Uống nhiều nước mà đi tiểu ít có sao không?

Theo lẽ thường, khi chúng ta uống nhiều nước thì sẽ đi tiểu nhiều do cơ chế bài tiết của cơ thể. Nhưng một số người lại gặp tình trạng uống nhiều nước mà đi tiểu ít. Đây được coi là một trong những dấu hiệu đáng báo động, chúng ta nên được thăm khám càng sớm càng tốt để kịp thời có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Như thế nào được coi là tiểu ít?

Cơ thể chúng ta có tới 70% là nước, do đó việc cung cấp nước vào cơ thể là nhu cầu thiết yếu. Song song với đó, hệ bài tiết phải hoạt động hiệu quả để duy trì sự cân bằng.

Theo nghiên cứu khoa học, với một người trưởng thành, thông thường sẽ tạo ra ít nhất 500ml nước tiểu trong vòng 24 giờ. Con số này nằm trong ngưỡng từ 500 ml đến dưới 3000 ml được xem là bình thường. Nếu chúng ta uống đủ nước nhưng đi tiểu quá ít, ở mức dưới 400 ml trong 24 giờ thì được gọi là chứng tiểu ít.

Nếu tình trạng này diễn ra trong thời gian dài, kèm theo một số triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao, mệt mỏi, chán ăn, khó thở, tức ngực,… thì bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Bởi đây là dấu hiệu cho thấy các cơ quan bài tiết nước tiểu đang gặp vấn đề.

Đi tiểu ít là hiện tượng cơ thể đi tiểu dưới 400ml 1 ngày

Uống nhiều nước mà đi tiểu ít có sao không?

Nhiều người khi gặp tình trạng này thường khá lo lắng và tự đặt câu hỏi liệu uống nhiều nước mà đi tiểu ít có sao không? Theo các bác sĩ chuyên khoa, tình trạng này có nghiêm trọng hay không còn tùy thuộc vào thời gian cũng như nguyên nhân gây nên.

Nếu chỉ xuất hiện trong một vài ngày và được cải thiện sau đó thì bạn cũng không cần quá lo lắng. Ngược lại, tình trạng rối loạn tiểu tiện này diễn ra từ 1 tuần trở lên, kèm theo các hiện tượng bất ổn khác về sức khỏe thì đây là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng.

Thành phần của nước tiểu phần lớn là nước, các chất cặn bã, chất độc. Vì thế, khi bạn đi tiểu ít, những chất này sẽ không được đào thải ra ngoài hoàn toàn, về lâu dài sẽ tích tụ trong cơ thể, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, thậm chí còn có nguy cơ gây các bệnh suy thận mạn tính.

Một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này như sau:

Mất nước: Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng giảm lượng nước tiểu. Thông thường, tình trạng này sẽ xảy ra khi bạn bị tiêu chảy, nôn mửa hoặc một bệnh khác liên quan đến vấn đề bài tiết khiến cơ thể không thể bổ sung phần dịch đã mất.

Nhiễm trùng tiết niệu hoặc chấn thương: Khi uống nhiều nước mà đi tiểu ít có thể là một dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị nhiễm trùng hoặc chấn thương. Ở mức độ nghiêm trọng, tình trạng này còn có thể khiến cơ thể bị sốc, làm giảm lưu lượng máu đột ngột đến các cơ quan. Do đó, khi tiểu ít kèm hiện tượng choáng váng, sốc, bạn cần được đưa đến các cơ sở y tế ngay lập tức.

Tắc nghẽn đường tiết niệu: Tiểu ít còn là một dấu hiệu của căn bệnh khá nghiêm trọng – tắc nghẽn đường tiết niệu. Tình trạng này xảy ra khi nước tiểu không thể ra ngoài, gây ảnh hưởng đến một hoặc cả hai quả thận, khiến lượng nước tiểu giảm nhanh.

Do sử dụng các loại thuốc: Có một số loại thuốc có thể khiến bàng quang ít nước tiểu hơn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thuốc trị cao huyết áp,… Nếu khi bạn ngừng việc uống thuốc và thấy tình trạng tiểu ít được cải thiện thì bạn cần trao đổi và cung cấp thông tin này cho bác sĩ. Việc đổi thuốc phù hợp hoặc điều chỉnh liều lượng uống sẽ là giải pháp phù hợp trong tình huống này.

Với những nguyên nhân trên, có thể thấy tình trạng uống nhiều nước mà đi tiểu ít có sao không còn phụ thuộc rất lớn đến nguyên nhân gây bệnh và thời gian kéo dài triệu chứng, cũng như các hiện tượng bất lợi đi kèm. Do đó, tốt nhất bạn nên đến các cơ sở y tế để thăm khám bác sĩ, từ đó tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục hiệu quả nhé!

uong-nhieu-nuoc-ma-di-tieu-it-2.jpgNhiều người thắc mắc uống nhiều nước mà đi tiểu ít có sao không

Phương pháp chẩn đoán và điều trị

Vậy đối với bệnh lý này, phương pháp chẩn đoán và điều trị nào đang được áp dụng hiện nay? Dưới đây là một số thông tin hữu ích cho bạn.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán tình trạng bệnh lý có nghiêm trọng hay không, thông thường bác sĩ thường dựa vào những thông tin người bệnh cung cấp như đi tiểu ít xảy ra trong bao lâu, lượng nước người bệnh uống mỗi ngày khoảng bao nhiêu,…

Căn cứ vào thông tin ban đầu, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện thêm các xét nghiệm khác như xét nghiệm nước tiểu, siêu âm hoặc chụp CT bụng, xét nghiệm máu, nội soi bàng quang,… để có chẩn đoán chính xác nhất. Từ đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh.

Điều trị chứng uống nhiều nước mà đi tiểu ít như thế nào?

Một số phương pháp hiệu quả trong việc khắc phục chứng uống nhiều nước mà đi tiểu ít như sau:

  • Tăng cường bổ sung nước: Khi gặp tình trạng này, bạn nên uống thêm nhiều nước trong mức có thể. Trong trường hợp bị mất nước nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
  • Sử dụng thuốc: Nếu việc bổ sung nước không cải thiện, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh dùng các loại thuốc như thuốc kháng sinh, thuốc lợi tiểu,… Tuy nhiên, mỗi loại thuốc sẽ có những lợi ích cũng như mặt trái nhất định, do đó bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp với từng tình trạng bệnh cũng như liều dùng hợp lý.
  • Bổ sung kali nhiều hơn: Mất nước về bản chất là tình trạng mất chất điện giải với số lượng cực lớn. Do đó, bạn nên tăng cường bổ sung các thực phẩm giàu kali như chuối, dứa, khoai lang, xoài,… để duy trì cơ thể khỏe mạnh và được cung cấp đủ nước nhé!
Tùy từng tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ kê thuốc để điều trị

Như vậy, với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng uống nhiều nước mà đi tiểu ít cũng như nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Mọi sự thay đổi bất thường trên cơ thể đều là dấu hiệu cảnh báo những vấn đề nguy cơ, do đó bạn nên để ý kỹ và đến cơ sở y tế sớm nhất khi cần nhé!

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: hellobacsi.com