1. Thuế khoán là gì?
Thuế khoán là loại thuế trọn gói áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, do mức thuế thấp và khó xác định rõ ràng nên cơ quan thuế có thẩm quyền định mức một khoản thuế trên cơ sở hồ sơ tự khai của người nộp thuế, ý kiến tư vấn Hội đồng tư vấn thuế cấp xã và cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
Ngoài ra, khi áp dụng thuế khoán còn có một số khái niệm khác có liên quan như:
Bạn đang xem: Thuế khoán là gì? Đối tượng áp dụng và cách tính thế nào?
– Phương pháp khoán là phương pháp tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo tỷ lệ trên doanh thu do cơ quan thuế xác định để tính mức thuế khoán.
– Mức thuế khoán là tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách phải nộp của hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán do cơ quan thuế xác định.
2. Đối tượng áp dụng thuế khoán
Căn cứ khoản 8 Điều 3 và Điều 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC, thuế khoán áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, trừ 02 trường hợp sau:
– Hộ, cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai (hộ, cá nhân kinh doanh quy mô lớn và hộ, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp theo phương pháp kê khai).
– Cá nhân kinh doanh thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh (cá nhân kinh doanh không thường xuyên và không có địa điểm kinh doanh cố định như kinh doanh lưu động, cá nhân là chủ thầu xây dựng tư nhân,…).
Như vậy, so với thời điểm trước ngày 01/8/2021 thì hiện nay số lượng hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán có thể giảm vì phải áp dụng hoặc lựa chọn áp dụng phương pháp kê khai.
3. Cách tính thuế khoán phải nộp
Dù hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có nộp thuế theo phương pháp nào thì số thuế phải nộp vẫn được xác định theo công thức quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 40/2021/TT-BTC, cụ thể như sau:
Số thuế GTGT phải nộp = Tỷ lệ thuế GTGT x Doanh thu tính thuế GTGT
Xem thêm : Top 15 Vitamin tổng hợp cho nam giới tốt nhất ưa chuộng 2024
Số thuế TNCN phải nộp = Tỷ lệ thuế TNCN x Doanh thu tính thuế TNCN
Trong đó:
– Tỷ lệ thuế giá trị gia tăng và tỷ lệ thuế thu nhập cá nhân được xác định hướng dẫn tại đây.
– Doanh thu tính thuế là toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền cung ứng dịch vụ, tiền hoa hồng phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả:
Các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền.
Các khoản trợ giá, phụ trội, phụ thu, phí thu thêm được hưởng theo quy định;
Các khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, bồi thường khác (chỉ tính vào doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân).
Doanh thu khác mà hộ, cá nhân kinh doanh được hưởng.
Lưu ý: Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
4. 5 lưu ý khi áp dụng thuế khoán
– Hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải thực hiện chế độ kế toán.
– Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, hợp đồng, chứng từ, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
– Mức doanh thu phải nộp thuế khoán là trên 100 triệu đồng/năm dương lịch.
– Thuế khoán được xác định theo những căn cứ sau:
Hồ sơ khai thuế do hộ khoán tự kê khai theo dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế.
Cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế.
Ý kiến tham vấn của Hội đồng tư vấn thuế cấp xã (xã, phường, thị trấn).
Kết quả công khai thông tin và tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc cấp xã, hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.
– Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với hộ khoán:
Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất là ngày 15/12 năm trước liền kề năm tính thuế.
Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh (gồm cả hộ kê khai chuyển đổi sang phương pháp khoán)/hộ khoán chuyển đổi sang phương pháp kê khai/hộ khoán thay đổi ngành nghề/hộ khoán thay đổi quy mô kinh doanh trong năm thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế của hộ khoán chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày bắt đầu kinh doanh/chuyển đổi phương pháp tính thuế/thay đổi ngành nghề hoặc thay đổi quy mô kinh doanh.
Riêng trường hợp hộ khoán có sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng lần phát sinh thì thời hạn nộp hồ sơ khai thuế chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh doanh thu có yêu cầu sử dụng hóa đơn.
Trên đây là quy định giải thích thuế khoán là gì và quy định về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh phải áp dụng phương pháp khoán cũng như cách tính thuế khoán. Nếu bạn đọc cần giải đáp vui lòng liên hệ tới LuatVietnam qua tổng đài 1900.6192.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp