Sợ hãi vì toàn thân ‘phát ra điện’, bác sĩ lý giải vì sao?

Sợ hãi vì phát ra điện Những ngày qua, chị Đỗ Thị Minh Ngọc (29 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) thấy mình có hiện tượng lạ đó là cứ chạm tay vào quần áo cảm giác nổ tanh tách. Người chị như có điện đến mức con cái cũng ngại chạy đến gần mẹ vì sợ ‘điện giật’. Mỗi lần chạm tay vào cái gì cũng có cảm giác tay mình có điện nên tôi rất lo lắng. Những hành động đơn giản như chải đầu bằng lược nhựa, co kéo quần áo cũng tạo ra những tiếng nổ lách tách. Hay anh Nguyễn Mạnh Lân (Cầu Giấy, Hà Nội) gặp phải trường hợp co kéo chăn, chạm quần áo nổ tanh tách. Anh Lân cho biết mấy ngay nay mỗi lần kéo chiếc chăn lông đang dùng cũng có hiện tượng tóe sáng khi có sự chà xát mạnh.

Nhiều lần buổi tối anh Lân thấy rõ có ánh sáng và tiếng nổ phát ra tựa như chiếc vợt bắt muỗi khi có muỗi dính vào. Vì vậy, anh Lân rất sợ có thể gây điện giật cho con nhỏ nên bỏ chiếc chăn đi không dùng. Nhưng chuyển sang chiếc chăn khác cũng có hiện tượng này. Anh Lân còn cẩn thận đi thử điện tại các ổ cắm trong nhà xem có hiện tượng rò điện không.

{keywords}

Ảnh minh hoạ.

Vì sao có hiện tượng ‘điện giật’?

Theo BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn, những trường hợp trên hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng tới sức khoẻ cũng như gây điện giật như nhiều người đang lo lắng. Đây là hiện tượng dễ gặp vào những ngày trời lạnh, thời tiết hanh khô. Hiện tượng này được gọi là tĩnh điện. Tĩnh điện là hiện tượng mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật liệu. Điện tích sẽ được lưu giữ ở đó cho đến khi nó có thể truyền đi nơi khác thông qua một dòng điện hoặc sự phóng điện. Một điện tích tĩnh điện được tạo ra khi hai bề mặt tiếp xúc với nhau rồi tách ra, và ít nhất một trong các bề mặt này có điện trở suất cao. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô, độ ẩm thấp nên rất dễ xảy ra hiện tượng này. Nhiều trường hợp tĩnh điện như lóe tia sáng tựa lưới bắt muỗi, cũng có trường hợp truyền điện xuống chân và sàn nhà làm tê nhẹ cơ thể. Hiện tượng tĩnh điện hoàn toàn không có nguồn phát nên không gây ra hiện tượng điện giật như nhiều người nghĩ. Con người có thể cảm nhận thấy sự mất cân bằng điện tích trong lúc mặc hoặc co kéo quần áo, chải đầu bằng lược nhựa hoặc một số hành động cọ xát khác. Yếu tố tĩnh điện từ quần áo, chăn chủ yếu do nguyên liệu, tính chất lý hóa của các loại xơ sợi bên trong.

Các loại vải dạ, vải len, lông càng dễ gây nên hiện tượng tích điện chứ không phải do da, thịt của người mình có thể phát ra điện.

Các loại vải xơ sợi tổng hợp có chứa nhiều nilon sẽ xảy ra tĩnh điện nhiều hơn sợi tự nhiên. Nguyên nhân chủ yếu do các tính chất lý hóa của các loại sợi.

Còn những người chải tóc cũng thấy nổ lách tách như có điện là do tóc có cấu tạo giống như móng tay, nên khi bị hư tổn, chúng không có khả năng duy trì độ ẩm và tự phục hồi. Vì vậy, khi độ ẩm của tóc mất đi do điều kiện khô hanh sẽ khiến cho tóc dễ sinh ra tĩnh điện, hoặc ma sát với lược chải, quần áo len…

Để giảm hiện tượng tĩnh điện, bác sĩ Phúc cho biết những ngày này do thời tiết khô hanh, rét, đồ vật cũng khô nên tăng cường độ ẩm cho không khí, có thể sử dụng thêm máy phun sương để không khí trong nhà ẩm hơn, chọn các loại quần áo chất liệu vải tự nhiên, cotton.

Hạn chế mắc các loại quần áo, sử dụng chăn, gas làm từ các sợi tổng hợp như polyester, nylon có thể dễ dẫn tới tĩnh điện.

Ngoài làm ẩm không khí thì làm ẩm da cũng là cách giảm hiện tượng tích điện. BS Phúc cho biết bạn nên thoa kem dưỡng ẩm để duy trì và tăng cường độ ẩm cho da đặc biệt là khi sử dụng các loại quần áo như áo len, áo dạ, nỉ… sẽ giảm hiện tượng tích điện.

Phương Thúy