Nếu trượt tốt nghiệp THPT năm 2024, thí sinh sẽ thi lại vào năm 2025 thế nào?

Bộ GDĐT đã công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

W_z4467662638467_74a22ac6d8feba0695fd5eeb64296ff2.jpg

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Theo đó, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Với phương án tổ chức thi thay đổi từ năm 2025, nhiều ý kiến băn khoăn về việc nếu thí sinh học lớp 12 hiện nay – lứa học sinh cuối cùng học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 nếu trượt tốt nghiệp năm 2024 thì sẽ thi lại vào năm 2025 thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT cho hay, Bộ sẽ tính toán thời điểm tổ chức thi cho các thí sinh này với nguyên tắc thí sinh học theo chương trình nào thì thi theo chương trình đó.

“Bộ sẽ tính đến phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp riêng, đảm bảo đúng nội dung và phương thức theo chương trình mà các em học. Học sinh yên tâm là không có chuyện học chương trình năm 2006 mà thi theo 2018”, ông Hà khẳng định.

ông Nguyễn Ngọc Hà – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT.

Thông tin thêm về số môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, ông Hà lưu ý thí sinh chỉ thi hai môn tự chọn. Hai môn tự chọn này phải nằm trong số các môn thí sinh có đăng ký học trong chương trình lớp 12.

Ông Hà nhấn mạnh: “Với 36 tổ hợp môn, khả năng thời gian thi bị trùng rất cao. Trong khi số thí sinh muốn thi 3-4 môn tự chọn không nhiều. Do đó, thí sinh chỉ được thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Đây cũng là phương án có lợi cho số đông, tiết kiệm thời gian, công sức, giảm chi phí và áp lực”.

Bộ GDĐT cho biết, nguyên tắc xây dựng phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh và giảm tốn kém cho xã hội.

Kỳ thi sẽ được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GDĐT.

Mục đích tổ chức kỳ thi được giữ ổn định như hiện nay là lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh.

Trách nhiệm tổ chức kỳ thi cũng được nêu rõ, trong đó, Bộ GDĐT có trách nhiệm chỉ đạo chung, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, kế hoạch tổ chức kỳ thi; hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát kỳ thi.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương.

Sau khi công bố phương án tổ chức kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025, Bộ sẽ ban hành kế hoạch chi tiết để triển khai phương án này đảm bảo yêu cầu và tiến độ đề ra.

“ Về thời gian công bố đề thi minh hoạ, ông Hà cho biết, về nguyên tắc, khi học sinh học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 12 thì mới có đề thi minh hoạ.

Trong khi hiện chương trình mới được triển khai tới lớp 11 ở bậc THPT. Vì vậy, ông Hà cho hay, thời điểm này chưa có đề thi minh hoạ.

Tuy nhiên, ông Hà cũng cho biết, Bộ GDĐT nhìn nhận, việc công bố đề thi minh hoạ rất quan trọng. Thế nên, sau khi có định dạng cấu trúc đề thi, Bộ sẽ công bố minh hoạ định dạng cấu trúc mô phỏng đề thi từ năm 2025.

Theo: https://daidoanket.vn/neu-truot-tot-nghiep-thpt-nam-2024-thi-sinh-se-thi…