Lựa chọn gia vị cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi

Thêm gia vị cho trẻ ăn dặm đối với độ tuổi dưới 1 tuổi sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với thận của bé, do ở độ tuổi này chức năng thận của trẻ vẫn rất non nớt. Ngoài ra việc nêm muối có thể tạo ra thói quen ăn mặn khi trẻ lớn lên, tăng nguy cơ mắc tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch trong tương lai. Trẻ dưới 1 tuổi ăn quá mặn còn có thể làm tổn thương não bộ.

Do đó, bố mẹ không nên thêm gia vị cho bé ăn dặm 6 tháng tuổi đến 1 tuổi, đặc biệt không nên cho muối do trong một số thực phẩm như sữa, trứng, thịt, rau tươi… đã cung cấp đủ lượng natri cho trẻ trong độ tuổi từ 6 – 12 tháng tuổi. Ví dụ 1 chén cháo thịt và bí đỏ không gia vị (100ml) sẽ cung cấp cho trẻ 5,55mg natri, bên cạnh đó natri còn có mặt trong sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Đối với việc thêm đường như một loại gia vị cho trẻ ăn dặm sẽ hình thành thói quen ăn nhiều đường ở trẻ về sau. Bột ngọt (mì chính), bột canh, bột nêm là những loại gia vị chứa nhiều muối glutamate, đây là chất có thể gây ra tác dụng ức chế thần kinh, co giật, nhức đầu… và nhiều ảnh hưởng nguy hiểm khác khi bố mẹ cho trẻ ăn quá sớm.

Bố mẹ không nên cho bé làm quen với vị cay quá sớm, gây khó chịu cho vị giác và hệ tiêu hóa của trẻ. Thêm gia vị vào thức ăn cho bé làm quen chỉ nên thực hiện khi trẻ lớn hơn 1 tuổi, việc thêm gia vị có tính cay nóng cho bé dưới 1 tuổi là điều cần tránh tuyệt đối.

Tuy nhiên, dầu ăn lại là một loại gia vị cho trẻ ăn dặm cần thiết và an toàn, bố mẹ nên dùng dầu ăn khi nấu các món ăn dặm cho con. Theo đó, cha mẹ cũng cần lưu ý chỉ dùng dầu ăn từ thực vật dành riêng cho trẻ dưới 1 tuổi, dùng 1/2 – 1 muỗng cà phê dầu cho mỗi khẩu phần và dùng không quá 4 ngày/ tuần.

Tóm lại, bố mẹ không nên thêm gia vị cho trẻ ăn dặm trong giai đoạn từ 6 tháng – 1 tuổi như muối, đường, bột ngọt hoặc bột nêm do những loại gia vị này có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của bé.