Tác dụng phụ có thể gặp của thuốc chống nôn trẻ em

Có 02 loại thuốc chống nôn cho trẻ em thường được dùng là Domperidone (Motilium M) và Metoclopramide.

  • Tác dụng phụ của Domperidone: Domperidonethuốc chống nôn có tác dụng kích thích nhu động ruột, tăng lực co thắt cơ để thức ăn không trào ngược ra miệng, đồng thời ức chế truyền tín hiệu về não bộ ngăn không cho phản ứng nôn xảy ra. Do thuốc không thấm qua hàng rào máu não, chỉ tác động ngoại biên nên thuốc ít gây tác dụng phụ đối với hệ thần kinh trung ương. Tuy nhiên, thuốc chống nôn cho trẻ em Domperidone vẫn gây buồn ngủ (nhưng với tỷ lệ rất thấp). Ở trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi hoặc trẻ sinh non, tổn thương màng não, nguy cơ gặp tác dụng phụ là buồn ngủ cao hơn, nhất là khi sử dụng thuốc quá liều.
  • Tác dụng phụ của Metoclopramide: Metoclopramide là thuốc chống nôn thường được dùng trong những trường hợp nôn nặng như bệnh nhân đang hóa trị liệu ung thư hoặc sau khi phẫu thuật. Cơ chế của thuốc Metoclopramide vừa tác động đến ngoại biên và vùng cảm ứng, vừa đi qua hàng rào máu não để tác động trực tiếp đến trung tâm gây nôn trong não bộ. Do đó, thuốc có thể gây ra tác dụng phụ là phản ứng rối loạn ở trẻ em, dù dùng ở liều bình thường, với những biểu hiện như co cứng cơ, co giật ở vùng đầu và mặt, thường xuất hiện từ 1 – 3 giờ sau khi dùng liều cuối cùng hoặc liều 1 lần. Ngoài phản ứng rối loạn, dùng Metoclopramide thuốc chống nôn ở trẻ em còn có thể gây tác dụng phụ là hội chứng an thần ác tính với các biểu hiện như sốt không rõ nguyên nhân, cứng cơ và da tái xanh. Với những triệu chứng không mong muốn này, Metoclopramide không được dùng ở những trẻ bị bệnh động kinh, hen vì có thể khiến bệnh động kinh tiến triển nặng và làm tăng nguy cơ co thắt phế quản. Đặc biệt, cần lưu ý, không sử dụng Metoclopramide cho trẻ sơ sinh trừ trường hợp bác sĩ chỉ định. Nếu dùng cần theo dõi trẻ chặt chẽ. Metoclopramide rất dễ gây quá liều vì liều dùng của thuốc là rất nhỏ.