Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

Điều 152. Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

1. Người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp;

c) Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng;

d) Phạm tội 02 lần trở lên.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tái phạm nguy hiểm.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi

Khoản 1 quy định dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội đánh tráo người dưới 01 tuổi. Khoản 2,3 quy định các trường hợp pháp tội tăng nặng và khoản 4 quy định khung hình phạt bổ sung. Cụ thể như sau:

1. Theo khoản 1 tội đánh tráo người dưới 01 tuổi có các dấu hiệu pháp lý sau:

– Dấu hiệu chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội đánh tráo người dưới 01 tuổi là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Vì tội này không thuộc các tội mà tuổi chịu trách nhiệm hình sự có thể từ đủ 14 tuổi trở lên được liệt kê tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung năm 2017)

– Dấu hiệu hành vi khách quan của tội phạm

Hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi đánh tráo giữa các trẻ em dưới 01 tuổi với nhau. Đó là hành vi thay trẻ em dưới 01 tuổi này bằng trẻ em dưới 01 tuổi và qua đó tạo ra sự nhầm lẫn về các trẻ em này.

Bố mẹ hoặc người có trách nhiệm của các trẻ em bị đánh tráo có thể đều bị mắc lừa nên nhận nhầm nhưng cũng có thể có một trong số họ là người phạm tội (Trực tiếp thực hiện hành vi đánh tráo hoặc xúi giục người khác đánh tráo hộ) nên không phải là người bị mắc lừa. Theo đó, đối tượng của tội phạm được quy định tại điều luật này chỉ có thể là trẻ em dưới 01 tuổi. Chỉ ở độ tuổi này, việc đánh tráo mới có thể gây ra nhầm lẫn giữa các đối tượng với nhau.

– Dấu hiệu lỗi của chủ thể

Lỗi của chủ thể được quy định là lỗi cố ý. Trường hợp nhân viên cơ sở y tế vô ý tráo nhầm các đứa trẻ hoặc trường hơp người mẹ bế nhầm con người khác đểu không thuộc tội danh này vì họ chỉ có thể có lỗi vô ý.

Khoản 1 của điều luật quy định khung hình phạt cơ bản có mức phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

2. Khoản 2 quy định khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

– Có tổ chức: Đây là trường hợp đồng phạm đánh tráo người dưới 01 tuổi mà trong đó có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người đồng phạm

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp: Đây là trường hợp người phạm tội có chức vụ, quyền hạn hoặc có nghề nghiệp nhất định và đã sử dụng vị thế này khi thực hiện hành vi đánh tráo người dưới 01 tuổi.

– Đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng: Đây là trường hợp phạm tội mà giữa những người phạm tội và nạn nhân có quan hệ đặc biệt với nhau. Trong đó, người phạm tội là người có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng nạn nhân. Mối quan hệ đặc biệt này làm tăng tính nguy hiểm của hành vi phạm tội.

– Phạm tội 02 lần trở lên: Đây là trường hợp chủ thể đã thực hiện nhiều hành vi phạm tội đánh tráo người dưới 01 tuổi xảy ra cùng thời gian hoặc ở các thời gian khác nhau

3. Khoản 3 định khung hình phạt tăng nặng có mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

– Có tính chất chuyên nghiệp: Đây là trường hợp người phạm tội đã liên tiếp đánh tráo người dưới 01 tuổi và coi việc phạm tội này như là nguồn thu nhập chính

– Tái phạm nguy hiểm: Đây là trường hợp phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu của tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 53 BLHS. Tình tiết nhân thân này của chủ thể làm tăng trách nhiệm hình sự của họ.

4. Khoản 4 quy định hình phạt bổ sung (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

(Nguồn tham khảo: GS.TS Nguyễn Ngọc Hòa – Bình luận Khoa học Bộ luật Hình sự 2015)

Xem thêm:

– Thủ tục để được xóa án tích

– Mẫu đơn xin xóa án tích gửi Sở Tư pháp