần được đưa vào thảo luận trong hoạt động giới thiệu này bao gồm:

  • Các thảm họa, rủi ro có thể xảy ra trong và xung quanh trường
  • Các tác động có thể xảy ra đối với thảm họa trong trường học
  • Các bước cần thực hiện khi nếu thảm họa, rủi ro để giảm nhẹ hậu quả
  • Những thuận lợi của các biện pháp giảm nhẹ, phòng ngừa thảm họa, rủi ro trong trường học
  • Các nguồn lực cần thiết sử dụng trong quản lý rủi ro thảm họa trường học
  • Khả năng hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân cho công tác ứng phó với thảm họa, rủi ro của nhà trường
  • Nâng cao nhận thức về những việc làm, hành động không nên làm và nên làm trong thảm họa

Tất cả các thành viên bao gồm Ban giám hiệu, giáo viên, cán bộ công nhân viên, học sinh, phụ huynh, các tổ chức đoàn thể, phòng giáo dục và đào tạo, các ban ngành liên quan nên được mời tham dự hoạt động này. Hoạt động sẽ giúp các bên liên quan đi đến sự thống nhất về sự cần thiết của công tác quản lý rủi ro.

Lưu ý: Trong trường hợp có ít học sinh và giáo viên, các trường có thể phối hợp để tổ chức hoạt động giới thiệu và nâng cao nhận thức về quản lý rủi ro thảm họa tại trường học.

Để làm tốt công tác quản lý rủi ro, thảm họa khi xây dựng trường học an toàn cần nâng cao nhận thức bằng nhiều cách khác nhau dựa trên điều kiện và nguồn lực sẵn có tại địa phương. Ví dụ: Tổ chức các cuộc thi văn nghệ, vẽ tranh, triển lãm tranh về chủ đề này. Tổ chức các buổi tuyên truyền, ký cam kết giữa học sinh và giáo viên đóng góp cho việc giảm nhẹ rủi ro, thiên tai…

quy-trinh-cac-buoc-xay-dung-truong-hoc-an-toan

Nâng cao nhận thức quản lý rủi ro thảm họa khi xây dựng trường học an toàn

Bước 2: Thành lập Ban quản lý rủi ro thảm họa tại trường học

Xây dựng trường học an toàn cần thành lập Ban quản lý rủi ro thiên tai hoạt động lâu dài với sự tham gia của nhiều bên liên quan. Thành phần gồm trưởng ban là hiệu trưởng hoặc thành viên trong ban giám hiệu, các thành viên khác như:

  • Giáo viên
  • Đại diện hội phụ huynh, học sinh các khối hay các lớp
  • Đại diện các tổ chức xã hội
  • Một số bên liên quan: Hội chữ thập đỏ, Ban chỉ huy PCLB xã/ phường, Trạm y tế, Cán bộ trung tâm khí tượng thủy văn, Phòng giáo dục…

Ban quản lý là đơn vị chịu trách nhiệm quản lý rủi ro, thảm họa và thực hiện nhiều nhiệm vụ có liên quan như:

  • Lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch quản lý rủi ro thảm hoạ với sự hỗ trợ của các bên liên quan
  • Tổ chức diễn tập tại trường học dưới sự hỗ trợ của cán bộ chuyên môn để kiểm tra khả năng ứng phó, xác định điểm mạnh điểm yếu cần phát huy và cải thiện
  • Cập nhật kế hoạch thường xuyên
  • Hỗ trợ phòng giáo dục trong việc thực hiện quản lý rủi ro thảm họa
  • Thành lập các tiểu ban và phân công trách nhiệm
  • Triển khai kế hoạch cho học sinh và các bên liên quan

Bước 3: Đánh giá thực trạng dễ bị tổn thương và khả năng bị tổn thương tại trường học

Đánh giá thực trạng nhằm xác định những hiểm họa và đánh giá khả năng hiện có để đối phó khi xây dựng trường học an toàn. Việc đánh giá có thể bắt đầu bằng việc thu thập thông tin qua việc thảo luận và lấy thông tin từ các bên liên quan và chính quyền địa phương. Nhà trường cần tính đến khả năng xảy ra các thảm họa chưa từng có tại địa phương để tính toán các biện pháp ứng phó.

Sau khi đánh giá, xác định hiểm họa cần tiếp tục xây dựng lịch thiên tai, hiểm họa để tạo cơ sở lập kế hoạch phòng ngừa, ứng phó. Các thiên tai, hiểm họa có thể xuất phát từ tự nhiên hoặc từ các điều kiện thực tiễn của nhà trường:

  • Hiểm họa, thiên tai từ tự nhiên: bão lũ, sạt lở đất…
  • Hiểm hoạ từ các điều kiện thực tiễn: tình trạng chen chúc, xô đẩy khi đông người, khu vui chơi không an toàn, đường dây điện, cửa thoát hiểm bị khóa, khu vực để chất dễ cháy nổ…
  • Hiểm họa ở khu vực xung quanh: cây cao, đường dây điện, trạm biến áp, sông hồ…

Sau khi phân tích rủi ro, thảm họa có thể xảy ra cần tiến hành đánh giá độ an toàn trong kết cấu và khả năng của trường:

  • Hệ thống trang thiết bị: điện thoại liên lạc, loa phóng thanh, trang thiết bị y tế, khu kiên cố là nơi trú ẩn an toàn…
  • Nguồn lực: giáo viên, học sinh đã được tập huấn về sơ cứu, những người biết bơi…
  • Nguồn lực khách: thuyền cứu hộ, áo phao, phao cứu sinh, địa điểm sơ tán gần trường…

Bước 4: Lập kế hoạch quản lý rủi ro thảm họa tại trường học

Lập kế hoạch căn cứ vào kết quả đánh giá hiện trạng tại trường và khả năng xác định giải pháp ứng phó, giảm nhẹ rủi ro, thảm họa. Kế hoạch giúp nhà trường và các bên liên quan thống nhất chung, tránh sự trùng lặp, lúng túng trong việc thực hiện các hoạt động.

Yêu cầu về kế hoạch quản lý rủi ro thảm họa trường học khi xây dựng trường học an toàn:

  • Kế hoạch đơn giản, dễ hiểu xây dựng dựa trên kết quả đánh giá khả năng và tình trạng của trường học
  • Kế hoạch bao gồm các nội dung: giới thiệu về trường, kết quả đánh giá, danh sách các thành viên Ban quản lý, vai trò và trách nhiệm của ban và tiêu ban, kế hoạch tập huấn, kế hoạch diễn tập, những việc nên và không nên làm trong thảm họa, thông tin liên lạc, bản đồ trường học và cộng đồng

Kế hoạch cần trình bày khoa học để thuận tiện cho việc thực hiện và theo dõi. Tùy tình hình cụ thể kế hoạch có thể điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

quy-trinh-cac-buoc-xay-dung-truong-hoc-an-toan-2

Lập kế hoạch quản lý rủi ro thảm họa tại trường học

Bước 5: Thành lập các tiểu ban quản lý và xây dựng năng lực quản lý thảm họa tại trường học

Ban quản lý thành lập các tiểu ban hỗ trợ việc thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả cao hơn. Các tiểu ban phối hợp hoạt động thông qua sự quản lý và điều phối của Ban quản lý. Các tiểu ban có số lượng thành viên từ 4 – 7 người thay đổi linh hoạt tùy vào yêu cầu cụ thể. Các tiểu ban nên bao gồm học sinh và giáo viên trong đó giáo viên là người đứng đầu.

Các tiểu ban có thể bao gồm: Tiểu ban sơ tán, Tiểu ban so cấp cứu, Nâng cao nhận thức, An ninh, Cảnh báo sớm, Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn. Các tiểu ban được phân công vai trò, trách nhiệm và nhiệm vụ cụ thể.

Bước 6: Phổ biến hiện kế hoạch quản lý rủi ro và thảm họa

Kế hoạch quản lý rủi ro, thảm hoạ cần được phổ biến đến toàn trường thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, chào cờ vào đầu năm học, kỳ học… Kế hoạch nên được dán tại bảng tin của nhà trường để học sinh, giáo viên, cán bộ công nhân viên có thể hiểu rõ.

Bước 7: Diễn tập kiểm tra khả năng ứng phó

Diễn tập cần được tiến hành hàng năm, ít nhất 1 lần có thể thực hiện bất ngờ hoặc sau khi đã thông báo trước để kiểm tra khả năng ứng phó. Sau khi diễn tập cần tổ chức họp đánh giá, tham khảo ý kiến để làm cơ sở hoàn thiện kế hoạch quản lý rủi ro thảm họa của nhà trường.

Bước 8: Đánh giá và cập nhật kế hoạch

Định kỳ cần tiến hành đánh giá, cập nhật kế hoạch dựa vào kết quả diễn tập và tình hình thực tế của trường. Thời gian thực hiện tốt nhất là vào đầu năm học khoảng tháng 9 hàng năm. Sau khi cập nhật cần phổ biến cho học sinh, giáo viên,,, thông qua diễn tập, các buổi thảo luận, thông báo trên bản tin của trường.

Ban quản lý có trách nhiệm cập nhật kế hoạch quản lý rủi ro, thảm họa.

Trên đây là các nội dung về trường học an toàn và xây dựng an trường học an toàn. The Dewey Schools đã cập nhật các thông tin mới nhất mời các bạn cùng tham khảo.

Nhiều phụ huynh quan tâm:

  • Trường quốc tế là gì? Có nên cho con học trường quốc tế?
  • Nên cho con học trường song ngữ hay trường quốc tế