Quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn mà chưa giải quyết

Quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn mà chưa giải quyết

Quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn mà chưa giải quyết (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Thời hạn giải quyết tố cáo

Thời hạn giải quyết tố cáo theo khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 30 Luật Tố cáo 2018 như sau:

– Thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo.

– Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày.

– Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

– Người giải quyết tố cáo quyết định bằng văn bản việc gia hạn giải quyết tố cáo và thông báo đến người tố cáo, người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

2. Quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn mà chưa giải quyết

Quy định về giải quyết tố cáo trong trường hợp quá thời hạn mà chưa giải quyết theo Điều 38 Luật Tố cáo 2018 như sau:

– Trường hợp quá thời hạn quy định tại Điều 30 Luật Tố cáo 2018 mà tố cáo chưa được giải quyết, người tố cáo có quyền tố cáo tiếp với người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của người giải quyết tố cáo.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo tiếp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có văn bản yêu cầu người giải quyết tố cáo báo cáo về quá trình giải quyết tố cáo, lý do về việc chậm giải quyết tố cáo và xác định trách nhiệm giải quyết tố cáo.

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp, người giải quyết tố cáo phải gửi báo cáo theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Tố cáo 2018;

Tiếp tục giải quyết tố cáo theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp và báo cáo kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 30 Luật Tố cáo 2018.

– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp theo dõi, đôn đốc việc giải quyết tố cáo; thông báo cho người tố cáo biết về việc xem xét, giải quyết tố cáo; áp dụng biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý đối với người có thẩm quyền mà không giải quyết tố cáo theo đúng thời gian quy định.

– Trường hợp có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu không khách quan thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp giải quyết vụ việc tố cáo.

3. Hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo

Theo Điều 39 Luật Tố cáo 2018 thì hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo như sau:

– Việc giải quyết tố cáo phải được lập thành hồ sơ. Căn cứ vào vụ việc cụ thể, hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo bao gồm:

+ Đơn tố cáo hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo; báo cáo hoặc biên bản kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân của người tố cáo, biên bản làm việc trực tiếp với người tố cáo để xác minh nội dung tố cáo;

+ Quyết định thụ lý tố cáo; văn bản giao xác minh nội dung tố cáo;

+ Biên bản xác minh; kết quả giám định, thông tin, tài liệu, chứng cứ thu thập được trong quá trình xác minh;

+ Văn bản giải trình của người bị tố cáo; biên bản làm việc với người bị tố cáo về nội dung giải trình;

+ Báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo trong trường hợp người giải quyết tố cáo giao cho người khác tiến hành xác minh nội dung tố cáo;

+ Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo; quyết định tiếp tục giải quyết tố cáo;

+ Kết luận nội dung tố cáo hoặc quyết định đình chỉ việc giải quyết tố cáo;

+ Quyết định xử lý của người giải quyết tố cáo, văn bản kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý;

+ Các tài liệu khác có liên quan.

– Đối với việc giải quyết lại vụ việc tố cáo, hồ sơ bao gồm những tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 39 Luật Tố cáo 2018 và các tài liệu sau đây:

+ Đơn tố cáo tiếp hoặc văn bản ghi nội dung tố cáo tiếp; văn bản yêu cầu hoặc kiến nghị về việc giải quyết lại vụ việc tố cáo;

+ Kết luận nội dung giải quyết lại vụ việc tố cáo;

+ Quyết định xử lý của người giải quyết lại vụ việc tố cáo;

+ Các tài liệu khác có liên quan trong quá trình giải quyết lại vụ việc tố cáo.

– Hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo phải được đánh số thứ tự. Việc lưu trữ, khai thác, sử dụng hồ sơ giải quyết vụ việc tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật, bảo đảm bí mật thông tin về người tố cáo.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY