Tiêm phòng dại có mệt không?

Hiện nay, nhiều người vẫn lo ngại về ảnh hưởng của vắc-xin phòng dại đối với sự phát triển thần kinh và sức khỏe. Tuy nhiên, theo tư vấn tiêm phòng dại của các chuyên gia y tế thì trước đây, các loại vắc-xin phòng dại đều là vắc-xin thế hệ cũ, được sản xuất từ tế bào não chuột với độ tinh khiết không cao nên gây ra nhiều tác dụng phụ như các biến chứng về thần kinh, gây suy giảm trí nhớ.

Đến nay, vắc-xin phòng ngừa bệnh dại đã được cải tiến, chiết xuất từ tế bào thận, tế bào lưỡng bội ở người hoặc tế bào Vero tinh khiết nên giảm dần các phản ứng phụ. Đặc biệt, vắc-xin phòng dại thế hệ mới là vắc-xin bất hoạt (được bào chế từ vi sinh vật đã bị bất hoạt nhưng vẫn giữ tính kháng nguyên), có quy trình sản xuất chặt chẽ và kiểm định chất lượng nghiêm ngặt nên sẽ không gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng như vắc-xin đời cũ.

Hiện ở Việt Nam đang lưu hành 3 loại vắc-xin phòng bệnh dại là vắc-xin thế hệ mới Verorab (Pháp), Abhayrab và Indirab (Ấn Độ). Giống như các vắc-xin khác, sau tiêm vắc-xin phòng bệnh dại có thể gặp phải một số phản ứng phụ gồm:

  • Phản ứng nhẹ tại chỗ tiêm: Đau, sưng, nổi quầng đỏ, ngứa, có nốt cứng tại vị trí tiêm;
  • Phản ứng toàn thân: Sốt vừa, run rẩy, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, chóng mặt, ngất, đau cơ, đau khớp, đau bụng, buồn nôn;
  • Sốc phản vệ, nổi mày đay, ban đỏ,… hiếm gặp;
  • Ở trẻ sinh non, trong 2 – 3 ngày sau tiêm, có thể trẻ bị cơn ngưng thở tạm thời.

Với câu hỏi tiêm phòng dại có mệt không, câu trả lời là: có thể có. Tuy nhiên, phản ứng mệt mỏi thường nhẹ và ít gặp nên chỉ có số ít bệnh nhân gặp phải tác dụng phụ này. Nếu gặp triệu chứng này, bệnh nhân có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn, hỗ trợ sớm, xua tan mọi lo lắng khi tiêm phòng dại.