Có được đi bơi, chơi thể thao, du lịch trong ngày “đèn đỏ”?

Đi bơi trong ngày “đèn đỏ”: không phải ngại!

Đi bơi không chống chỉ định trong ngày “đèn đỏ”. Vấn đề là nước hồ bơi dày đặc vi khuẩn, nấm, vật thể lạ. Chúng sẽ không an toàn với độ mở và độ nhạy cảm cao của vùng kín trong kì kinh.

Tuy nhiên, đa phần nước hồ bơi được khử trùng (clo) và làm sạch vật lí nên có thể tạm yên tâm. Một vấn đề khác là clo giúp khử trùng nhưng có thể gây kích ứng, viêm hóa học vùng kín khiến bạn gái nhiễm khuẩn, nấm sau đó. May mắn là tình trạng này chỉ xảy ra ở bạn gái nhạy cảm.

Tóm lại, các bạn gái có thể yên tâm đi bơi, trừ khi rơi đúng vào kì kinh nặng, máu kinh ra nhiều. Nếu cảm thấy kinh nguyệt “khó ở” thì tốt nhất nên hoãn cuộc bơi lại.

Vẫn có thể chơi thể thao trong “ngày ấy”

Những thông tin như chơi thể thao trong ngày có kinh làm mất máu nhiều, làm xộc xệch cơ quan sinh dục, sinh sản… đều không chính xác.

Tuy nhiên, bạn sẽ đối mặt với hai sự mệt mỏi cùng lúc: mệt mỏi của kì kinh và mệt mỏi khi chơi thể thao. Sự mệt mỏi nhân đôi này dễ khiến bạn kiệt sức dẫn đến chấn thương thể thao nặng.

Nếu bạn có vấn đề sức khỏe như thiếu máu, huyết áp thấp, rối loạn tiền đình… thì chơi thể thao trong những “ngày ấy” sẽ không an toàn. Một số bạn gái nhạy cảm có thể tạm mất kinh sau chơi thể thao nặng. Tuy nhiên, đây là phản ứng nhất thời của cơ thể, sẽ sớm phục hồi khi nghỉ ngơi.

“Đèn đỏ” không có nghĩa là “stop” xê dịch

Vấn đề lớn nhất khi đi du lịch những ngày có kinh là sự bất tiện và tâm lí không thoải mái. Để có sự thoải mái, nhiều bạn tính đến việc dời kì kinh.

Mệt mỏi là vấn đề đáng lo, nhất là các chuyến du lịch đường xa, nhiều ngày, du lịch mạo hiểm. Chưa kể, sự chênh lệch múi giờ khi đi du lịch nước ngoài… cũng có thể khiến bạn khó chịu. Những bạn có kì kinh nặng, sức khỏe kém… có thể phải tính đến việc hoãn cuộc du lịch.