Hướng dẫn cách tra cứu tiền bảo hiểm thai sản online nhanh

Chế độ thai sản là một trong các chế độ được hưởng của người lao động khi tham gia đóng bảo hiểm xã hội. Vấn đề quan trọng khi làm thủ tục hưởng chế độ thai sản là cách tra cứu tiền bảo hiểm xã hội được nhận như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:

Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568

1. Hướng dẫn cách tra cứu tiền bảo hiểm thai sản online nhanh:

1.1. Tra cứu bảo hiểm thai sản qua ứng dụng VssID:

VssID là ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đã được cung cấp trên Google Play đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành Android, và được cung cấp trên AppStore đối với thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS. Khi sử dụng ứng dụng VssID này, người tham gia sẽ theo dõi được đủ quá trình tham gia đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng như thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, nhanh chóng và dễ dàng.

Bước 1: Tải ứng dụng VssID về điện thoại di động:

– Đối với hệ điều hành Android:

+ Vào kho ứng dụng Google Play/CH Play, gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “VssID” và chọn Tìm kiếm.

+ Chọn ứng dụng VssID và ấn chọn “Cài đặt/Install” để thực hiện cài đặt ứng dụng.

– Đối với hệ điều hành IOS:

+ Vào kho ứng dụng AppStore, gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “VssID” và chọn Tìm kiếm.

+ Chọn ứng dụng VssID và sau đó chọn “Nhận” để thực hiện cài đặt ứng dụng.

Bước 2: Tiến hành đăng ký tài khoản hoặc đăng nhập tài khoản:

* Trường hợp chưa có tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan bảo hiểm xã hội:

– Tiến hành chọn Đăng ký ngay trên ứng dụng VssID.

Hoặc truy cập vào địa chỉ https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn và Trên màn hình trang chủ, chọn “Đăng ký” để hiển thị màn hình đăng ký.

– Chọn đối tượng đăng ký là “Cá nhân” và chọn “Tiếp” để chuyển sang bước kê khai các thông tin đăng ký.

– Thực hiện kê khai thông tin đăng ký giao dịch với cơ quan Bảo hiểm xã hội bằng phương thức điện tử theo mẫu số 01 (ban hành kèm theo công văn số 5236/VBHN-BLĐTBXH).

– Tiếp theo chọn “Ghi nhận”, sẽ hiển thị thông tin đã đăng ký.

– Tiến hành in, ký, ghi rõ họ tên và nộp tờ khai.

+ Khi nộp hồ sơ hợp lệ: sẽ được cấp và kích hoạt tài khoản sử dụng phương thức giao dịch điện tử với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Sau đó, người đăng ký sẽ nhận được thông báo chấp thuận kèm thông tin về tài khoản giao dịch bảo hiểm xã hội điện tử vào địa chỉ thư điện tử (nếu có) và gửi tin nhắn tới số điện thoại đã được đăng ký sau khi nhận đủ hồ sơ đăng ký. Sau khi nhận được tài khoản, cá nhân sẽ phải có trách nhiệm đổi mật khẩu lần đầu và sau đó cứ ít nhất 06 (sáu) tháng đổi mật khẩu một lần.

+ Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: người đăng ký sẽ nhận được thông báo về việc không chấp nhận đăng ký sử dụng phương thức giao dịch điện tử vào địa chỉ thư điện tử hoặc tin nhắn số điện thoại đã đăng ký. Sau đó tiến hành đăng ký lại để hoàn chỉnh thông tin đăng ký hoặc liên hệ với cơ quan Bảo hiểm xã hội nơi gần nhất.

* Trường hợp đã có tài khoản giao dịch điện tử cá nhân với cơ quan bảo hiểm xã hội:

– Tiến hành nhập tài khoản là mã số bảo hiểm xã hội.

– Thực hiện đổi mật khẩu: khi có tài khoản người sử dụng nên thực hiện việc đổi mật khẩu khi đăng nhập lần đầu tiên để thông tin cá nhân được bảo mật một cách an toàn nhất. Ấn chọn -> chọn “Đổi mật khẩu” -> tiến hành nhập mật khẩu cũ, mật khẩu mới và nhập lại mật khẩu mới -> cuối cùng ấn chọn hoàn tất. Khi đó, hệ thống sẽ gửi đến số điện thoại mà người sử dụng đã đăng ký giao dịch điện tử với cơ quan BHXH mã OTP để xác thực việc đổi mật khẩu.

Bước 3: Sau đó màn hình hiện giao diện “Quản lý cá nhân” thì ấn chọn mục “Thông tin hưởng”.

Bước 4: Ở trong mục “Thông tin hưởng”, ấn chọn mục “ODTS” (ốm đau thai sản). Trong mục ốm đau thai sản sẽ có các thông tin hưởng ốm đau thai sản của người lao động. Tại đây, cá nhân có thể kiểm tra được đã có thông báo nhận được trợ cấp thai sản hay chưa. Nếu có thông tin về số tiền trợ cấp thai sản rồi thì tức là hồ sơ thai sản đó đã được giải quyết.

1.2. Tra cứu bảo hiểm thai sản qua cổng dịch vụ công quốc gia:

Những ai chưa đăng ký hay tải phần mềm VssID thì có thể tiến hành việc tra cứu qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Cụ thể có thể tra cứu như sau:

Bước 1: Tiến hành truy cập vào đường link của Cổng giao dịch điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn.

Bước 2: Phần mềm sẽ hiện ra giao diện chính, ấn chọn mục “Tra cứu hồ sơ”.

Bước 3: Sau đó ấn chọn “Tình hình xử lý hồ sơ”.

Bước 4: Người lao động nhập mã hồ sơ (người lao động phải liên hệ với đơn vị doanh nghiệp để xin mã) và mã captra để thực hiện việc tra cứu hồ sơ giải quyết như thế nào.

Bước 5: Hệ thống sẽ hiển thị đầy đủ thông tin tình hình giải quyết hồ sơ thai sản cũng như số tiền trợ cấp thai sản ra sao.

1.3. Tra cứu thông qua cú pháp tin nhắn trên điện thoại:

– Người lao động có thể soạn tin nhắn theo cú pháp sau:

BH <dấu cách> HS <dấu cách> (Mã hồ sơ) sau đó gửi 8079.

– Mức phí dịch vụ: 1.000 VNĐ/ 1 tin nhắn.

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản:

Căn cứ tại Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 có quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản như sau:

– Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc các đối tượng sau:

+ Lao động nữ mang thai.

+ Lao động nữ sinh con.

+ Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ.

+ Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

+ Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản.

+ Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

– Điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi: đối với các trường hợp lao động nữ sinh con; lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

+ Đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con: đối với trường hợp người lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.

3. Mức hưởng chế độ thai sản:

* Mức hưởng khi khám thai:

Mức hưởng = {(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) / 24 ngày} * 100% * Số ngày nghỉ.

* Mức hưởng chế độ khi sẩy thai, nạo hút, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý:

{(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) / 30 ngày} * 100% * Số ngày nghỉ.

* Mức hưởng chế độ khi sinh con:

(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) * 100% * Số tháng.

* Mức hưởng chế độ khi thực hiện các biện pháp tránh thai:

{(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) / 30 ngày} * 100% * Số ngày nghỉ.

* Mức hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi:

{(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) / 30 ngày} * 100% * Số ngày nghỉ.

* Mức hưởng đối với trường hợp lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con:

{(Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản) / 24 ngày} * 100% * Số ngày nghỉ.

4. Thủ tục hồ sơ hưởng chế độ thai sản:

4.1. Hồ sơ hưởng chế độ thai sản:

* Đối với lao động nữ:

– Trường hợp lao động nữ đi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý; thực hiện biện pháp tránh thai:

+ Bản sao giấy ra viện.

+ Trường hợp chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

+ Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú nếu trường hợp điều trị ngoại trú.

– Trường hợp lao động nữ sinh con:

+ Bản sao giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh.

+ Nếu trường hợp con chết sau khi sinh thì cần Bản sao giấy chứng tử hoặc trích lục khai tử hoặc bản sao Giấy báo tử của con; nếu con chưa được cấp giấy chứng sinh thì cần trích sao/tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ thể hiện con chết.

+ Nếu trường hợp người mẹ hoặc lao động nữ mang thai hộ chết sau khi sinh con thì cần có bản sao giấy chứng tử; hoặc trích lục khai tử của người mẹ hoặc của lao động nữ mang thai hộ.

+ Trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai thì cần phải có thêm một trong các giấy tờ sau: Bản sao giấy ra viện hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án thể hiện việc nghỉ dưỡng thai nếu điều trị nội trú hoặc Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội thể hiện việc nghỉ dưỡng thai khi điều trị ngoại trú.

+ Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con: Bản sao bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; Văn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.

– Trường hợp lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng thì hồ sơ gồm bản sao giấy chứng nhận nuôi con nuôi.

* Đối với lao động nam khi vợ sinh con:

– Nếu điều trị nội trú thì cần Bản sao giấy ra viện; nếu chuyển tuyến khám, chữa bệnh trong quá trình điều trị: Có thêm bản sao giấy chuyển tuyến hoặc giấy chuyển viện.

– Nếu điều trị ngoại trú thì cần Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội; Hoặc bản sao giấy ra viện có chỉ định của y, bác sĩ điều trị cho nghỉ thêm sau thời gian điều trị nội trú.

4.2. Thủ tục hưởng chế độ thai sản:

Bước 1: Nộp hồ sơ tại cho doanh nghiệp hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội.

Bước 2: Giải quyết chế độ thai sản:

– Trường hợp nhận đủ hồ sơ từ doanh nghiệp thì thời hạn là tối đa 06 ngày.

– Trường hợp nhận đủ hồ sơ từ người lao động thì thời hạn là tối đa 03 ngày.