Ban Đối ngoại Trung ương

An ninh phi truyền thống và định hướng giải pháp

Vài nét khái quát về an ninh phi truyền thống

Khái niệm cũng như các vấn đề về an ninh phi truyền thống đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử, nhưng do diễn ra ở phạm vi nhỏ hẹp, quy mô chưa lớn, truyền thông chưa phát triển hoặc vấn đề quyền con người chưa được quan tâm nên ít hoặc không được chú ý. Tuy nhiên, kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, đặc biệt là sau vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng tăng về cả quy mô lẫn tần suất tác động, buộc phải có những giải pháp ứng phó không chỉ ở phạm vi cộng đồng và quốc gia, mà còn ở cấp độ khu vực và toàn cầu.

An ninh phi truyền thống là thuật ngữ dùng để chỉ những nhân tố (an ninh) phi quân sự. Theo các học giả, an ninh phi truyền thống có tính chất “phi quân sự và xuyên quốc gia” hay “có bản chất phi quân sự, tính xuyên quốc xa xét về phạm vi, khó nhận diện và chuyển hóa nhanh chóng do toàn cầu hóa và cách mạng thông tin” hoặc “có khả năng xuyên quốc gia; tính phi chính phủ; tính tương đối; khả năng chuyển hóa; tính vận động; tính vô hình và khó xác định”. Tuy nhiên, cũng còn đó những nhận thức khác nhau về vấn đề an ninh phi truyền thống, đặc biệt là giữa các thành tố của an ninh phi truyền thống và các thành tố của an ninh con người. Một số quan điểm cho rằng, an ninh con người là một thành tố của an ninh phi truyền thống, nhưng bản thân an ninh con người lại chứa đựng nhiều thành tố khác của an ninh phi truyền thống, như chủ nghĩa khủng bố, dịch bệnh, an ninh lương thực, vấn đề môi trường hoặc chỉ trên khía cạnh quyền con người, như quyền được sống, quyền an ninh và quyền phát triển. Trong khi đó, Liên hợp quốc và nhiều học giả quốc tế cho rằng, an ninh con người nên được tiếp cận từ 7 thành tố là: an ninh kinh tế; an ninh lương thực; an ninh y tế; an ninh môi trường; an ninh cá nhân; an ninh cộng đồng; và an ninh chính trị. Nói cách khác, với những cách hiểu như trên thì an ninh con người cũng là một hợp phần của các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhưng bản thân nó cũng chứa đựng các hợp phần khác của an ninh phi truyền thống. Bên cạnh đó, khi tiếp cận vấn đề an ninh con người từ các yêu cầu cơ bản thì cũng cần phải giải quyết một số vấn đề như an ninh kinh tế, an ninh lương thực.

Mặc dù còn có những nhận thức khác nhau, nhưng phần lớn các nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng, an ninh phi truyền thống là những vấn đề an ninh phi quân sự, bao gồm các yếu tố như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh tài chính, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, các thảm họa tự nhiên, dịch bệnh… Các vấn đề/thách thức này cần được giải quyết thông qua các cơ chế hợp tác khu vực và đa phương.

Một số thách thức an ninh phi truyền thống chủ yếu đối với Việt Nam hiện nay

Kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, các thách thức an ninh phi truyền thống đã và đang đe dọa trực tiếp đến sự sinh tồn, phát triển của mỗi cá nhân con người, cộng đồng xã hội, quốc gia dân tộc và toàn thể nhân loại. Với vị trí địa lý, địa hình và khí hậu khá đặc thù cùng việc đang phải trải qua giai đoạn phát triển kinh tế dựa nhiều vào khai thác tài nguyên và lao động, Việt Nam cũng đã và đang chịu tác động mạnh ở cả mức độ và phạm vi của các thách thức an ninh phi truyền thống. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi chỉ đưa ra và làm rõ một số thách thức an ninh phi truyền thống chủ yếu mà Việt Nam đang phải đối mặt, đó là biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước.

Có thể nói, trong số các thách thức an ninh phi truyền thống mà Việt Nam đang phải đối mặt thì biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường là những vấn đề khó khăn hàng đầu hiện nay. Theo đánh giá, Việt Nam là một trong những nước chịu tác động mạnh mẽ nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu. Theo một nghiên cứu của Ngân hàng châu Á (ADB) công bố năm 2013, Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng môi trường suy giảm và tác động gia tăng của các vấn đề do biến đổi khí hậu mang lại, với các tác nhân chủ yếu là: công nghiệp hóa, đô thị hóa; thâm canh và mở rộng diện tích nông nghiệp. Những thành tựu công nghiệp hóa đạt được trong những thập niên qua gắn liền với việc sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, gia tăng tiêu thụ năng lượng và phát thải carbon dioxide. Đi liền với xu hướng đô thị hóa và công nghiệp hóa là hiện tượng mất đất sản xuất, ô nhiễm đất, nước và không khí. Việc thâm canh và mở rộng diện tích đất nông nghiệp trong thời gian qua, một mặt, làm giảm chất lượng đất; mặt khác, làm suy giảm diện tích đất được rừng nguyên sinh bao phủ. Đáng chú ý, diện tích rừng ngập mặn tính đến cuối thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI chỉ còn chưa đầy 60 nghìn ha (từ con số 400 nghìn ha của năm 1943). Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến đời sống của người dân, đặc biệt là đối với người nghèo và các đối tượng dễ bị tổn thương; đến chất lượng nguồn nước; đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp; đến khả năng cung cấp nguồn năng lương phục vụ sản xuất và tiêu dùng; đến cơ sở hạ tầng giao thông; đến sức sản xuất công nghiệp; làm suy giảm diện tích rừng và đa dạng sinh học…

Mặc dù một số nghiên cứu gần đây của Việt Nam khẳng định rằng, vấn đề an ninh lương thực của Việt Nam là “không còn đáng lo ngại”, hoặc “về cơ bản đảm bảo được an ninh lương thực trong dài hạn”. Tuy nhiên, những biểu hiện gần đây liên quan đến hiện tượng biến đổi khí hậu và sự nóng lên của trái đất đặt ra những thách thức khó có thể bỏ qua. Ví dụ, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực đóng góp tới một nửa sản lượng lúa gạo, 70% lượng thủy sản và 1/3 GDP của Việt Nam, nhưng những thách thức mới đang đặt ra cho sự phát triển bền vững của khu vực này. Cuối năm 2015 và đầu năm 2016, khu vực đồng bằng sông Cửu Long phải đối mặt với tình trạng hạn hán và sự xâm nhập mặn lịch sử, làm suy giảm nghiêm trọng đến năng suất nông nghiệp và thủy sản. Thêm vào đó, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%.

Có lẽ, chưa bao giờ an ninh nguồn nước trở lại thành vấn đề cấp bách như hiện nay. Những nhân tố khách quan cùng sự hạn chế trong chính sách, chiến lược phát triển góp phần làm cho mục tiêu đảm bảo an ninh nguồn nước phải đối mặt với nhiều thách thức. Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với bảy thách thức an ninh nguồn nước nổi bật, bao gồm: (1) sự mất cân bằng giữa nhu cầu dùng nước và khả năng trữ nước; (2) sự phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn nước các con sông bên ngoài; (3) Việt Nam chưa xây dựng được chiến lược sử dụng nước; (4) thách thức trong việc chia sẻ một cách hài hòa trong sử dụng nguồn nước giữa các cấp, các bên; (5) tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu; (6) phát triển kinh tế và hội nhập làm sụt giảm và suy thoái nguồn nước; và (7) ý chí chủ quan của đại đa số người dân cho rằng “nước là của trời cho, là vô tận” dẫn đến lãng phí quá mức nguồn nước.

Những vấn đề an ninh phi truyền thống kể trên, chưa kể an ninh kinh tế và những những vấn đề an ninh phi truyền thống khác, đang trở thành những thách thức hiện hữu đối với Việt Nam. Việc định hướng của Đảng được triển khai trong thực tế với các chính sách cụ thể của Nhà nước sẽ là yếu tố quyết định đưa đến sự thành công hoặc thất bại trong việc giải quyết các vấn đề này.

Văn kiện Đại hội XII của Đảng với các vấn đề an ninh phi truyền thống

Nhận thức được tác động của các thách thức phi truyền thống mang lại, từ Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X (năm 2006), mặc dù chưa đề cập trực tiếp đến cụm từ “an ninh phi truyền thống”, nhưng Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đã chỉ ra một số các thách thức an ninh phi truyền thống cụ thể, như “an ninh kinh tế”, “tình trạng khan hiếm nguồn năng lượng, cạn kiệt tài nguyên, môi trường tự nhiên bị huỷ hoại; khí hậu diễn biến ngày càng xấu, kèm theo những thiên tai khủng khiếp; các dịch bệnh lớn, các tội phạm xuyên quốc gia…”. Đến Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011), cụm từ “an ninh phi truyền thống” chính thức xuất hiện cùng với việc xác định những thách thức an ninh phi truyền thống trong các văn kiện đại hội, như Báo cáo chính trị, Nghị quyết đại hội. Đại hội lần thứ XII (năm 2016) của Đảng, trong các văn kiện chính như Báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020, các vấn đề an ninh phi truyền thống đều được nhìn nhận, đánh giá và đưa ra các giải pháp ở các mức độ khác nhau. Các báo cáo này đều có những đánh giá về những thành tựu đã đạt được cũng như những tồn tại của nước ta trong thời gian qua trong việc ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, đồng thời xác định các vấn đề an ninh phi truyền thống sẽ là những thách thức lớn đối với sự phát triển của nước ta trong thời gian tới. Báo cáo chính trị của Đại hội nhận định: “Những vấn đề toàn cầu như an ninh tài chính, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp. Cộng đồng quốc tế phải đối phó ngày càng quyết liệt hơn với các thách thức an ninh truyền thống, phi truyền thống, đặc biệt là an ninh mạng và các hình thái chiến tranh kiểu mới”. Trong khi đó, khi đánh giá về bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 nhìn nhận: “Hòa bình và hợp tác phát triển là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột sắc tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố tiếp tục gia tăng. Các nước lớn tăng cường sức mạnh quân sự và cạnh tranh chiến lược trong khu vực ngày càng quyết liệt. Tranh chấp lãnh thổ, đặc biệt là tranh chấp trên biển Đông diễn biến gay gắt, phức tạp…. Nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn rất nặng nề. Nhu cầu đầu tư cho phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện Chương trình nghị sự 2030của Liên hợp quốc vì sự phát triển bền vững rất lớn, nhưng nguồn lực còn hạn hẹp”.

Trên cơ sở xác định rõ những thách thức về an ninh phi truyền thống, các văn kiện của Đại hội cũng đã xác định các nhiệm vụ cụ thể. Những vấn đề, như an ninh lương thực, an ninh nguồn nước bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có các nguyên nhân phi truyền thống như biến đổi khí hậu, sự nóng lên của trái đất hay an ninh môi trường. Chính vì vậy, Báo cáo chính trị xác định một trong 12 nhiệm vụ tổng quát trong 5 năm tới là: “Khai thác, sử dụng và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Tương tự, nhiệm vụ “chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường” là một trong 10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 được khẳng định tại Đại hội.

Bên cạnh những định hướng và giải pháp lớn đó, từng nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho từng vấn đề an ninh phi truyền thống cũng được xác định và định hướng cụ thể trong văn kiện. Về nông nghiệp, Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 xác định “đẩy mạnh cơ cấu nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, hàng hóa lớn; …đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm”; “Áp dụng rộng rãi các loại giống mới và kỹ thuật nuôi trồng có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao và thích ứng với biến đổi khí hậu”. Tương tự, hướng vào việc định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, Báo cáo chính trị nhấn mạnh “từng bước phát triển công nghệ sinh học, công nghiệp môi trường và công nghiệp văn hóa” … ,“đẩy nhanh cơ cấu lại nền nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững,… hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm vững chắc an ninh lượng thực quốc gia trước mắt và lâu dài”; “Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững”.

Mặc dù các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã xác định rõ tình hình, đưa ra được các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp để ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống trong 5 năm tới, nhưng thực tế triển khai sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Cả Báo cáo chính trị và Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016-2020 đều khẳng định sự phối hợp giữa các bộ ngành, giữa Trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế. Do vậy, sẽ là khó khăn trong việc thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra nếu, ngoài những yếu tố khác, không có đổi mới trong cơ chế phối hợp. Bên cạnh đó, an ninh phi truyền thống với nội hàm bao quát, gần như trải rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và trên phạm vi khu vực và toàn cầu, tuy vậy, dường như sự phối hợp để ứng phó với các thách thức này hiện mới chỉ được thể hiện trong việc thực hiện các nhiệm vụ an ninh quốc phòng và nhiệm vụ đối ngoại.

Có thể nói rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng lớn nhất của các vấn đề an ninh phi truyền thống. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những chủ trương, định hướng và giải pháp cho những thách thức từ các vấn đề về an ninh phi truyền thống. Các văn kiện của Đại hội XII khẳng định thêm một bước sự nhận thức, định hướng và giải pháp cho những vấn đề lớn này, tuy vậy, cũng cần phải có thêm những định hướng cụ thể về cơ chế phối hợp, cơ chế chịu trách nhiệm giữa các cơ quan có liên quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ trên./.

[1] Xem: Đặng Xuân Thanh, Phí Hồng Minh, Khái niệm an ninh con người từ định tính đến định lượng, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 1-2016 (179), tr.3-8.

2 Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội, từ năm 2001-2005, Việt Nam mất 73.300 ha đất sản xuất do đô thị hóa, ảnh hưởng đến đời sống của 2,5 triệu nông dân.

3 The World Bank (2016), Việt Nam: Nâng cao sức chống chọi với biến đổi khí hậu và bảo đảm sinh kế bền vững cho nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 10/06/2016.

4 Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (Triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ), tháng 7-2008, tr.7.

5 Vũ Trọng Hồng, An ninh nguồn nước: 7 thách thức nổi bật, Bản tin Chính sách Tài Nguyên, Môi trường, Phát triển, số 18-2015, Quý II, tr.3-4.

6 Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển (Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng).

7 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.72.

8 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Sđd, tr.266-268.

9 Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Sđd, tr.94-95.