Giới thiệu

Tăng trưởng kinh tế luôn là mục tiêu quan trọng của chính sách điều tiết kinh tế vĩ mô của mỗi quốc gia hoặc mỗi địa phương. Thể chế và độ mở thương mại là các yếu tố đã được đề cập trong các lý thuyết tăng trưởng kinh tế. Theo đó, khung thể chế của một xã hội tạo ra cơ chế khuyến khích, tác động trực tiếp đến hoạt động kinh tế và chính trị, là nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế (North, 2000). Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, độ mở thương mại đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế của các nước. Theo Sala-i-Martin and Barro (1995), Rodrik và cộng sự (2004), thể chế, độ mở thương mại là các yếu tố đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Trong một nghiên cứu liên quan đến các mục tiêu phát triển kinh tế bền vững tại các nước châu Á, các tác giả đã chỉ ra rằng một trong các mối quan tâm đến vấn đề phát triển kinh tế là chất lượng thể chế và độ mở thương mại (Bernabe, 2017).

Xuất phát từ mục tiêu phát triển kinh tế của các quốc gia và nhận thức được vai trò quan trọng của thể chế, độ mở thương mại trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế, thời gian qua có không ít nghiên cứu trong và ngoài nước về lĩnh vực này như: Bruckerner và Lederman (2012); Bibi và cộng sự (2014); Nakabashi và cộng sự (2013); Alexiou và cộng sự (2014); Acemoglu và cộng sự (2014); Hye và Lau (2015); Vianna và Mollick (2018); Huchet‐Bourdon và cộng sự (2018); Salman và cộng sự (2019); Su và cộng sự (2019); Luong (2016); Ngo và Nguyen (2020) đã nghiên cứu thực nghiệm và đưa ra các kết luận về tác động của thể chế, độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế. Đa số các công trình này tiếp cận bằng các phương pháp hồi quy dữ liệu bảng (Pooled OLS, FEM, REM, GLS, GMM…), hồi quy dữ liệu chuỗi thời gian nhưng khá ít nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy phân vị. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu cũng chưa có sự thống nhất về ảnh hưởng của thể chế và độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, do mỗi quốc gia trên thế giới hoặc mỗi địa phương, vùng, miền có những đặc điểm riêng về vị trí địa lý, định hướng chính sách phát triển nên ảnh hưởng của thể chế và độ mở thương mại có thể khác nhau.

Do vậy, mục tiêu của nghiên cứu này là đưa ra nhận định về ảnh hưởng của thể chế và độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế ở phạm vi 63 tỉnh/thành của Việt Nam bằng phương pháp hồi quy phân vị. Kết quả nghiên cứu sẽ xác định mức độ và chiều hướng tác động của chất lượng thể chế, độ mở thương mại trên các phân vị khác nhau của mức tăng trưởng kinh tế của các tỉnh/thành, từ đó, đề xuất các giải pháp phù hợp góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu thực nghiệm

Thể chế, độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế

– Thể chế và tăng trưởng kinh tế: Theo North (1990), vai trò chính của thể chế trong một xã hội là cung cấp một cấu trúc cho các hoạt động trong đời sống hằng ngày thông qua các hướng dẫn tương tác giữa con người với con người. Thể chế được nhìn nhận và phân loại rất khác nhau nhưng nhìn chung có ba thành tố quan trọng trong thể chế bao gồm: thể chế chính thức (thành văn như luật lệ); thể chế phi chính thức (bất thành văn như tục lệ và các quy tắc ứng xử) và các cơ chế, biện pháp chế tài (Kasper và Streit, 1999; Leftwich và Sen, 2010). Lý thuyết kinh tế học thể chế mới là một mô hình lý thuyết được xây dựng dựa trên lý thuyết Kinh tế học thể chế cũ nhấn mạnh rằng thể chế là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế (Lin, 1989; North, 1990). Vai trò của Chính phủ là chất xúc tác và khuyến khích, thúc đẩy các công ty nâng cao nguyện vọng của họ và chuyển sang mức hiệu suất cạnh tranh cao hơn (Porter, 1990). Có thể thấy, tác động của việc phát triển thể chế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế được thể hiện khá rõ trong các lý thuyết kinh tế. Thể chế có thể làm cho một số nước nghèo đi, trong khi có thể tạo điều kiện cho một số quốc gia khác trở nên giàu có (Yildirim & Gökalp, 2016). Do ở các nước hay vùng, miền đang phát triển có mức độ sản xuất còn thấp, cơ hội phát triển về mặt chính trị và kinh tế khá phức tạp. Các thể chế về môi trường kinh doanh ở những nơi đó chủ yếu mang tính chất phát triển các hoạt động phân phối lại hơn là các hoạt động sản xuất tăng trưởng, góp phần hạn chế cơ hội phát triển. Vì vậy, ảnh hưởng của các thể chế đối với hoạt động kinh tế được hình thành như thế nào còn tùy theo trình độ phát triển kinh tế của mỗi quốc gia hoặc khu vực đó (Edison, 2003).

– Độ mở thương mại và tăng trưởng kinh tế: Vai trò của độ mở thương mại trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đã được đề cập và phân tích bởi nhiều học giả kinh tế. Đa số các ý tưởng của những nhà nghiên cứu cho rằng việc mở rộng xuất khẩu sẽ tạo động lực phát triển kinh tế (Helpman & Krugman, 1985). Theo Sala-i-Martin và Barro (1995), Rivera-Batiz và Romer (1991), độ mở thương mại có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn, nâng cao hiệu quả trong việc phân bổ các nguồn lực và cải thiện năng suất các yếu tố tổng hợp nhờ phát triển năng lực công nghệ kỹ thuật. Vì vậy, điều này tạo ra kỳ vọng rằng những quốc gia hoặc địa phương có độ mở thương mại lớn hơn có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn (Belloumi, 2014). Bên cạnh đó, việc mở rộng xuất khẩu có thể tăng nguồn cung ngoại hối làm tăng vốn và kích thích tăng trưởng sản lượng (Balassa, 1978; Esfahani, 1991). Theo World Bank (1987), tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế đối với bất kỳ quốc gia nào còn được xác định dựa trên khuôn khổ chính sách kinh tế. Hơn nữa, độ mở thương mại không phải hoàn toàn là vấn đề của chính sách kinh tế mà nó còn phụ thuộc về quy mô địa lý của từng vùng (Frankel và Romer, 1996). Do vậy, sự tăng trưởng về độ mở thương mại không phải lúc nào cũng có động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà nó còn tùy vào chính sách kinh tế, đặc điểm địa lý, định hướng phát triển của quốc gia hay khu vực đó.

Tổng quan các nghiên cứu có liên quan

Về ảnh hưởng của thể chế đến tăng trưởng kinh tế, bằng cách sử dụng kiểm định nhân quả Granger, Law và cộng sự (2013) kết luận rằng, chất lượng thể chế tốt hơn thúc đẩy phát triển kinh tế ở các quốc gia thu nhập cao. Venard (2013) cho thấy, thể chế có tác động dương đến tăng trưởng kinh tế của 120 quốc gia. Di Vita (2017) nghiên cứu tác động của chất lượng thể chế đến tăng trưởng kinh tế của khu vực Ý, giai đoạn 1995-2011. Nghiên cứu sử dụng REM và hồi quy phân vị cho thấy sự phức tạp của quy định về tranh chấp dân sự là một trở ngại cho sự tăng trưởng của GDP khu vực. Ngo và Nguyen (2020) kết luận yếu tố thể chế lại có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế khi nghiên cứu 13 nước có thu nhập trung bình thấp tại châu Á trong khoảng thời gian 2000-2008 bằng phương pháp hồi quy GMM.

Về tác động của độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế, Andersen và Babula (2008) kết luận rằng, có thể có một mối quan hệ tích cực giữa thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế. Vai trò của độ mở thương mại trong mối quan hệ với tăng trưởng kinh tế cũng được Kakar và Khilji (2011) nghiên cứu tại Pakistan và Malaysia giai đoạn 1980-2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Nghiên cứu của Sakyi và cộng sự (2015) về tác động của độ mở thương mại đến mức tăng trưởng trong mẫu gồm 115 quốc gia đang phát triển giai đoạn 1970-2009 cho thấy mối quan hệ 2 chiều tích cực giữa độ mở thương mại và mức tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và ngắn hạn. Khobai và cộng sự (2018) kết luận rằng độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở Ghana nhưng lại có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Nigeria. Su và cộng sự (2019) kết luận thể chế kinh tế và độ mở thương mại ảnh hưởng đáng kể đến tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam giai đoạn 2005-2015 bằng cách sử dụng hồi quy GMM hệ thống. Raghutla (2020) nghiên cứu tác động của độ mở thương mại đối với tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1993-2016 ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, cho thấy độ mở thương mại có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế.

Nhìn chung, những kết luận của các nhà nghiên cứu trước đây về tác động của thể chế, độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế vẫn chưa thống nhất và phương pháp hồi quy phân vị chưa được nhiều nghiên cứu thực nghiệm tiếp cận. Hơn nữa, vấn đề này chưa được nghiên cứu chi tiết trên phạm vị các địa phương của một quốc gia. Do đó, bài viết sử dụng phương pháp hồi quy phân vị để phân tích sự tác động của thể chế và độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế của các địa phương tại Việt Nam trên các phân vị khác nhau.

Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Bài viết sử dụng hồi quy phân vị được giới thiệu bởi Koenker và Bassett. Jr (1978) để xem xét chi tiết sự tác động của các biến thể chế và độ mở thương mại đến tăng trưởng kinh tế trên từng phân vị. Mặc dù hồi quy phân vị có thể thực hiện chi tiết từ phân vị 0,01 đến 0,99. Nhưng do giới hạn bài viết và tính chất của mẫu nghiên cứu, tác giả chọn các phân vị cơ bản của hàm phân phối biến tăng trưởng kinh tế của các tỉnh/thành (grdp) để phân tích, bao gồm phân vị 0,1; 0,25; 0,5; 0,75 và 0,9.

Dựa trên cơ sở lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm của Su và cộng sự (2019), Ngo và Nguyen (2020), Raghutla (2020), mô hình nghiên cứu được đề xuất như sau:

grdpit = β0 + β1insit + β2tradeit + β3Zit+ eit (1)

Trong đó, i = 1, 2,.., N; t = 1, 2, …, T (i đại diện cho các tỉnh, thành phố và t là thời gian quan sát trong mô hình). Các biến trong mô hình (1) được giải thích chi tiết ở Bảng 1.