Trong thời gian thử việc, người lao động có được nghỉ phép năm?

Nội dung này được Ban Hỗ trợ PHÁP LÝ KHỞI NGHIỆP trả lời như sau:

1. Cách tính ngày nghỉ phép năm

Khoản 1 và khoản 2 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, quy định về nghỉ hằng năm (thực tế thường được gọi là nghỉ phép năm) như sau:

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Theo khoản 2 Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc thì được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động.

Căn cứ vào quy định nêu trên, nếu người lao động tiếp tục làm việc sau thời gian thử việc thì thời gian thử việc đó đương nhiên được coi là thời gian để tính vào ngày nghỉ phép năm.

Tuy nhiên, hiện hành pháp luật chưa có quy định nào quy định rõ về việc: Trong thời gian thử việc người lao động có được nghỉ phép năm hay không; nếu hết thời gian thử việc người lao động không tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động thì có được nghỉ phép năm hay không. Do đó, trong thời gian thử việc người lao động có được nghỉ phép năm hay không sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động; nội quy, quy chế của Công ty.

Các mẫu văn bản nâng cao người lao động cần biết để bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình

Ảnh minh họa (Nguồn từ Internet)

2. Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm của người lao động

Căn cứ Điều 65 Nghị định 145/2020/NĐ-CP thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ hằng năm của người lao động bao gồm:

– Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 của Bộ luật Lao động 2019 nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

– Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

– Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 của Bộ luật Lao động 2019.

– Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 06 tháng.

– Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

– Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

– Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.