Người tổ chức phong trào đông du là ai

Phong trào Đông Du (1905 – 1908)- Một hình thức xây dựng lực lượng cách mạng những năm đầu thế kỷ XX.

Đầu năm 1905, Phan Bội Châu vượt biển qua Nhật Bản “cầu viện”. Việc không thành, Cụ Phan Bội Châu lập tức chuyển thành “ cầu học” và kịp thời phát động phong trào tuyển chọn thanh niên yêu nước qua Nhật Bản học tập, đào tạo nhân tài để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước “Việt Nam mới” văn minh và tiến bộ. Ban đầu Phan Bội Châu đưa ba thanh niên là: Nguyễn Thức Canh, Nguyễn Điển, Lê Khiết sang, tiếp đó là đoàn năm người trong số đó có hai anh em Lương Ngọc Quyến và Lương Nghị Khanh (là con cụ Lương Văn Can). Năm 1906, Cường Để (hội chủ Duy Tân Hội) cũng bí mật sang Nhật được bố trí học ở trường Trấn Võ. Phong trào này được gọi là phong trào Đông Du. Lực lượng lòng cốt phong trào là Duy Tân hội (do Phan Bội Châu và hơn 20 đồng chí khác thành lập năm 1904, chủ trương đánh đuổi giặc Pháp, khôi phục nước Việt Nam) và Phan Bội Châu thực hiện. Những hoạt động yêu nước của phong trào đầy sôi nổi và khí thế từ năm 1905 đến năm 1908. Phong trào Đông Du có mục đích kêu gọi thanh niên Việt Nam ra nước ngoài (Nhật Bản) học tập, chuẩn bị lực lượng chờ thời cơ cho việc giành lại độc lập cho nước nhà.

Trong quá trình hoạt động Đông Du tại nước ngoài, Phan Bội Châu cũng thành lập ra “ một tiểu cơ quan” gọi là Việt Nam thương đoàn Công hội ở Hương Cảng, nó là một địa điểm liên lạc, là “hộp thư trung chuyển” giữa chặng đường từ Việt sang Nhật.

Phan Bội Châu (người ngồi) và Kỳ ngoại Hầu Cường Để, hai nhân chính của phong trào Đông Du tại Nhật Bản năm 1907.

Đến năm 1908 số học sinh Việt Nam tại Nhật lên tới 200 người. Chương trình học tập khá đa dạng, sáng và trưa dạy tiếng Nhật, “học tri thức phổ thông”, buổi chiều dạy “tri thức quân sự”, đặc biệt là “tập luyện thao tác quân sự”, nhằm đào tạo những người có trình độ văn hóa và quân sự cần thiết chuẩn bị cho công cuộc bạo động đánh Pháp giành lại độc lập. Tháng 10 năm 1907, Phan Bội Châu và các đồng chí của ông đã lập ra Hội Việt Nam Công Hiến (Công Hiến Hội), có trương trình riêng. Phan Bội Châu làm Tổng lý kiêm Giám đốc và Kỳ ngoại Hầu Cường Để làm chủ tịch hội. Dưới quyền hành chung của Ban lãnh đạo. Hội được chia ra thành 4 Bộ, mỗi Bộ đảm nhiệm từng mặt hoạt động của lưu học sinh. Các ủy viên của Bộ kinh tế đón vai trò trong việc thu, chi và các việc trù bị. Đồng thời họ cũng là người giỏi vận động, tranh thủ sự giúp đỡ cả trong và ngoài nước. Việt Nam cống hiến rất chú trọng tổ chức những buổi “sinh hoạt chính trị” giúp học sinh rèn luyện tư tưởng, đạo đức cách mạng. Tại các chương trình nghị sự, có mặt đông đủ học viên thì Hội trưởng và Tổng lý huấn thị trước như khuyến cáo các vấn đề có liên quan đến sinh hoạt, học tập, có khi bình giảng nội dung một cuốn sách, nhắc nhở nhiệm vụ của các thành viên trước Tổ quốc. Sau đó tự do trao đổi, giúp đỡ cùng nhau tiến bộ. Hệ thống tổ chức bố trí nhân sự và điều hành hoạt động ở đây tựa như một “Chính phủ lâm thời” mà lời Phan Bội Châu bộc bạch.

Cũng chính vào lúc này đế quốc Pháp đã tìm ra nhiều manh mối của phong trào.Đế quốc Pháp và phong kiến tay sai lo ngại trước sự phát triển của phong trào Đông Du đã nhanh chóng câu kết với giớ cầm quyền Nhật Bản để bóp chết phong trào ngay từ buổi đầu còn trứng nước. Pháp và Nhật cùng nhau ký kết hiệp ước: Pháp đồng ý cho Nhật vào buôn bán ở Việt Nam, còn Nhật cam đoan không cho các nhà yêu nước Việt Nam trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật.

Anh-2t

Một số lưu học sinh của phong trào Đông Du (1905-1908).

Tháng 9 năm 1908, khi các học sinh trường Trấn Võ đang làm lễ tốt nghiệp thì Bộ Nội vụ Nhật hạ lệnh giải tán tổ chức học sinh Việt Nam, tịch thu các văn kiện, đuổi học sinh ra ngoài nước Nhật. Tháng 2 năm 1909, Phan Bội Châu, Cường Để cũng bị trục xuất ra khỏi nước Nhật. Phan Bội Châu và các đồng chí của Cụ phải trốn về Trung Quốc rồi qua Xiêm hoạt động một thời gian chờ đợi những cơ hội mới.

Tồn tại được khoảng bốn năm, nhưng phong trào Đông Du được coi là thành tích lớn trong sự nghiệp cách mạng của Phan Bội Châu và Duy Tân Hội, vì đã đào tạo được một số cán bộ cách mạng mới, có nhiệt tình cao, có truyền thống chịu đựng được gian khổ. Trong số họ nhiều người trở thành những chiến sỹ cách mạng rất tận tụy với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XX.