Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây bí đao –

b161cd8764ac1d9d1%20(1)

Trồng bí đao cho năng suất cao

Bí đao hay bí xanh là loại cây cho năng suất cao, lợi nhuận lớn, kỹ thuật trồng lại không quá khó, dễ chăm sóc, nên được người dân trồng ở nhiều nơi.

Cây bí đao là cây rau thuộc họ bầu bí có khả năng sinh trưởng phát triển khỏe, thích ứng rộng, chống chịu sâu bệnh rất tốt nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật. Do có lớp vỏ dày, cứng nên bí đao có khả năng bảo quản, vận chuyển tốt. Bí đao cho năng suất 35 – 50 tấn / ha và là loại cây cho hiệu quả kinh tế cao.

1. Thời vụ.

Bí đao chính vụ được trồng từ tháng 12 năm trước và đến đầu tháng 3 năm sau. Tuy nhiên bí đao có thể trồng ở vụ đông từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10, kỹ thuật trồng bí đao trái mùa không khó, năng suất bí vụ đông không cao như trồng chính vụ nhưng bán được giá nên cho hiệu quả kinh tế cao.

dcd63f24fe8a533d1%20(2)

Thu hoạch bí đao

2. Gieo hạt.

Ngâm ủ: Ngâm hạt giống trong nước sạch từ 6-8 tiếng, vò nhẹ và rửa cho hết nhớt, gói vào vải ẩm rồi đem ủ ấm. Sau ủ khoảng 40-48 giờ kiểm tra hạt, hạt nứt nanh thì tiến hành gieo.

Gieo hạt: Tùy vào điều kiện thời tiết cũng như quỹ đất ở từng địa phương có thể gieo hạt trực tiếp trên ruộng, mỗi hốc từ 1- 2 hạt hoặc gieo hạt vào bầu rồi trồng ra ruộng. Nên áp dụng biện pháp trồng bầu để đảm bảo thời vụ, đặc biệt trên diện tích đất 2 vụ lúa.Trồng bầu sẽ thuận tiện hơn trong việc chăm sóc cây con và khi đưa cây con ra ruộng sẽ phát triển nhanh hơn, rút ngắn thời gian trên đồng ruộng.

Làm bầu: Đất làm bầu là đất hỗn hợp đất bột + phân mục theo tỷ lệ 1:1. Bón thêm 1kg urê + 1,5 kg lân, 1,5 kg kali cho 1000kg hỗn hợp đất làm bầu trên. Có điều kiện nên xử lý hỗn hợp bằng một số loại thuốc trừ nấm trước khi đưa hạt vào khoảng 10 ngày.

Sử dụng túi nylon (phải cắt 2 góc phía dưới để dễ tiêu thoát nước), lá chuối, hoặc khay kích thước tuỳ theo thời gian đưa ra ruộng để đựng hỗn hợp làm bầu. Nếu trồng nhiều có thể làm như làm bầu ngô. Khi gieo hạt xong phải phủ một lớp đất mỏng kín hạt, sau đó phủ một lớp trấu mục hoặc mùn mục, tưới nước đều 5-7 ngày cho hạt mọc đều. Khi cây bắt đầu có lá thật đưa ra ruộng là tốt nhất.

3. Làm giàn

Là loại thân dây leo với quả dáng dài, trồng bí đao leo giàn là một kỹ thuật trồng cơ bản vừa tối ưu hóa diện tích trồng vừa giúp cây phát triển tốt hơn.

Bí đao có thể làm giàn thẳng đứng, giàn chữ A hoặc giàn leo trên cao. Nếu trồng số lượng ít tại vườn, có thể tận dụng bờ rào, hay cho mái nhà,… Tuy nhiên giàn chữ A hoặc giàn leo có thể giúp tăng năng suất, ít sâu bệnh. Có thể dùng dây thép to, móc nối đan xen thành hình lưới để giúp cây leo cao, dùng cọc để cố định các góc. Phía trên cao dùng dây thép móc nối để tạo thành giàn, giúp cây vươn dài, quả treo trên cao. Có thể dùng cọc bằng tre, nứa để thay thế giàn bằng dây thép.

4. Chăm sóc

– Tưới nước: Khi cây ở giai đoạn ra hoa thì nên tưới nước nhiều hơn, cấp ẩm cho đất, giúp cây sinh trưởng tốt, tăng tỉ lệ đậu trái. Nên tưới 2 lần mỗi ngày, sáng và chiều tối.

– Bón phân:

Lượng phân bón cho mỗi sào: 4-5 tạ phân chuồng hoai mục (hoặc 30 – 40 kg phân hữu cơ hoặc phân vi sinh); 20 – 25 kg Lân Supe; 10 – 12 kg đạm Ure; 8 – 10 kg Kali; 15 – 20 kg bôi bột.

  • Cách bón:

+ Bón lót: Bón 100% phân chuồng hoặc phân hữu cơ, phân vi sinh +100% phân Supe Lân + 1/4 đạm Ure + 1/4 Kali + 100% vôi bột,

+ Bón thúc:

Thúc lần 1 (khi cây có 3-4 lá thật): bón 1/4 đạm Ure + 1/4 Kali.

Thúc lần 2 (khi cây bắt đầu ngả ngọn bò, hoặc lúc bắt đầu leo lên giàn): bón 1/4 đạm Ure + 1/4 Kali;

Thúc lần 3 (sau khi cây đậu quả rộ): bón hết lượng phân bón còn lại.

Lưu ý: Nên ưu tiên dùng phân NPK dễ tiêu như loại 16:16:8, 13:13:13, 20:20:20,… dùng cho cả bón lót và bón thúc với lượng từ 25-30 kg/sào tùy theo từng chân đất. Phân bón thúc phải bón xung quanh gốc và cách xa gốc từ 5-10 cm. Giai đoạn sau, tùy điều kiện có thể phun thêm một số loại phân bón lá để bổ sung dinh dưỡng nếu cần.

5. Phòng trừ sâu bệnh

Bí đao thường gặp một số đối tượng sâu bệnh gây hại như: Sâu vẽ bùa, rệp, sâu xanh, héo xanh, sương mai, phấn trắng… Thường xuyên theo dõi để phát hiện và phòng trừ kịp thời.

6. Thu hoạch.

Khi quả được 50-60 ngày tuổi là thu hoạch được. Bí non có thể thu ở giai đoạn 25-35 ngày tuổi sau khi đậu quả. Thu vào sáng sớm, cần nhẹ nhàng tránh bị xây xát. Quả già thu về có thể xếp thành hàng, bảo quản nơi thoáng mát. Có thể bảo quản trong vòng 1 tháng mà không ảnh hưởng lớn đến chất lượng.