Nhau thai từ tuần 31 tới lúc sanh có thay đổi nhiều không?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Lúc thai em được 23 tuần em đi khám bệnh viện sản nhi bác sĩ nói em bị nhau tiền đạo bán trung tâm. Bây giờ thai em được 31 tuần em khám ở bệnh viện khác thì nói em bị nhau bám mép. Vậy cho em hỏi nhau thai từ tuần 31 tới lúc sanh có thay đổi nhiều không? Mong bác sĩ giải đáp giúp. Em cảm ơn bác sĩ.

Nguyễn Thị Ngọc Quyền

Trả lời

Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Thị Lý – Bác sĩ Sản phụ khoa – Khoa Sản – Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Chào bạn,

Với câu hỏi “Nhau thai từ tuần 31 tới lúc sanh có thay đổi nhiều không? ”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Đối với thai kỳ bình thường, nhau thai sẽ bám vào mặt trước hoặc mặt sau của phần đáy tử cung. Tuy nhiên, khi nhau thai bám vào đoạn dưới tử cung và cổ tử cung, che mất một phần hoặc che kín cổ tử cung, làm cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ được gọi là nhau tiền đạo (hay còn gọi là rau tiền đạo).

Dựa vào vị trí bám, nhau tiền đạo được phân chia thành 4 loại:

  • Nhau tiền đạo bám thấp: Bờ bánh nhau bám vào đoạn dưới tử cung, chưa đến lỗ trong cổ tử cung;
  • Nhau tiền đạo bám mép: Bờ bánh nhau bám đến bờ lỗ trong cổ tử cung;
  • Nhau tiền đạo bán trung tâm: Bánh nhau che kín một phần lỗ trong cổ tử cung;
  • Nhau tiền đạo trung tâm: Bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung, chiếm tỷ lệ 20 – 30% các trường hợp.

Như bạn mô tả thì thai 31 tuần của bạn là nhau đã kéo cao lên mép cổ tử cung rồi, trước đó nhau của bạn đang là bán trung tâm. Tuần thai 31 trở đi thì khả năng nhau thai thay đổi khi bạn đủ tháng là rất thấp.

Về xử trí nhau tiền đạo có:

  • Trường hợp nhau tiền đạo trung tâm hoặc bán trung tâm: Mổ lấy thai;
  • Trường hợp nhau bám mép: Mổ lấy thai cấp cứu nếu thai phụ xuất huyết nhiều. Nếu thai phụ xuất huyết ít, ngôi thế và cổ tử cung thuận lợi: Thực hiện bấm ối và xé màng ối về phía không có bánh nhau để cầm máu. Sau khi xé màng ối nhưng vẫn ra máu thì mổ lấy thai, còn không ra máu thì theo dõi đường âm đạo;
  • Trường hợp nhau bám thấp: Mổ lấy thai nếu ra nhiều máu, nếu ra ít máu hoặc không ra máu nên theo dõi chuyển dạ

Bạn nên theo dõi sát để các bác sĩ có thể đưa ra hướng xử trí đúng đắn cho bạn.

Nếu bạn còn thắc mắc về nhau thai, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!