Uống thuốc tuyến giáp có mệt không?

Tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng, khi giảm sản xuất hormone sẽ dẫn đến bệnh suy giáp và từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết hoạt động chuyển hóa của cơ thể. Suy giáp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi đối tượng nhưng gặp nhiều hơn ở nữ giới với những triệu chứng đặc trưng như sau:

  • Nhịp tim chậm;
  • Lạnh, sợ lạnh;
  • Da khô;
  • Thường xuyên mệt mỏi, giảm khả năng tập trung;
  • Cân nặng tăng bất thường không do những nguyên nhân khác.

Khi nhận thấy những triệu chứng bất thường như trên mà không giải thích bằng bất kỳ nguyên nhân nào khác, bệnh nhân nên đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để chẩn đoán có phải suy giảm và từ đó lựa chọn biện pháp điều trị phù hợp. Trong đó, uống thuốc hormone tuyến giáp là liệu pháp điều trị suy giáp tối ưu nhất và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh nhân và bác sĩ. Bác sĩ sẽ theo dõi, đánh giá tình trạng bệnh và dựa vào kết quả xét nghiệm để điều chỉnh liều lượng hormone tuyến giáp phù hợp. Loại thuốc hay được sử dụng để điều trị suy giáp là Levothyroxin với những công dụng như sau:

  • Điều trị suy giáp do bất kỳ nguyên nhân và phù hợp cho mọi lứa tuổi, trong đó bao gồm cả phụ nữ đang mang thai;
  • Levothyroxin còn ức chế quá trình sản xuất thyrotropin (TSH), do đó còn được ứng dụng trong điều trị bướu giáp đơn thuần hoặc viêm giáp mạn tính;
  • Levothyroxin khi dùng kết hợp với các thuốc kháng giáp để điều trị nhiễm độc giáp sẽ hỗ trợ ngăn ngừa bướu giáp và suy giáp.

Liều lượng Levothyroxine được cá thể hóa và điều chỉnh liên tục trong suốt quá trình điều trị, phụ thuộc vào các triệu chứng lâm sàng, nồng độ hormon giáp khi xét nghiệm, tuổi tác và các bệnh lý đồng mắc. Người bệnh sẽ phải uống thuốc tuyến giáp trong thời gian dài, đa phần là suốt phần đời còn lại. Vì vậy, một vấn đề cực kỳ quan trọng được đặt ra là bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ, điều chỉnh liều lượng sao cho hiệu quả nhất và hạn chế tối đa các tác dụng không mong muốn.