Bảo đảm dự thầu là gì? Gồm hình thức nào?

1. Bảo đảm dự thầu là gì? Gồm các hình thức nào?

Điểm c khoản 1 Điều 60 Luật Đấu thầu năm 2013 quy định, khi thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà thầu qua mạng, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia một trong những nội dung, quy trình phải thực hiện là nộp bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên danh.

Theo đó, bảo lãnh (hay còn gọi là bảo đảm) dự thầu được định nghĩa cụ thể tại khoản 1 Điều 4 Luật Đấu thầu như sau:

Bảo đảm dự thầu là việc nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện một trong các biện pháp đặt cọc, ký quỹ hoặc nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam để bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư trong thời gian xác định theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.

Căn cứ quy định này, bảo đảm dự thầu là biện pháp bảo đảm trách nhiệm dự thầu của nhà thầu, nhà đầu tư và được thực hiện thông qua các hình thức gồm:

– Đặt cọc.

– Ký quỹ.

– Nộp thư bảo lãnh của tổ chức tín dụng/chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Như vậy, theo quy định trên, bảo lãnh dự thầu hay còn gọi là bảo đảm dự thầu là một trong những bước quan trọng để lựa chọn nhà thầu, đảm bảo việc thực hiện dự thầu cho nhà thầu, nhà đầu tư.

2. Chỉ định thầu có phải nộp bảo đảm dự thầu không?

Khoản 1 Điều 11 Luật Đấu thầu quy định các trường hợp phải bảo đảm dự thầu gồm:

– Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh với gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp và gói thầu hỗn hợp.

– Đấu thầu rộng rãi và thực hiện chỉ định thầu với lựa chọn nhà đầu tư.

Trong khi đó, chỉ định thầu là một trong các hình thức lựa chọn nhà thầu bên cạnh đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp hoặc tự thực hiện (căn cứ Điều 53 Luật Đấu thầu năm 2013).

Như vậy, việc bảo đảm dự thầu được thực hiện khi chỉ định thầu với lựa chọn nhà đầu tư theo quy định nêu trên.

Đồng thời, với hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, nhà thầu, nhà đầu tư phải bảo đảm dự thầu trước khi đóng thầu. Riêng phương thức đấu thầu hai giai đoạn thì việc bảo đảm dự thầu được thực hiện trong giai đoạn hai.

Xem thêm: Bảo đảm dự thầu áp dụng trong trường hợp nào?

3. Quy định về bảo đảm dự thầu thế nào?

3.1 Hiệu lực bảo đảm dự thầu

Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định tại khoản 4 Điều 11 Luật Đấu thầu như sau:

Thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất cộng thêm 30 ngày.

Như vậy, không có quy định giới hạn thời gian có hiệu lực của bảo đảm dự thầu mà thời gian này phụ thuộc vào hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu và được xác định bằng thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đều xuất cộng thêm 30 ngày nữa.

3.2 Giá trị bảo đảm dự thầu

Theo khoản 3 Điều 11 Luật Đấu thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu như sau:

– Lựa chọn nhà thầu: Từ 1 – 3% giá gói thầu căn cứ vào quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ th.

– Lựa chọn nhà đầu tư: Từ 0,5 – 1,5% tổng mức đầu tư căn cứ vào quy mô và tính chất của từng dự án cụ thể.

Trên đây là quy định về bảo đảm dự thầu là gì? Nếu còn thắc mắc, độc giả vui lòng liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.

>> Các tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu mới nhất