ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

Quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân là quyền hiến định, được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 – Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Điều 7 Hiến pháp năm 1946 quy định: “Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia vào công cuộc kiến quốc tùy theo đức hạnh của mình”.

Nguyên tắc tất cả công dân đều bình đẳng trước pháp luật tiếp tục được ghi nhận tại Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp 2013 – Hiến pháp hiện hành.

Điều 5 Hiến pháp 2013 quy định: “1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. 2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. 3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình. 4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”.

trach nhiem cua nha nuoc trong viec bao dam quyen binh dang cua cong dan truoc phap luat 1

Ở Việt Nam, các dân tộc đều bình đẳng (Ảnh minh hoạ)

Ghi nhận quyền bình đẳng của công dân trước pháp luật trong các Hiến pháp của nước ta qua các thời kỳ là sự tiếp thu có chọn lọc, là sự cải tiến đối với quy định tương ứng trong Hiến chương của Liên hợp quốc về quyền con người năm 1945, Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người năm 1948, các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, trong đó có Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

Các văn kiện quốc tế này đều được xây dựng, được các quốc gia thành viên thống nhất dựa trên nguyên tắc về sự bình đẳng và phẩm giá vốn có của con người, cam kết có những hoạt động riêng rẽ hoặc phối hợp cùng tổ chức Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy, khuyến khích sự tôn trọng, tuân thủ trên phạm vi toàn cầu các quyền và tự do cơ bản của con người, của tất cả mọi người, mà không có bất kỳ sự phân biệt về sắc tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Cụ thể hoá nguyên tắc bình đẳng ghi nhận tại Hiến pháp năm 2013, trong các bộ luật, luật khác của Việt Nam đều thể hiện quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân.

Tại Điều 2 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định: Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, mọi thành viên của các dân tộc đều bình đẳng về quyền có quốc tịch Việt Nam.

Hay trong quan hệ dân sự, Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2013 quy định: “Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”.

Nguyên tắc này được áp dụng đối với mọi chủ thể của quan hệ dân sự, kể cả giữa cơ quan nhà nước với các cá nhân trong quan hệ dân sự. Bình đẳng trong quan hệ dân sự nghĩa là sự ngang bằng về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp của các chủ thể. Các chủ thể không được lấy lý do khác biệt về các yếu tố này để đối xử bất bình đẳng với nhau. Không một chủ thể nào có đặc quyền, đặc lợi so với các chủ thể khác trong quan hệ dân sự. Pháp luật nghiêm cấm các hành vi mang tính quyền lực của một bên đối với bên kia trong giao dịch dân sự.

Các quyền bình đẳng của công dân trong hoạt động bầu cử, ứng cử, tham gia vào quản lý nhà nước và xã hội cũng được Việt Nam thừa nhận rộng rãi trong các văn bản luật.

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, ngay tại Điều 1. Nguyên tắc bầu cử quy định: Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Bình đẳng là một nguyên tắc quan trọng, xuyên suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử. Nguyên tắc này nhằm bảo đảm tính khách quan, không thiên vị để mọi công dân đều có khả năng như nhau tham gia bầu cử và ứng cử; nghiêm cấm mọi sự phân biệt, kỳ thị dưới bất cứ hình thức nào.

Nguyên tắc bình đẳng trong bầu cử được thể hiện như sau: Mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri ở nơi mình cư trú. Mỗi người chỉ được ghi tên vào danh sách những người ứng cử ở 01 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội hoặc 01 đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân thuộc 01 đơn vị hành chính ở cấp tương ứng. Mỗi cử tri chỉ được bỏ 01 phiếu bầu đại biểu Quốc hội và 01 phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân ở mỗi cấp. Giá trị phiếu bầu của mọi cử tri như nhau mà không có sự phân biệt.

Nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi phải có sự phân bổ hợp lý cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, số lượng đại biểu được bầu ở từng địa phương, bảo đảm tính đại diện của các vùng, miền, địa phương, các tầng lớp xã hội; các dân tộc thiểu số và phụ nữ có tỷ lệ đại diện hợp lý trong Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Về vấn đề này, Khoản 2 Điều 8 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015 quy định: Số lượng người dân tộc thiểu số được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội do Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến trên cơ sở đề nghị của Hội đồng dân tộc của Quốc hội, bảo đảm có ít nhất mười tám phần trăm tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số.

Và tại Khoản 2 Điều 9. Dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: số lượng người ứng cử là người dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Bình đẳng là một nguyên tắc quan trọng, xuyên suốt quá trình bầu cử, từ khi lập danh sách cử tri cho đến khi xác định kết quả bầu cử (Ảnh minh hoạ)

Trong quan hệ hôn nhân gia đình, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng thể hiện rõ quan điểm bình đẳng trong các mối quan hệ giữa vợ – chồng về tài sản, quyền nuôi con, quyền bình đẳng giữa con trai – con gái, con trong giá thú – con ngoài giá thú… với một số quy định như: Điều 2. Những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình: (1). Hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng. (2). Hôn nhân giữa công dân Việt Nam thuộc các dân tộc, tôn giáo, giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo, giữa người có tín ngưỡng với người không có tín ngưỡng, giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. (3). Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc; các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; không phân biệt đối xử giữa các con.

Trong quan hệ kinh doanh, khoản 1, Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2020. Bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp quy định: Nhà nước bảo đảm bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Điều 10 Luật Thương mại 2005 khẳng định nguyên tắc: Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động thương mại. Như vậy, quan điểm bình đẳng được Nhà nước Việt Nam thể hiện rõ thông qua các quy định không phân biệt đối xử các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác nhau, pháp luật kinh doanh cùng áp dụng chung với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Liên quan đến hoạt động tố tụng, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, tại Điều 12. Bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án nhân dân nêu rõ: Tòa án xét xử theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, địa vị xã hội; cá nhân, cơ quan, tổ chức đều bình đẳng trước Tòa án.

Điều 9. Bảo đảm quyền bình đẳng trước pháp luật trong Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 nhấn mạnh: Tố tụng hình sự được tiến hành theo nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần và địa vị xã hội. Bất cứ người nào phạm tội đều bị xử lý theo pháp luật. Mọi pháp nhân đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt hình thức sở hữu và thành phần kinh tế.

Nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật cũng được cụ thể hóa trong Điều 8 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015: “(1). Trong tố tụng dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước Tòa án. (2). Tòa án có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự”.

Từ nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp và các bộ luật, luật hiện hành cho thấy, sự thừa nhận của pháp luật quốc gia là một yếu tố bắt buộc tạo nên quyền con người. Ở Việt Nam, Nhà nước luôn nỗ lực tạo ra khuôn khổ pháp lý có hiệu lực bền vững để đảm bảo cho việc thực thi các quyền của người dân nói chung, người dân tộc thiểu số nói riêng, bắt đầu từ xác định địa vị pháp lý bình đẳng, không phân biệt đối xử với người dân tộc thiểu số trong mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội, tư pháp…

Điều này là phù hợp với tinh thần bảo vệ các quyền bình đẳng và đấu tranh chống tình trạng phân biệt đối xử trong Công ước quốc tế về xoá bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam đã tham gia từ năm 1982.

Theo nghiên cứu của PGS.TS Lê Văn Lợi – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các văn kiện như vậy đã làm phong phú khái niệm nhân quyền phổ biến, tạo công cụ pháp lý thuận lợi để bảo vệ các quyền của nhóm dễ bị tổn thương trước những thách thức đa dạng trong từng bối cảnh cụ thể của các quốc gia.

Xin được lưu ý, mặc dù hiện nay không có định nghĩa chính thức chung nào, nhưng về cơ bản các nhóm người dễ bị tổn thương được dùng để chỉ những nhóm, cộng đồng người có vị thế về chính trị, xã hội hoặc kinh tế thấp hơn, từ đó khiến họ có nguy cơ cao hơn bị tổn thương về quyền con người. Bởi vậy, nhóm dễ bị tổn thương cần được chú ý bảo vệ đặc biệt so với những nhóm, cộng đồng người khác. Theo cách hiểu chung của quốc tế thì người dân tộc thiểu số thuộc nhóm dễ bị tổn thương./.