Để người dân hưởng lợi từ căn cước tích hợp

Căn cước công dân có gắn chip được tích hợp với bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thanh toán… Trong ảnh: người dân làm căn cước công dân có gắn chip tại Công an phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Dự thảo Luật CCCD sửa đổi sẽ kết thúc lấy ý kiến đóng góp vào cuối tuần sau.

Dự thảo tập trung vào các nhóm chính sách, như quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu CCCD vào thẻ. Thẻ CCCD có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ CCCD…

Tuổi Trẻ đã ghi nhận một số ý kiến xung quanh nội dung thẻ CCCD sẽ dùng thay thế nhiều giấy tờ để làm thủ tục hành chính:

* TS BÙI SỸ LỢI (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội):

Nhiều lợi ích khi tích hợp thẻ BHYT vào CCCD

Hiện tại, việc sử dụng thí điểm khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chip đang được triển khai tại nhiều tỉnh thành và thời gian qua đã thu được nhiều kết quả tốt. Theo thống kê, cả nước hiện có 12.268 cơ sở y tế triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip, với gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.

Qua kết nối và chia sẻ dữ liệu, hệ thống của BHXH Việt Nam cũng đã xác thực trên 74,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Đồng thời, hệ thống đã cung cấp và chia sẻ gần 96,3 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Có thể thấy việc sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh BHYT cho người dân đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân. Cơ sở y tế cũng như người bệnh giảm thời gian làm thủ tục đăng ký khám chữa bệnh, bên cạnh đó tránh tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh.

Ngoài ra, cơ quan quản lý tiết kiệm được chi phí cấp phát và quản lý thẻ BHYT, chống lạm dụng, trục lợi quỹ khám chữa bệnh BHYT.

Người dân sử dụng CCCD tích hợp giao dịch thanh toán qua Cổng dịch vụ công quốc gia – Ảnh: HỮU HẠNH

* Ông NGÔ TRUNG THÀNH (phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

CCCD tích hợp đầy đủ dữ liệu, thông tin

So với CCCD dùng mã vạch hay CMND 9 số và 12 số, CCCD gắn chip có nhiều ưu điểm hơn. Trong đó, CCCD gắn chip có thể lưu trữ được nhiều thông tin hơn và được tích hợp các dữ liệu cần thiết như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, thuế, ngân hàng, đất đai, giấy phép lái xe và các loại giấy tờ có giá trị khác. Từ đó tạo thuận lợi và tiện tích cho người dân sử dụng.

Người dân có thể thực hiện hầu hết giao dịch, thủ tục hành chính mà không phải mang nhiều loại giấy tờ, giảm thời gian và chi phí. Ngoài ra có thể phòng tránh được việc các loại giấy tờ bị giả mạo cũng như chi phí cho việc công chứng giấy tờ truyền thống.

Tuy nhiên, trước mắt khi chưa có sự đồng bộ giữa các hệ thống dữ liệu thì chắc chắn sẽ có những bất cập như vấn đề người dân dù có CCCD gắn chip nhưng phải xin giấy xác nhận cư trú vừa qua.

Do đó, cần những giải pháp lâu dài là phải bổ sung, kết nối đầy đủ các thông tin để người dân có thể thuận tiện thực hiện các giao dịch hành chính. Còn trước mắt phải có các biện pháp, tính toán để giải quyết những vấn đề bất cập nhằm giúp người dân thuận tiện, dễ dàng sử dụng CCCD gắn chip.

* Thạc sĩ LÊ ANH TIẾN (CEO Công ty CP Công nghệ chatbot Việt Nam):

Cần các biện pháp bảo mật thông tin cá nhân

Việc tích hợp các giấy tờ vào CCCD đặt ra một số vấn đề về bảo mật thông tin cá nhân. Vì vậy, việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân của người dân là vô cùng quan trọng. Do đó, các tổ chức và cơ quan chính phủ cần thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin hiệu quả để ngăn chặn các vấn đề về lạm dụng thông tin cá nhân.

* Chị LÊ THỊ YẾN (quận Hoàng Mai, Hà Nội):

Mong dữ liệu tích hợp nhanh hơn

Tôi đã ra cơ quan công an tiến hành tích hợp dữ liệu bằng lái xe, đăng ký xe vào CCCD gắn chip từ cuối năm 2022 nhưng đến giờ khi kiểm tra hệ thống vẫn thấy chưa được. Thời gian tới, tôi mong việc tích hợp các dữ liệu sẽ nhanh và chính xác hơn, mang lại sự tiện lợi cho người dân.

* Công chứng viên Nguyễn Huy Việt:

Hoàn thiện, phát huy tối đa tiện ích của CCCD

Từ khi bỏ sổ hộ khẩu (ngày 1-1-2023), vai trò của CCCD gắn chip càng trở nên quan trọng khi thay thế cho sổ hộ khẩu trong rất nhiều hoạt động, giao dịch. Tuy nhiên, vẫn còn đó những phiền hà, bức xúc cho người dân khi giá trị của CCCD gắn chip vẫn chưa được các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng, phát huy như mong muốn.

Và những vướng mắc do dữ liệu chưa được tích hợp đầy đủ, chia sẻ đồng bộ khiến CCCD gắn chip chưa hoàn toàn thay thế được các giấy tờ cần thiết khi thực hiện các thủ tục liên quan.

Như vậy, với vai trò ngày càng quan trọng của CCCD trong kỷ nguyên số, phù hợp với xu thế tiến bộ của quốc tế, dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) lần này là rất cần thiết để bảo đảm CCCD thực sự phục vụ hiệu quả, tiện lợi cho đời sống xã hội.

Người dân làm căn cước công dân có gắn chip tại Công an quận 4 (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

* Thạc sĩ Lưu Đức Quang (Trường đại học Kinh tế – Luật, Đại học Quốc gia TP.HCM):

Luật cần được đồng bộ với các quy định pháp luật khác

Theo quan sát, thẻ CCCD của một số nước châu Âu ghi rất ít thông tin cá nhân lên trên đó, chủ yếu là các thông tin rất phổ biến. Những thông tin in trên thẻ vừa bảo đảm được thông tin bí mật đời tư, chống phân biệt đối xử nhưng lại vô cùng tiện ích khi cần kiểm tra thông tin, thực hiện tất cả thủ tục, giao dịch của người dân.

Nay Bộ Công an chủ trì soạn thảo dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) đã thể hiện sự tiếp thu tích cực đối với các góp ý của người dân. Đồng thời, Bộ Công an sẽ bỏ việc in dấu vân tay của người dân lên thẻ CCCD cũng là phù hợp vì vừa tiết kiệm vừa bảo đảm bí mật.

Như vậy, CCCD theo dự thảo (sửa đổi) được thiết kế lại theo hướng lược đi thông tin không cần thiết, bảo đảm thông tin đời tư, còn những thông tin cần thiết để phục vụ quản lý, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, giao dịch… thì tích hợp vào dữ liệu thẻ CCCD.

Dự thảo Luật CCCD (sửa đổi) cần được đồng bộ với các quy định pháp luật khác liên quan, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thi hành luật hiện hành, nhất là các quy định về thủ tục hành chính cần sử dụng dữ liệu thông tin từ thẻ CCCD.