Chứng minh nhân dân được sử dụng đến khi nào?

Chứng minh nhân dân được sử dụng đến khi nào?

Chứng minh nhân dân được sử dụng đến khi nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Chứng minh nhân dân được sử dụng đến khi nào?

Khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân 2014 có quy định như sau:

Chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định; khi công dân có yêu cầu thì được đổi sang thẻ Căn cước công dân.

Thời hạn của chứng minh nhân dân được quy định tại Điều 2 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, được sửa đổi bởi Nghị định 170/2007/NĐ-CP như sau:

Chứng minh nhân dân hình chữ nhật dài 85,6 mm, rộng 53,98 mm, hai mặt Chứng minh nhân dân in hoa văn màu xanh trắng nhạt. Có giá trị sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp.

Như vậy, chứng minh nhân dân đã được cấp trước ngày 01/01/2016 có giá trị sử dụng đến hết 15 năm kể từ ngày cấp.

Tại Dự thảo Luật Căn cước công dân sửa đổi có đề xuất như sau:

Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày Luật Căn cước công dân sửa đổi có hiệu lực thi hành thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

2. Một số câu hỏi về căn cước công dân gắn chíp

2.1. Bao nhiêu tuổi thì được cấp căn cước công dân?

Theo khoản 1 Điều 19 Luật Căn cước công dân 2014 thì công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ Căn cước công dân.

2.2. Căn cước công dân có phải là giấy tờ tùy thân?

– Thẻ Căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân Việt Nam có giá trị chứng minh về căn cước công dân của người được cấp thẻ để thực hiện các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.

– Thẻ Căn cước công dân được sử dụng thay cho việc sử dụng hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép công dân nước ký kết được sử dụng thẻ Căn cước công dân thay cho việc sử dụng hộ chiếu trên lãnh thổ của nhau.

– Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền được yêu cầu công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân để kiểm tra về căn cước và các thông tin quy định tại Điều 18 Luật Căn cước công dân 2014; được sử dụng số định danh cá nhân trên thẻ Căn cước công dân để kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đó không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014.

– Nhà nước bảo hộ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp thẻ Căn cước công dân theo quy định của pháp luật.

Như vậy, thẻ căn cước công dân là giấy tờ tùy thân của công dân.

(Điều 20 Luật Căn cước công dân 2014)

2.3. Trường hợp nào phải đổi căn cước công dân?

Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

– Thẻ Căn cước công dân phải được đổi khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.

– Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

– Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

– Xác định lại giới tính, quê quán;

– Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

– Khi công dân có yêu cầu.

(Khoản 1 Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014)

2.4. Làm căn cước công dân bao lâu thì có?

Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Luật Căn cước công dân 2014, cơ quan quản lý căn cước công dân phải cấp thẻ Căn cước công dân cho công dân trong thời hạn sau đây:

– Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;

– Tại các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp;

– Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp.

(Điều 25 Luật Căn cước công dân 2014)