Nghị luận văn học là gì?

Nghị luận xã hội và nghị luận văn học bao gồm 2 phần chính sau:

  • Phần 1: khái quát chung về nguồn gốc, nội dung của văn nghị luận.
  • Phần 2: Nêu lên các dạng đề văn nghị luận, cụ thể hơn là các dạng đề nghị luận xã hội và các dạng đề nghị luận văn học.

1. Nghị luận xã hội và nghị luận văn học

Văn nghị luận là một thể loại có truyền thống lâu đời, có giá trị và tác dụng hết sức to lớn trong trường kì lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Có thể kể đến: Chiếu dời đô (1010), của Lý Công Uẩn, Đại cáo bình Ngô (1427) của Nguyễn Trãi,… Và đặc biệt, từ thế kỉ XX trở đi, văn nghị luận ngày càng phát triển mạnh mẽ với hàng loạt tên tuổi nổi tiếng mà tiêu biểu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh với bản Tuyên ngôn Độc lập (1945).

Có thể nói trong suốt trường kì lịch sử, văn nghị luận phản ánh rõ nhất đời sống tinh thần, tư tưởng, ý chí và khát vọng của cả một dân tộc. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; là tinh thần tự hào về một dân tộc có truyền thống lịch sử – văn hóa lâu đời, giàu tư tưởng nhân nghĩa, là ý chí “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, khát vọng hòa bình, tinh thần “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Bên cạnh phản ánh tư tưởng yêu nước, chống xâm lăng, văn nghị luận còn phản ánh tinh thần và ý chí của cha ông ta trong công cuộc dựng nước. Đó là khát vọng muốn xây dựng một quốc gia hùng cường, độc lập; là tư tưởng coi trọng người hiền tài.

Không chỉ nói lên tư tưởng, ý chí và khát vọng của một dân tộc, văn nghị luận còn phản ánh nhận thức thẩm mĩ và quan niệm của cha ông ta về văn chương, nghệ thuật. Có thể nói, càng ngày văn nghị luận càng phát triển mạnh mẽ, càng trở nên đa dạng và phong phú.

Nếu nhìn từ đề tài, ta có thể chia văn nghi luận thành hai loại lớn:

– Nghị luận xã hội: là những bài văn bàn về các vấn đề xã hội – chính trị: một tư tưởng, đạo lí; một lối sống cao đẹp; một hiện tượng tích cực hoặc tiêu cực của đời sống; một vấn đề về thiên nhiên, môi trường,…

– Nghị luận văn học: là những bài văn bàn về các vấn đề văn chương – nghệ thuật: phân tích, bàn luận về vẻ đẹp của tác phẩm văn học, trao đổi về một vấn đề lí luận văn học hoặc làm sáng tỏ một nhận định văn học sử,…

Nhìn chung, cả hai loại văn nghị luận đều nhằm phát biểu tư tưởng, tình cảm, thái độ, quan điểm của người viết một cách trực tiếp về các vấn đề chính trị, đạo đức, lối sống,… và về văn học bằng một ngôn ngữ trong sáng, với những lập luận chặt chẽ, mạch lạc, giàu sức thuyết phục

2. Các dạng đề văn nghị luận

a. Đề nghị luận xã hội

Văn nghị luận xã hội là những bài văn bàn về xã hội, chính trị, đời sống nói chung. Do đó phạm vi của dạng bài này rất rộng. Nó bao gồm những vấn đề tư tưởng, đạo lí cho đến lối sống, bên cạnh đó một đề văn nghị luận xã hội đôi khi đề cập tới những câu chuyện nổi bật trong cuộc sống hằng ngày.

Hiểu đơn giản, văn nghị luận xã hội là dạng văn yêu cầu viết về vấn đề xã hội. Nó khác với nghị luận văn học ở chỗ, không viết về tác phẩm, nhà văn. Để viết văn nghị luận tốt, học sinh cần rèn luyện 2 kỹ năng: chứng kinh và giải thích.

– Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí: dạng đề này thường nhân một câu danh ngôn, một nhận định, đánh giá nào đó để yêu cầu người viết bàn luận và thể hiện tư tưởng, quan điểm, thái độ của mình.

– Nghị luận về một hiện tượng đời sống: dạng đề này thường nêu lên một hiện tượng, một vấn đề có tính thời sự, được dư luận xã hội trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đang quan tâm.

– Nghị luận về một vấn đề xã hội được đặt ra trong các tác phẩm văn học: dạng đề này kết hợp kiểm tra được cả về năng lực đọc – hiểu tác phẩm văn học, cả về kiến thức xã hội và khả năng nghị luận.

b. Đề nghị luận văn học

– Nghị luận về tác phẩm văn học: dạng đề này nhằm kiểm tra năng lực cảm thụ văn học của người viết. Đối tượng cảm thụ ở đây có thể là thơ, truyện, kịch hoặc văn nghị luận, có thể là toàn bộ tác phẩm, cũng có thể là đoạn trích.

– Nghị luận về một ý kiến bàn về văn học: đối tượng bàn luận ở đây có thể là một nhận định về văn học sử, về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm; hoặc một ý kiến về lí luận văn học.

3. Các thao tác lập luận trong văn nghị luận

Các thao tác nghị luận gồm có: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, so sánh, bác bỏ.

– Thao tác giải thích

  • Giải thích cơ sở: giải thích từ ngữ, khái niệm khó, nghĩa đen, nghĩa bóng của từ.
  • Trên cơ sở giải thích đó giải thích toàn bộ vấn đề, chú ý nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn.

– Thao tác phân tích

  • Khám phá chức năng biểu hiện của các chi tiết
  • Dùng phéo liên tưởng để mở rộng nội dung ý nghĩa
  • Các cách phân tích thông thường: Chia nhỏ đối tượng thành các bộ phận để xem xét; phân loại đối tượng; liên hệ, đối chiếu; cắt nghĩa bình giá; nêu định nghĩa.

– Thao tác chứng minh

  • Đưa ra lí lẽ trước
  • Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận chứng minh thuyết phục hơn. Đôi khi có thể thuyết minh trước rồi trích dẫn sau.

– Thao tác bình luận

Bình luận luôn có hai phần

  • Đưa ra những nhận định về đối tượng nghị luận
  • Đánh giá vấn đề ( lập trường đúng đắn và nhất thiết phải có tiêu chí ).

– Thao tác so sánh

  • Xác định đối tượng nghị luận, tìm một đối tượng tương đồng hay tương phản hoặc hai đối tượng cùng lúc.
  • Chỉ ra những điểm giống nhau giữa các đối tượng
  • Dựa vào nội dung cần tìm hiểu, chỉ ra điểm khác biệt giữa các đối tượng
  • Xác định giá trị cụ thể của các tượng

– Thao tác bác bỏ

Bác bỏ một ý kiến sai có thể thực hiện bằng nhiều cách: bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ, bác bỏ cách lập luận hoăc kết hợp cả ba cách:

  • Bác bỏ luận điểm: thông thường có hai cách bác bỏ: dùng thực tế, dùng phép suy luận
  • Bác bỏ luận cứ: vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lý lẽ và dẫn chứng được sử dụng
  • Bác bỏ lập luận: vạch ra mâu thuẫn, phi logic trong lập luận của đối phương.

Trên đây ACC đã giới thiệu tới các em Nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Bài viết đã cho chúng ta thấy được khái niệm về bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn nhé.

Chúc các em học tập thật tốt.