Thực đơn ăn dặm cho bé 1 tuổi

Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của trẻ khi 1 tuổi bắt đầu tăng cao hơn so với thời kỳ trước. Lúc này trẻ cần cung cấp đủ vi chất dinh dưỡng để đáp ứng sự phát triển quan trọng về trí tuệ và thể chất, cung cấp đủ năng lượng cho hoạt động của trẻ trong một ngày.

Cha mẹ nên lựa chọn thực phẩm để chế biến thực đơn ăn dặm bé 1 tuổi bao gồm 4 nhóm dinh dưỡng:

  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp carbohydrate hay chất bột đường bao gồm các loại thực phẩm như ngũ cốc, khoai, củ mì… giúp cung cấp năng lượng và chất xơ cần thiết cho trẻ
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp chất béo bao gồm dầu ăn, mỡ động vật, bơ, phô mai… giúp cung cấp năng lượng ở dạng đậm đặc nhất. Chất béo giúp cơ thể bé có làn da tốt, đồng thời giúp hấp thu vitamin tan trong dầu tốt, phát triển tế bào não và hệ thần kinh
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp protein bao gồm thịt, cá, trứng, tôm, cua, lươn, ếch… nhằm giúp xây dựng cơ thể và tổng hợp kháng thể bảo vệ cơ thể
  • Nhóm chất dinh dưỡng cung cấp vitamin và chất khoáng bao gồm các loại thực phẩm giàu như rau xanh, quả chín… giúp điều hoà các hoạt động của cơ thể trẻ, đặc biệt giàu chất xơ chống táo bón.

Số lượng của thực phẩm khi lên thực đơn cho trẻ 1 tuổi thường được sử dụng bao gồm: 100 đến 150 gam tinh bột (gạo); 100 đến 200 gam thịt hoặc cá, tôm; 50 đến 100 gam rau xanh; 150 đến 200 gam trái cây chín; 20 đến 30 gam dầu mỡ; 600 đến 800 ml sữa mỗi ngày, có thể là sữa mẹ hoặc sữa công thức theo đúng nhu cầu khuyến nghị.

Tùy vào nhu cầu của trẻ có thể thay đổi lượng thức ăn tăng hoặc giảm. Tuy nhiên, cha mẹ không nên bắt trẻ ăn quá nhiều chỉ vì muốn trẻ tăng cân trong khi trẻ đã no và có dấu hiệu không muốn ăn nữa.

Số lượng bữa ăn sử dụng cho trẻ 1 tuổi có thể được thực hiện 3 bữa chính mỗi ngày và các bữa phụ tùy theo nhu cầu của mỗi bé. Nhưng ngoài các bữa ăn chính sáng, trưa tối thì đối với các bữa ăn phụ các cha mẹ nên chia theo khung giờ như 9 giờ sáng, 2 giờ chiều, 4 giờ chiều hay 9 giờ tối.

Có thể việc xây dựng được thực đơn ăn dặm cho bé 12 tháng tuổi hay một kế hoạch ăn uống hợp lý và khoa học sẽ khiến cha mẹ gặp khó khăn. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên kiên nhẫn thực hiện bởi vì nếu không trẻ có thể gặp phải một số tình trạng ảnh hưởng tới sức khỏe cũng như sự phát triển như còi xương, suy dinh dưỡng… và những điều này đều ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ, thể chất của trẻ sau này.