Thông tư là gì? Hiệu lực và cơ quan có thẩm quyền ban hành thông tư?

Hằng năm thì có rất nhiều văn bản pháp luật, thông tư, nghị định, v.v … được ban hành và chắc hẳn mỗi chúng ta đều đã từng nghe ai đó hay chính bản thân mình nhắc đến tên của các loại văn bản này. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng đều biết rõ về khái niệm thông tư là gì? Cơ quan ban hành thông tư là cơ quan nào? Thông tư có hiệu lực khi nào? Hay thông tư có phải là một dạng văn bản pháp luật không?

Luật sư tư vấn luật trực tuyến miễn phí qua tổng đài: 1900.6568

1. Thông tư là gì?

Thông tư là một loại văn bản có nội dung và mục đích là nhằm hướng dẫn, giải thích chi tiết, cụ thể những quy định mang tính chung chung trong các văn bản pháp luật mà nhà nước ban hành, thông tư nằm trong phạm vi quản lý của từng ngành nhất định.

Thông tư được ban hành bởi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lý các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề khác được Luật tổ chức Tòa án nhân dân và luật khác có liên quan giao.

Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao được ban hành để quy định, những vấn đề được Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và luật khác có liên quan giao.

Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ được ban hành thông tư để quy định:

  • Chi tiết điều, khoản, điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, lệnh, quyết định của Chủ tịch nước, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
  • Biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước của mình.

Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành thông tư liên tịch để quy định về việc phối hợp giữa các cơ quan này trong việc thực hiện trình tự, thủ tục tố tụng.

Thông tư tiếng Anh là Circulars.

Thông tư tiếng Anh được hiểu là Circular is a document to explain and guide the implementation of state documents issued and under the management of a certain industry. Or simply understood, the circular used to guide documents is a Decree signed by the competent authority of the ministry or minister.

Hiện nay, theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, Thông tư bao gồm:

+ Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được ban hành để thực hiện việc quản lý các Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự về tổ chức và những vấn đề được Luật Tổ chức Tòa án nhân dân và luật khác có liên quan giao;

+ Thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân được ban hành để quy định các vấn đề được Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các luật khác có liên quan giao;

+ Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ được ban hành nhằm chi tiết các điều, khoản, các điểm được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của ban thường vụ Quốc hội,…

+ Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao với Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao.

Để hỗ trợ biết rõ hơn về cách sử dụng của từ thông tư trong tiếng Anh như thế nào trên thực tế, có thể tham khảo các ví dụ sau đây:

Ex1. The construction and issuance of Circulars are specified in the Law on the Promulgation of Legal Documents 2015. (Việc tiến hành xây dựng, ban hành các Thông tư được quy định cụ thể tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).

Ex2. Circulars may include: Circulars promulgated by a ministry or joint circular promulgated by two or more ministries or branches. (Thông tư có thể bao gồm: Thông tư do một bộ ngành thực hiện ban hành và Thông tư liên tịch do hai hay nhiều bộ, ngành cơ quan thực hiện ban hành).

2. Cơ quan ban hành thông tư:

Theo quy định cụ thể tại khoản 8, điều 4 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Quốc hội ban hành năm 2015 có nội dung như sau:

“Thông tư của Chánh án Toà án nhân dân tối cao; thông tư của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ;

Thông tư liên tịch giữa Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.”

=> Như vậy, từ những nội dung của quy định trên ta có thể thấy:

Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền ban hành thông tư đó chính là: Tòa án nhân dân tối cao (cụ thể là Chánh án Tòa án nhân dân tối cao), Viện kiểm sát nhân dân tối cao (cụ thể là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao), Bộ trưởng và Thủ trưởng của các cơ quan ngang bộ.

Trong đó:

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành thông tư là để nhằm mục đích hoàn thành nhiệm vụ quản lý các Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân về phương diện tổ chức và một số vấn đề khác do Luật tổ tổ chức Tòa án nhân dân và những luật có liên quan khác giao phó.

+ Thông tư được ban hành bởi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao với mục đích là để quy định, hướng dẫn những vấn đề được giao trong Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các luật có liên quan khác.

+ Thông tư do Bộ trưởng, các Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành với nội dung và mục đích là để quy định một cách chi tiết các điều, các khoản, nêu ra được những điểm giao trong luật; hướng dẫn thực hiện các pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, nghị quyết của Quốc hội, những nghị định của Chính phủ, quyết định của Chủ tịch nước và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, qua việc ban hành thông tư, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn thể hiện được những giải pháp trong việc hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình.

+ Bên cạnh đó, những văn bản thông tư liên tịch giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng như thông tư liên tịch giữa Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao với Bộ trưởng và các Thủ trưởng của những cơ quan ngang bộ là nhằm quy định về cách thức phối hợp để tiến hành hoàn tất các thủ tục, trình tự tố tụng giữa các cơ quan này sao cho nhanh chóng, đúng pháp luật.

3. Thông tư có hiệu lực khi nào?

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 thì một vài nguyên tắc để xác định hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đó là:

– Ta sẽ dựa vào thông tin được quy định trực tiếp, cụ thể tại một điều luật nào đó trong văn bản quy phạm pháp luật.

– Trong trường hợp, trong văn bản quy phạm pháp luật không có điều khoản cụ thể quy định về ngày, tháng, năm có hiệu lực thì ta sẽ áp dụng cách xác định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật đó như sau (theo điều 151 của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015):

+ Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước cấp Trung ương ban hành thì thông thường sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký hoặc kể từ ngày được thông qua văn bản đó.

+ Đối với những văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân ở cấp tỉnh thì hiệu lực của văn bản đó sẽ là sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

+ Còn đối với một số văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân tại cấp huyện và cấp xã thì sau 07 ngày tính từ ngày ký ban hành thì văn bản đó sẽ có hiệu lực.

=> Thông tư sẽ có hiệu lực theo ngày, tháng, năm cụ thể được ghi nhận trong chính điểu khoản của thông tư đó hoặc sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký hay kể từ ngày được thông qua (vì đây là một văn bản do cấp Trung ương ban hành).

4. Cách soạn thảo thông tư:

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo việc xây dựng, ban hành thông tư; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì phối hợp với tổ chức pháp chế trong trường hợp tổ chức pháp chế không chủ trì soạn thảo và các đơn vị có liên quan tổ chức soạn thảo thông tư.

Trong quá trình soạn thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì soạn thảo phải lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; nêu những vấn đề cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng lấy ý kiến và xác định cụ thể địa chỉ tiếp nhận ý kiến; đăng tải toàn văn dự thảo trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ trong thời gian ít nhất là 60 ngày.

Tùy theo tính chất và nội dung của dự thảo thông tư, bộ, cơ quan ngang bộ có thể lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ khác, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức khác, các chuyên gia, nhà khoa học. Cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý kiến.

Đơn vị được phân công soạn thảo chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến, hoàn thiện dự thảo thông tư.

Kết luận: Thông tư là một trong những loại văn bản cần thiết, được áp dụng khá phổ biến để giải thích, hướng dẫn các văn bản luật của Quốc hội hoặc nghị định của Chính phủ ban hành. Ngoài ra, thông tư cũng có thể do nhiều Bộ ngành có liên quan cùng ban hành để áp dụng trong phạm vi liên quan tới các cơ quan đó.