Tiểu đường giai đoạn đầu có chữa được không và chữa trị như thế nào?

Tiểu đường là bệnh lý mãn tính liên quan đến quá trình chuyển hóa glucose trong cơ thể, mất rất nhiều thời gian điều trị để đưa đường huyết về ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu thì việc chữa trị sẽ dễ dàng và đỡ tốn thời gian hơn rất nhiều.

Triệu chứng nhận biết bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu

Bệnh tiểu đường ở giai đoạn khởi phát tương đối khó nhận biết và rất dễ bị bỏ qua. Nếu nhận thấy cơ thể xuất hiện một trong các dấu hiệu sau đây, bạn nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán sớm bệnh:

  • Đi tiểu thường xuyên: nồng độ đường trong máu cao khiến thận phải làm việc liên tục để đào thải lượng đường dư, kéo theo việc người bệnh có cảm giác buồn và đi tiểu nhiều
  • Liên tục cảm thấy khát: đây là hệ quả của việc đi tiểu thường xuyên dẫn đến cơ thể mất nước và cần bù lại nước
  • Ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân không rõ lý do: cơ thể tồn dư nhiều glucose trong máu nhưng không thể chuyển hóa thành năng lượng khiến cơ thể thiếu năng lượng, luôn cảm thấy đói. Tuy nhiên, càng ăn nhiều nhưng lại không thể chuyển hóa, cơ thể buộc phải sử dụng chất béo làm nguồn năng lượng thay thế dẫn đến tình trạng sụt cân đột ngột, không rõ lý do
  • Thị lực giảm sút: đường máu cao có thể gây tổn thương ở võng mạc, thủy tinh thể bị sưng dẫn đến tầm nhìn bị mờ, thị lực giảm
  • Vết thương lâu lành, dễ bị nhiễm trùng: nồng độ đường trong máu cao khiến cho các mạch máu bị tổn thương, việc tuần hoàn và đông máu cũng bị cản trở. Vết thương hở kèm nồng độ đường cao là cơ hội để các loại nấm, vi khuẩn, phát triển gây nhiễm trùng

Tiểu đường giai đoạn đầu có chữa được không?

Bản chất của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu chính là tình trạng tiền đái tháo đường theo y khoa. Khi bệnh nhân mắc phải tình trạng này, đã có sự rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể, dẫn đến đường huyết có dấu hiệu tăng vượt ngưỡng bình thường, nếu kịp thời nhận biết các dấu hiệu và can thiệp điều trị sớm ở giai đoạn này thì hoàn toàn có thể chữa trị khỏi..

Ngoài việc theo dõi các triệu chứng, bạn nên thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường để sớm phát hiện và có biện pháp điều trị đúng cách từ các bác sĩ chuyên môn.

Bảng chỉ số đường huyết - Ảnh: BNC medipharm
Bảng chỉ số đường huyết – Ảnh: BNC medipharm

Lộ trình điều trị tiểu đường giai đoạn đầu theo hướng dẫn từ chuyên gia

Để bạn đọc tham khảo thông tin tin cậy, hữu ích trong phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2, BookingCare chia sẻ cẩm nang “Các bước phòng ngừa đái tháo đường tuýp 2”. Cẩm nang được cố vấn chuyên môn bởi TS.BS Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Xanh Pôn.

Thay đổi chế độ sinh hoạt

Tại giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường, cần tập trung vào việc rèn luyện thói quen sinh hoạt, bao gồm điều chỉnh chế độ ăn uống và vận động là đã có thể đưa đường huyết về bình thường trong thời gian ngắn.

Để xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý, hỗ trợ việc điều trị bệnh hiệu quả thì người bệnh cần tuân thủ theo những nguyên tắc sau:

  • Chế độ ăn uống:
    • Ưu tiên các thực phẩm có chỉ số đường huyết (chỉ số GI) thấp, những thực phẩm này được đánh giá có khả năng hấp thụ chậm, không làm đường huyết tăng vọt sau khi ăn (như yến mạch, gạo lứt, lúa mì nguyên cám, chuối xanh, đậu gà, đậu lăng,…)
    • Sử dụng các protein tốt như thịt trắng, protein thực vật như: đậu phụ, đậu phộng, đậu nành,… tránh tiêu thụ nhiều thịt đỏ
    • Tăng cường bổ sung, chất xơ và vitamin từ các loại rau lá xanh
    • Hạn chế sử dụng các thực phẩm đóng hộp, đóng chai có chứa nhiều chất phụ gia, chất tạo ngọt gây ảnh hưởng đến đường huyết
    • Nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày vừa tránh cảm giác đói vừa không làm đường huyết tăng vọt sau khi ăn
  • Chế độ vận động:
    • Người bệnh nên lựa chọn các bài tập thể thao đơn giản như đi bộ, đạp xe, tập yoga.. để bắt đầu việc luyện tập
    • Về tần suất, người bệnh nên duy trì tần suất mỗi ngày và nên đặt mục tiêu thực hiện bằng các bài tập ngắn trước, sau đó mới dần kéo dài thời gian ra. Ví dụ, tuần đầu tiên bạn nên đặt mục tiêu đi bộ 10 phút mỗi ngày, sau đó sẽ tăng lên 15 phút mỗi ngày ở tuần tiếp theo
    • Về cường độ, cũng tương tự như tần suất tập luyện, người bệnh cũng nên bắt đầu từ các bài tập đơn giản, sau đó nâng dần mức độ từ trung bình đến nâng cao

Ngoài ra, người bệnh cũng cần thực hiện kiểm tra đường huyết và đi khám sức khỏe định kỳ để theo dõi hiệu quả điều trị sau từng mốc thời gian. Nếu tình trạng không cải thiện mấy sẽ cần can thiệp bằng các biện pháp khác.

Can thiệp bằng thuốc

Trong trường hợp người bệnh đã tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc thay đổi chế độ sinh hoạt nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện thì bác sĩ sẽ phải chỉ định sử dụng thuốc tiểu đường dạng uống.

Các nhóm thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh tiểu đường giai đoạn đầu bao gồm:

  • Nhóm thuốc tăng hoạt tính insulin: thuốc Metformin (Glucophage, Glucophage XR, Glucofast,…), thuốc Thiazolidinediones (rosiglitazone, pioglitazone,…). Cơ chế chung của loại thuốc này là làm giảm lượng glucose do gan sản xuất, giúp insulin tiết ra hoạt động tốt hơn.
  • Nhóm thuốc kích thích tăng tiết insulin: Sulfonylurea, Meglitinides,… có khả năng kích thích tuyến tụy sản sinh thêm insulin. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà nhóm thuốc này thường làm hạ đường huyết và được chỉ định sử dụng sau khi ăn.
  • Nhóm thuốc ức chế hấp thụ đường sau khi ăn: các loại thuốc ức chế men alpha-glucosidase (acarbose, miglitol,…) có tác dụng làm chậm quá trình phân hủy carbohydrate thành glucose. Chính vì vậy, loại thuốc này thường sẽ được chỉ định dùng trước khi ăn để đạt hiệu quả tốt nhất

Cần lưu ý rằng, người bệnh cần tuân thủ sử dụng loại thuốc và liều lượng theo đúng chỉ định từ bác sĩ Nội tiết – Đái tháo đường, tránh trường hợp lạm dụng nhiều thuốc hoặc dùng sai liều lượng gây lên những phản ứng phụ không mong muốn.