Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định thế nào?

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định thế nào?

Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Điều kiện công nhận pháp nhân

Cụ thể tại Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015 quy định điều kiện công nhân pháp nhân như sau:

– Một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Được thành lập theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan;

+ Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015;

+ Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

+ Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

– Mọi cá nhân, pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

2. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân được quy định thế nào?

Theo Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015 quy định năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân như sau:

– Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự. Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp Bộ luật Dân sự 2015, luật khác có liên quan quy định khác.

– Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập; nếu pháp nhân phải đăng ký hoạt động thì năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân phát sinh từ thời điểm ghi vào sổ đăng ký.

– Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân chấm dứt kể từ thời điểm chấm dứt pháp nhân.

3. Trách nhiệm dân sự của pháp nhân được quy định thế nào?

Căn cứ theo Điều 87 Bộ luật Dân sự 2015 quy định trách nhiệm dân sự của pháp nhân như sau:

– Pháp nhân phải chịu trách nhiệm dân sự về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện nhân danh pháp nhân.

Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự về nghĩa vụ do sáng lập viên hoặc đại diện của sáng lập viên xác lập, thực hiện để thành lập, đăng ký pháp nhân, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

– Pháp nhân chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình; không chịu trách nhiệm thay cho người của pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do người của pháp nhân xác lập, thực hiện không nhân danh pháp nhân, trừ trường hợp luật có quy định khác.

– Người của pháp nhân không chịu trách nhiệm dân sự thay cho pháp nhân đối với nghĩa vụ dân sự do pháp nhân xác lập, thực hiện, trừ trường hợp luật có quy định khác.

4. Phân loại pháp nhân

4.1 Pháp nhân thương mại

– Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên.

– Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.

– Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 75 Bộ luật Dân sự 2015)

4.2 Pháp nhân phi thương mại

– Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên.

– Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.

– Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015)

Hồ Quốc Tuấn

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY