Trách nhiệm của học sinh trong công tác phòng chống ma túy?

1. Ma túy và quy định của pháp luật về ma túy:

Theo quy định tại Điều 2 Luật Phòng, chống ma túy:

– Chất ma túy là chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong danh mục chất ma túy do Chính phủ ban hành.

– Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

– Chất hướng thần là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

– Tiền chất là hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy được quy định trong danh mục tiền chất do Chính phủ ban hành.

– Cây có chứa chất ma túy là cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa và các loại cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định.

– Phòng, chống ma túy là phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy.

– Tệ nạn ma túy là việc sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

– Người sử dụng trái phép chất ma túy là người có hành vi sử dụng chất ma túy mà không được sự cho phép của người hoặc cơ quan chuyên môn có thẩm quyền và xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể có kết quả dương tính.

– Người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này.

– Cai nghiện ma túy là quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ về y tế, tâm lý, xã hội, giúp người nghiện ma túy dừng sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, phục hồi thể chất, tinh thần, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi để chấm dứt việc sử dụng trái phép các chất này.- Cơ sở cai nghiện ma túy là cơ sở được thành lập để thực hiện đầy đủ quy trình cai nghiện theo quy định của Luật này, bao gồm cơ sở cai nghiện ma túy công lập và cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện.

Các hành vi bị nghiêm cấm Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy:

– Trồng cây có chứa chất ma túy, hướng dẫn trồng cây có chứa chất ma túy.

– Nghiên cứu, giám định, kiểm nghiệm, kiểm định, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, tạm xuất, tái nhập, quá cảnh trái phép chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

– Chiếm đoạt chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, nguyên liệu làm thuốc là dược chất gây nghiện, dược chất hướng thần, tiền chất dùng làm thuốc, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

– Giao nhận, quản lý, kiểm soát, lưu giữ, cấp phát, bảo quản chất ma túy, tiền chất trái quy định của pháp luật; cho phép người sử dụng chất ma túy, thuốc gây nghiện hoặc thuốc hướng thần tới quy định của pháp luật.

– Sử dụng, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy; chứa chấp, hỗ trợ việc sử dụng trái phép chất ma túy.

– Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.

– Chống lại hoặc cản trở việc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể, xác định tình trạng nghiện ma túy, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy.

– Trả thù hoặc cản trở người thực thi nhiệm vụ phòng, chống ma túy, người tham gia phòng, chống ma túy.

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nghề nghiệp để vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

– Hướng dẫn sản xuất, hướng dẫn sử dụng trái phép chất ma túy; quảng cáo, tiếp thị chất ma túy.

– Kỳ thị người sử dụng trái phép chất ma túy, người cai nghiện ma túy, người sau cai nghiện ma túy.

-. Các hành vi bị nghiêm cấm khác do luật định liên quan đến ma túy.

2. Tác hại của ma túy:

Tác hại về sức khỏe:

Việc sử dụng ma túy gây thiệt hại nặng lề cho sức khỏe chúng ta, người sử dụng ma túy dễ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, da. Và đặc biệt sử dụng ma túy làm giảm chức năng thải độc của cơ thể, và làm tinh thần bị ảnh hưởng, dễ dẫn đến tình trạng suy nhược. Nghiêm trọng nhất là người nghiện ma túy dễ mắc HIV-AIDS, đây là căn bệnh lây qua máu và đường tình dục, nguy hiểm hơn là bệnh hiện chưa có thuốc điều trị dứt điểm, gây thiệt hại cho chính bản thân, gia đình và xã hội.

Tác hại về tinh thần:

Đối với những người đã nghiện ma túy thì nhu cầu cao nhất đối với người nghiện là ma túy, họ dễ dàng bỏ qua những nhu cầu khác trong cuộc sống đời thường. Hành vi, lối sống của họ bị sai lệch so với chuẩn mực đạo đức của xã hội và luật pháp. Họ là những người bị tha hóa về nhân cách. Những người thân và gia đình họ cũng bị ảnh hưởng về tinh thần, do lo lắng và khuyên răn những con cái không nghe lời. Người thân chứng kiến họ bị bệnh tật vì sử dụng ma tuý, không làm chủ được bản thân hoặc con cái mình mất đi vì loại chất kích thích này.

Tác hại về kinh tế:

Khi bị nghiện, những người nghiện sẵn sàng làm mọi việc miễn là có tiền, có ma tuý, thậm chí giết người, cướp của. Ở trẻ em, các hành vi chưa mang tính chất nghiêm trọng, nhưng cũng xuất hiện những mầm mống của tội phạm như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo… Gây thiệt hại về tài sản cho người bị hại, người thân và cả bản thân họ cũng không có khả năng lao động tạo ra kinh tế.

Tác hại đến xã hội:

Nếu một xã hội có nhiều người bị ma tuý lôi kéo thì nhân cách con người tha hoá, không chú tâm vào lao động, gây ra hệ luỵ là nền kinh tế bị sụt giảm, trở thành một nước nghèo khó. Những người bị tha hoá do ma tuý lại gây ảnh hưởng đến người khác, khiến họ luôn lo lắng và xã hội mất an ninh, trật tự.

3. Thực trạng sử dụng ma túy hiện nay:

Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn quốc đã khám phá thành công gần 11 nghìn vụ, bắt hơn 16 nghìn đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về ma túy, thu giữ 397 kg heroin, 838 kg ma túy tổng hợp, 71 kg cần sa cùng nhiều vật chứng liên quan.

Con số thống kê được Bộ Công an đưa ra, trong số hơn 200 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đối tượng dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến 30 tuổi chiếm gần 50%. Có khoảng 60% sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi từ 15 đến 25 – độ tuổi này ngày càng bị trẻ hóa.

Cùng với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ tuổi từ 13 – 14 tuổi đã sử dụng ma túy. Đó chính là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy đối với giới trẻ.

Mặc dù các lực lượng chức năng và các cấp các ngành đã rất nỗ lực triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn, nhưng tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma tuý tổng hợp vẫn có chiều hướng gia tăng. Ngoài nguyên nhân nêu trên còn có nguyên nhân là do sự buông lỏng quản lý, giáo dục của gia đình; do nhận thức sai lầm về tác hại của ma túy cùng tâm lý tò mò, thích tìm cảm giác lạ đã khiến nhiều thanh thiếu niên bị dụ dỗ sử dụng ma túy. Để ngăn chặn và đẩy lùi hiểm hoạ ma tuý, vấn đề quan trọng nhất chính là mỗi thanh thiếu niên cần có nhận thức đầy đủ về tác hại của ma tuý để tuyệt đối tránh xa, không sử dụng, dù chỉ một lần.

4. Trách nhiệm của học sinh trong công tác phòng chống ma túy:

– Học tập, nghiên cứu nắm vững những quy định của pháp luật phòng, chống ma tuý.

– Không sử dụng ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào.

– Không tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma tuý.

– Khuyên nhủ bạn học, người thân của mình không sử dụng ma tuý.

– Khi phát hiện những học sinh có biểu hiện sử dụng ma tuý hoặc nghi vấn buôn bán ma tuý phải báo cho thầy, cô giáo.

– Nâng cao cảnh giác tránh bị rủ rê, lôi kéo.

– Tích cực tham gia phong trào phòng, chống ma tuý do nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ phát động.

– Hưởng ứng và tham gia phòng, chống ma tuý tại nơi cư trú.

– Ký cam kết không vi phạm tệ nạn ma tuý.

5. Trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác phòng chống ma túy:

Quy định theo Luật Phòng, chống ma túy năm 2021:

– Trách nhiệm của cá nhân, gia đình ( Điều 6):

+ Tuyên truyền, giáo dục thành viên trong gia đình, người thân về tác hại của ma túy và thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy; quản lý, ngăn chặn thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

+ Thực hiện đúng chỉ định của người có thẩm quyền về sử dụng thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất, thuốc thú y có chứa chất ma túy, tiền chất.

+ Hợp tác với cơ quan chức năng trong đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy; tham gia hỗ trợ hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cai nghiện ma túy tại cơ sở cai nghiện ma túy và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; theo dõi, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy.

+ Cung cấp kịp thời thông tin về tội phạm, tệ nạn ma túy và việc trồng cây có chứa chất ma túy cho cơ quan công an hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền; tham gia xóa bỏ cây có chứa chất ma túy do chính quyền địa phương tổ chức.

-Trách nhiệm của cơ quan nhà nước (Điều 7)

+ Tổ chức phòng, chống ma túy trong cơ quan, đơn vị; phòng ngừa, ngăn chặn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc quyền quản lý và cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng vũ trang nhân dân vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy; tuyên truyền, vận động Nhân dân phát hiện, tố giác, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy.

+ Tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về quy hoạch, phát triển kinh tế – xã hội để thay thế việc trồng cây có chứa chất ma túy tại các vùng xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.

– Trách nhiệm của cơ sở giáo dục (Điều 8)

+ Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

+ Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.

+ Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.

– Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và tổ chức khác (Điều 10):

+ Tổ chức và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng, chống ma túy trong Nhân dân; vận động Nhân dân tham gia phòng, chống ma túy và thực hiện các phong trào phòng, chống ma túy.

+ Phòng ngừa, ngăn chặn người của tổ chức mình và mọi công dân vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

+ Phối hợp với chính quyền địa phương các cấp, cơ quan có thẩm quyền vận động người nghiện ma túy thực hiện biện pháp cai nghiện ma túy, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; tham gia cảm hóa, giáo dục, dạy nghề, tìm việc làm và giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy hòa nhập cộng đồng; phòng, chống tái nghiện ma túy.