Thực vật và vai trò bảo vệ môi trường sống

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video vai trò của thực vật đối với môi trường

103(1)

Ảnh Internet

Biến đổi khí hậu, hiện tượng băng tan, hiệu ứng nhà kính,…. là những khái niệm đã dần trở nên quen thuộc với con người, bởi môi trường sống đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ môi trường sống đã được đề ra, song tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn không có nhiều chuyển biến.

Sau nhiều thập kỷ nghiên cứu về biện pháp bảo vệ môi trường sống, con người đã phải công nhận các biện pháp tôn trọng tự nhiên là hiệu quả nhất, đó là tuân theo các quy luật của tự nhiên, tích cực trồng rừng, trồng cây, bảo vệ các hệ sinh thái, đồng thời kết hợp với các biện pháp khác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo đó, các quốc gia trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam đều có hướng đi phát triển theo hướng “phát triển bền vững”, nghĩa là phát triển kinh tế – xã hội gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ tự nhiên.

Trong hệ sinh thái tự nhiên, thực vật có vai trò quan trọng trong việc hình thành, duy trì và phát triển các hệ sinh thái. Đối với con người, thực vật không chỉ là nguồn cung cấp oxi, nguồn thức ăn, nguyên liệu cho sản xuất mà còn là yếu tố quan trọng tác động đến môi trường sống của con người, là lá chắn bảo vệ con người khỏi thiên tai, khói bụi và ô nhiễm.

Thực vật có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sống.

Một là, giảm ô nhiễm môi trường

Ô nhiễm môi trường là vấn đề báo động trên toàn thế giới hiện nay. Tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng khiến đời sống và sức khỏe con người bị ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân chính là do con người phá hủy các hệ sinh thái tự nhiên, đặc biệt là rừng để phát triển kinh tế.

Các loài thực vật được coi là “lá phổi” của Trái đất. Thực vật có nhiều tác dụng trong việc cung cấp khí Oxi và hấp thụ các chất gây ô nhiễm môi trường. thực vật hấp thụ khí CO2 và cung cấp Oxi cho con người và động vật. Trung bình cứ một cây xanh có thể cung cấp đủ lượng Oxi cho 4 người. Đồng thời, các loài thực vật có thể hấp thụ khí CO2, ammoniac, SO2, Nox,….từ đó giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giúp không khí trong lành hơn. Bên cạnh đó, lá cây cũng có tác dụng làm giảm bụi bẩn trong không khí.

Hai là, bảo vệ nguồn nước và chống xói mòn đất

Rễ của các loài thực vật hút nước và chất dinh dưỡng trong đất để sinh trưởng và phát triển. Trong quá trình đó, các loài thực vật sẽ hấp thụ những chất độc hại trong đất và làm giảm tình trạng ô nhiễm đất và ô nhiễm nguồn nước. Một số loài thực vật thủy sinh cũng có tác dụng làm sạch nguồn nước và có tác dụng trong việc bảo vệ môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm. Bên cạnh đó, cây xanh có thể làm chậm sự bốc hơi nước, tăng độ ẩm không khí, đồng thời lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo và trở thành các mạch nước ngầm.

Ngoài ra, các loài thực vật thân gỗ thường có rễ cắm sâu vào trong đất, đây là lá chắn bảo vệ môi trường đất và con người tốt nhất khỏi hiện tượng xói mòn đất, khi đến mùa mưa bão, cây có thể giúp giữ nước và cản trở quá trình chảy của dòng nước, gió thổi, từ đó hạn chế tình trạng bão,lũ lụt, xói mòn đất do nước chảy mạnh. Bên cạnh đó, một số loài thực vật, như hoa hướng dương cũng có thể hấp thụ các chất phóng xạ, bảo vệ môi trường đất nơi bị ô nhiễm phóng xạ.

Ba là, giảm nhiệt độ không khí và bảo tồn năng lượng

Vào những ngày nắng nóng, khi nhiệt độ không khí tăng cao, các loài thực vật sẽ tiết ra hơi nước giúp làm giảm nhiệt độ không khí, tạo ra bóng mát ngăn chặn ánh nắng mặt trời, hạn chế tác hại của các bức xạ mặt trời. Việc trồng nhiều cây xanh sẽ giúp giảm hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường sống của con người.

Theo một số nghiên cứu, nếu trồng khoảng 3 cây xanh quanh 1 ngôi nhà, sẽ cắt giảm được 50% nhu cầu sử dụng điều hòa. Một cây có thể làm giảm nhiệt, dịu mát cho 10 phòng. Bằng cách giảm bớt nhu cầu sử dụng năng lượng, từ đó giúp tiết kiệm điện năng và giảm lượng CO2 từ các nhà máy sản xuất điện.

Bốn là, cung cấp lương thực và đảm bảo cảnh quan

Mỗi vùng miền sẽ có loài thực vật trưng phù hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước của vùng, miền đó. Mỗi loài thực vật khi được quy hoạch đúng, sẽ tạo nên hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập của người dân, đồng thời đạt được hiệu quả bảo vệ môi trường tại nơi đó. Cảnh quan khu vực cũng được tạo nên bởi thực vật, bởi thực vật có ở mọi nơi và mỗi nơi sẽ có một số loài thực vật đặc trưng riêng, biểu tượng cho nơi đó. Đồng thời, tại các đô thị hiện nay, thực vật đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cảnh quan đô thị, cảnh quan môi trường.

Năm là, cân bằng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học

Thực vật có vai trò quan trọng trong việc cân bằng sinh học và bảo tồn đa dạng sinh học. Hầu hết các loài sinh vật đều sống và phụ thuộc vào thực vật. Thực vật là thức ăn, đồng thời là nơi trú ngụ của các loài sinh vật. Tuy nhiên, dưới tác động của con người, nhiều khu rừng bị chặt phá khiến các loài sinh vật “mất nhà”, khan hiếm thức ăn và dẫn đến tuyệt chủng. Nhiều loài động vật cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng do ảnh hưởng của nạn chặt phá rừng. Việc giữ rừng, trồng rừng, trồng cây xanh sẽ giúp khôi phục, tái tạo các hệ sinh thái, đồng thời bảo tồn đa dạng sinh học.

Có thể thấy, thực vật có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường sống cũng như đảm bảo các điều kiện sống của con người. Trước tình trạng ô nhiễm môi trường khiến sức khỏe con người ngày một suy yếu do thường xuyên hít phải khói bụi độc hại và ảnh hưởng của ô nhiễm ánh sáng, tiếng ồn,… việc trồng nhiều cây xanh sẽ là biện pháp hiệu quả, giúp giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường và bảo vệ chính cuộc sống của con người.

Tống Tuấn