Lý Chiêu Hoàng – nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam: Cuộc đời thăng trầm đầy bi đát

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video vị vua nữ đầu tiên của việt nam

Lý Chiêu Hoàng còn gọi là Lý Phế hậu hay Chiêu Thánh hoàng hậu, vị Hoàng đế thứ 9 và cuối cùng của triều đại nhà Lý từ năm 1224 đến năm 1225. Trong lịch sử Việt Nam, bà là vị Nữ hoàng đầu tiên và duy nhất, đặc biệt hơn là được chính Phụ hoàng Lý Huệ Tông ra chỉ truyền ngôi, dù bên trong là sự sắp đặt đầy cưỡng ép của Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, hiện đang nắm quyền lực trong triều.

Lên ngôi vua chỉ vỏn vẹn nửa năm đã phải nhường ngôi, trở thành Hoàng hậu

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lý Chiêu Hoàng lên ngôi vào tháng 6 năm Ất Dậu (năm 1225) và nhường ngôi vào tháng 11, chỉ vỏn vẹn gần nửa năm trên ngai vàng.

Sau khi nhường ngôi, Lý Chiêu Hoàng được phong làm Hoàng hậu, trở thành vị Hoàng hậu trẻ tuổi nhất trong lịch sử – Lý Thiên Hinh, vì khi đó bà mới 7 tuổi. Bà chung sống với Thái Tông hoàng đế hơn 10 năm, tình cảm khá sâu sắc, được Thái Tông rất yêu thương và kính trọng.

Số phận bi đát: Con trai đầu lòng mất, từ Hoàng hậu bị giáng xuống thành Công chúa

Năm Quý Tỵ, Thiên Ứng Chính Bình thứ 2 (1233), Lý hoàng hậu hạ sinh ra Thái tử Trần Trịnh, nhưng Thái tử chết ngay sau khi sinh không lâu.

Năm Đinh Dậu, Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), Thái sư Trần Thủ Độ cùng Thiên Cực công chúa lo sợ huyết thống hoàng gia bị đứt đoạn, nên ép Thái Tông phải bỏ Lý Thiên Hinh để lấy chị dâu là Thuận Thiên công chúa đang có thai 3 tháng. Thái Tông hoàng đế phản đối, đang đêm trốn khỏi kinh thành để lên gặp sư Phù Vân ở Yên Tử nương nhờ. Thái sư vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng hoàng đế cũng phải chịu nghe theo.

Thuận Thiên công chúa được lập làm Hoàng hậu thay thế. Lý Thiên Hinh bị giáng làm Chiêu Thánh công chúa, không rõ hành trạng của bà trong thời gian sau khi bị giáng tước.

Vì chuyện này, Hoài Vương Trần Liễu nổi loạn ở sông Cái, nhiều năm nhiều tháng không ngừng. Cuối cùng, Trần Liễu đến xin Thái Tông tha tội, hai anh em ôm nhau khóc thảm thiết, tuy nhiên Trần Thủ Độ dựa vào tội trạng của Liễu mà giáng Liễu làm An Sinh vương, được ban các vùng Yên Sinh, Yên Phụ, Yên Dưỡng, Yên Hưng, Yên Bang làm ấp thang mộc. Những tướng sĩ, quân lính đi theo làm loạn đều bị xử tử.

Cái chết đầy bí ẩn

Đầu năm Mậu Dần, niên hiệu Bảo Phù thứ 6 (1278), tháng 3, Chiêu Thánh công chúa qua đời, thọ 61 tuổi. Bà qua đời sau gần 1 năm tròn so với Trần Thái Tông (qua đời năm 1277).

Tương truyền, bà về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) thì qua đời tại đó, tóc bà vẫn đen nhánh, môi vẫn đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Bà được táng ở bìa rừng Báng, phía tây Thọ Lăng Thiên Đức. Bà được người đời sau lập đền thờ, gọi là Long miếu (đền Rồng). Sở dĩ Chiêu Hoàng không được thờ chung tại đền Đô mà phải thờ riêng vì bà là người bị xem là có tội với dòng họ Lý khi để mất nhà Lý.

Sách Việt sử tiêu án có chép lại thuyết dân gian rằng bà đã nhảy hồ tự sát. Nguyên văn: “Bà Chiêu Thánh mất. Bà đã bị giáng là Công chúa, rồi gả cho Phụ Trần, khi ấy mất đã 61 tuổi. Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang, có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên bờ đầm có miếu Chiêu Hoàng. Đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Hoàng mà đặt ra thuyết ấy.”

Đền thờ của bà hiện nay tại Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, (tỉnh Bắc Ninh), còn gọi là Đền Rồng. Tháng 1 năm 2009, đền được nhà nước Việt Nam công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Từ khi sinh ra cho đến khi từ biệt cõi đời, với bao biến cố đã khiến Lý Chiêu Hoàng trở thành một người có số phận lạ lùng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với 7 lần ở những danh vị khác nhau: Công chúa triều Lý, Hoàng Thái tử nhà Lý, Nữ Hoàng đế nhà Lý, Hoàng hậu nhà Trần, Công chúa nhà Trần, Sư cô (thời Trần) và Phu nhân tướng quân nhà Trần.

Nhà thơ Tản Đà có bài thơ Vịnh Lý Chiêu Hoàng như sau:

“Quả núi Tiên Sơn có nhớ công

Mà em đem nước để theo chồng

Ấy ai khôn khéo tài dan díu

Những chuyện hoa tình có biết không?

Một gốc mận già thôi cũng phải

Hai trăm năm lẻ thế là xong

Hỏi thăm sư cụ chùa Chân Giáo

Khách khứa nhà ai áo mũ đông”