Qui luật thích ứng (Law of Psychological Adaptation) là gì? Ứng dụng trong quản trị

Qui luật thích ứng

Khái niệm

Qui luật thích ứng hay còn được gọi là qui luật nhàm chán trong tiếng Anh được gọi là Law of Psychological Adaptation.

Qui luật thích ứng là một trong những qui luật phổ biến tác động tới một tập thể trong doanh nghiệp.

Qui luật thích ứng phát biểu rằng khi một cảm xúc nào đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và không thay đổi nội dung và hình thức thì cuối cùng cũng sẽ bị suy yếu và lắng xuống.

Đó là hiện tượng chai sạn của tình cảm. Hiện tượng “xa thương gần thường” là kết quả phổ biến của qui luật này.

Trong đó

Tập thể là nhóm chính thức có tổ chức cao, thống nhất, thực hiện mục đích chung, phù hợp với lợi ích xã hội.

Tác động

Những tác động của qui luật thích ứng

Để nghiên cứu những ảnh hưởng của qui luật thích ứng, tiến sĩ Eichele tại Đại học Bergen, Nauy và cộng sự đã yêu cầu người tham gia thực hiện lặp lại một nhiệm vụ đơn giản. Trong khi đó, não sẽ được chụp lại bằng công nghệ chụp cộng hưởng từ.

Nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những sai lầm của chủ thể được báo trước bởi một mô hình hoạt động trong não. “Chúng tôi ngạc nhiên tìm thấy, cứ khoảng 30 giây trước khi lỗi lầm được tạo ra, có một sự chuyển dịch rõ rệt trong hoạt động não”, tiến sĩ Stefan Debener tại Đại học Southampton – Anh, cho biết.

“Điều này chứng tỏ bộ não đã bắt đầu tiết kiệm, bằng cách đầu tư ít hơn cho việc hoàn thành một nhiệm vụ lặp lại. Nó thể hiện ở sự suy giảm hoạt động ở vỏ não trước và gia tăng hoạt động ở vùng não liên quan đến nghỉ ngơi”.

Ứng dụng

Ứng dụng của qui luật thích ứng trong việc quản trị là:

Sự nhàm chán sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu suất làm việc của nhân viên, từ sự nhàm chán của một người sẽ tạo ra những lây lan tâm lí hình thành nên một bầu không khí u ám trong công ty.

Vì vậy nhà quản trị phải luôn thay đổi trong cách thức lãnh đạo, ứng xử cho phù hợp, tạo ra những hứng thú trong công việc cho nhân viên. Nếu không chú ý đến qui luật này, có thể sẽ dẫn tới tình trạng khó chịu và nhàm chán của người lao động.

Ví dụ: Dùng nội dung và hình thức khen thưởng hàng quí, hàng năm giống nhau hoặc sử dụng những ngôn từ giao tiếp rập khuôn sáo rỗng… sẽ gây hiện tượng nhàm chán, thờ ơ của người lao động, mang lại hiệu quả xấu.

(Tài liệu tham khảo: Đặc điểm và các qui luật tâm lí phổ biến tác động trong tập thể lao động, Tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica)