Hiến máu cứu người là hành động hết sức cao đẹp, nhưng bạn cũng cần có đủ kiến thức để việc hiến máu không làm ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân. Tuy nhiên không phải ai cũng đã biết rõ những thông tin về hiến máu. Trước khi hiến máu có được ăn sáng không là câu hỏi mà nhiều người thắc mắc. Để giải đáp những thắc mắc này, mới bạn đọc hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu xem bài viết dưới đây.
Hiến máu có hại sức khỏe không?
Hiến máu có nguy hiểm không? Có hại sức khỏe người hiến máu không? Là những câu hỏi thường gặp, khiến nhiều người còn ngần ngại trong việc tham gia hiến máu tình nguyện. Máu là một trong những chế phẩm sinh học của cơ thể, đây cũng là chế phẩm sinh học duy nhất chưa thể được tổng hợp nhân tạo. Nói cách khác, hiến máu nhân đạo là cách duy nhất để cung cấp cho các bệnh nhân cần truyền máu. Vì vậy hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sự đoàn kết toàn dân, tương thân tương ái và được toàn xã hội khuyến khích.
Bạn đang xem: Trước khi đi hiến máu có được ăn sáng không?
Máu được hiến là máu toàn phần, gồm có 2 thành phần chính là huyết tương chiếm 55%, 45% còn lại là các tế bào máu và trong đó hồng cầu chiếm tỷ trọng lớn nhất. Hồng cầu có đời sống khoảng 90 ngày.
Một người trưởng thành, có khối lượng cơ thể từ 65kg đến 80kg có khoảng 4,5 – 5,7 lít máu. Quy định hiến máu một lần không quá 9ml/kg và không vượt quá 500ml máu trong một lần hiến. Chính vì thế khi hiến máu với thể tích cũng như tần suất thích hợp sẽ không có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Lượng máu cho đi sẽ được cơ thể bù đắp sau một thời gian.
Trước khi hiến máu có được ăn sáng không?
Trước khi tham gia hiến máu tình nguyện, bạn cần giữ cho cơ thể thật tỉnh táo, khỏe mạnh để quá trình hiến máu được diễn ra thuận lợi. Trước khi đi hiến máu bạn vẫn nên ăn sáng nhẹ nhàng bằng bánh mì, bánh bao… Không nên để bị đói khi đi hiến máu, nhưng cũng không nên ăn các đồ ăn có nhiều đạm, đường và dầu mỡ.
Đêm trước ngày hiến máu không nên thức khuya, ngủ đủ giấc. Không uống rượu, bia trước ngày hiến máu. Chuẩn bị tâm lý thoải mái nhất là bạn lần đầu tiên tham gia hiến máu hay những người sợ máu. Uống đủ nước và mang theo giấy tờ tùy thân đến điểm hiến máu.
Sau khi hiến máu cần làm gì?
Dưới đây là các tình huống hay xảy ra sau khi hiến máu và cách xử trí.
Nếu phát hiện máu chảy ở vị trí kim đâm sau khi truyền:
- Giơ cao tay.
- Dùng tay còn lại ấn nhẹ vào bông hoặc băng dính.
- Thay thế bông hoặc miếng gạc khác.
Xuất hiện bầm tím tại vị trí hiến máu:
- Trong 2 ngày đầu tiên sau truyền máu: Chườm lạnh vào vị trí bầm tím.
- Những ngày sau: Chườm nóng từ 2 – 4 lần một ngày.
Xem thêm : Những cách giữ hoa tươi lâu có thể bạn chưa biết
Sau khi hiến máu, người hiến máu nên:
- Dời điểm hiến máu khi cơ thể thực sự thoải mái hoặc khi đã được sự đồng ý của nhân viên y tế.
- Nằm nghỉ 10 – 15 phút nếu cảm thấy chóng mặt, mệt hay buồn nôn.
- Uống nhiều nước.
- Chỉ nên tháo bông băng sau từ 4 – 6 tiếng.
- Trong 2 – 3 ngày đầu sau khi hiến máu, người hiến máu nên sinh hoạt nhẹ, nghỉ ngơi đầy đủ.
- Tăng cường bổ sung các chất dinh dưỡng có tác dụng bổ máu: Trứng, sữa, thịt, gan…
Sau khi hiến máu, người hiến máu cần tránh:
- Sử dụng rượu bia ngay sau khi hiến máu.
- Làm việc, tập luyện gắng sức.
Quy trình tham gia hiến máu
Bước 1: Đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện
Người tham gia hiến máu cần tìm hiểu những thông tin về hiến máu tình nguyện thông qua các tài liệu có sẵn tại địa điểm hiến máu hoặc qua tư vấn của nhân viên y tế.
Nhận phiếu đăng ký hiến máu, xuất trình giấy tờ tùy thân và điền vào phiếu đăng ký theo hướng dẫn.
Bước 2: Khám và tư vấn sức khỏe
Các bác sĩ sẽ khai thác các tiền sử liên quan đến sức khỏe của bạn. Giải đáp các băn khoăn, thắc mắc của bạn về việc hiến máu tình nguyện. Xác định xem liệu bạn đã được cung cấp đầy đủ thông tin về hiến máu tình nguyện và có hoàn toàn thoải mái, tự nguyện tham gia hiến máu.
Tiếp theo, bác sĩ sẽ khai thác các yếu tố hành vi nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường truyền máu như HIV, giang mai, viêm gan B, viêm gan C, sốt rét cũng như các bệnh có thể lây nhiễm qua đường truyền máu.
Tiếp theo các bác sĩ sẽ tiến hành khám sức khỏe cho bạn để đảm bảo rằng bạn hoàn toàn khỏe mạnh, tình nguyện hiến máu và không có nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người được nhận máu.
Xem thêm : Mẹ sau sinh có ăn được rau mồng tơi không? Ăn có mất sữa không?
Bước 3: Xét nghiệm máu
Người tham gia hiến máu sẽ được làm các xét nghiệm kiểm tra trước khi hiến máu, bao gồm:
- Huyết sắc tố: Là một thành phần quan trọng của hồng cầu, chỉ khi máu bạn đủ chất lượng theo yêu cầu mới có thể tham gia hiến. Máu sẽ đạt tiêu chuẩn hiến khi lượng huyết sắc tố đạt trên 120 gam/lít.
- Xét nghiệm virus viêm gan B: Sử dụng kit xét nghiệm nhanh, để đảm bảo những người nhiễm virus viêm gan B sẽ không tham gia hiến máu.
Bước 4: Hiến máu
Mỗi lần hiến máu sẽ mất khoảng 5 phút và tăng giảm tùy theo thể tích máu hiến của từng người.
Bước 5: Nghỉ ngơi và nhận giấy chứng nhận sau khi hiến
Sau khi hiến máu, người hiến máu nên nghỉ ngơi tại vị trí được chuẩn bị ít nhất 10 phút, người hiến máu sẽ được phục vụ ăn nhẹ, được khuyến cáo uống nhiều nước và chỉ nên dời điểm hiến máu khi được sự cho phép của nhân viên y tế.
Với bài viết này của Nhà Thuốc Long Châu hy vọng có thể giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc về hiến máu, những việc nên làm trước và sau khi hiến máu cũng như thắc mắc hiến máu có được ăn sáng không. Chúc bạn đọc luôn có thật nhiều sức khỏe. Theo dõi website của nhà thuốc Long Châu để có thêm nhiều kiến thức về sức khỏe và hiến máu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp