LS Law Firm

#ls #lslawfirm #toivoy #gaythiethainghiemtrong #taisan

Trong quan hệ dân sự, khi một người gây thiệt hại về tài sản cho chủ thể khác thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, quan hệ dân sự là do các bên tự nguyện thỏa thuận nên việc yêu cầu người gây thiệt hại bồi thường hay không và bồi thường bao nhiêu là phụ thuộc vào ý chí của các bên. Nhưng về mặt trách nhiệm hình sự, một khi có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì người phạm tội buộc phải gánh chịu hậu quả pháp lý trước trước pháp luật.

Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo được quy định tại Điều 180 Chương XVI của Bộ luật hình sự 2015 (Sửa đổi, bổ sung 2017) (“BLHS 2015”) quy định:

“1. Người nào vô ý gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt cảnh cáo hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của người khác trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt cải tạo không giam giữ từ 02 năm đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”

Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là hành vi của một người tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhưng cho rằng thiệt hại đó không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được nên vẫn để mặc cho sự việc xảy ra. Để một hành vi được xác định là Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản thì hành vi đó phải đáp ứng đủ các yếu tố cấu thành tội phạm như sau:

Thứ nhất về khách thể: Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản là thiệt hại về tài sản của cơ quan; tổ chức, doanh nghiệp và công dân và đối tượng bị tác động của tội phạm này là tài sản, bao gồm vật, tiền.

Thứ hai về mặt khách quan:

  1. Có hành vi gây thiệt hại nghiệm trọng đến tài sản của người khác. Được thể hiện như làm mất, làm hư hỏng tài sản… của người khác. Cụ thể hành vi vi phạm là không tuân thủ hoặc tuân thủ không đúng, không đầy đủ những quy định của pháp luật hoặc các quy tắc sinh hoạt xã hội thông thường liên quan đến việc bảo vệ tài sản.

Ví dụ: Mượn xe gắn máy của người khác không khoá xe để kẻ trộm lấy mất,…

  1. Hậu quả: Gây thiệt hại tài sản đến mức độ nghiêm trọng và bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, hành vi của người phạm tội gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

  2. Mối quan hệ nhân quả: Hành vi gây thiệt hại của người phạm tội phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả về thiệt hại tài sản có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên. Nếu giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 100 triệu đồng thì người có hành vi gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm hình sự mà tuỳ theo đối tượng và trường hợp cụ thể họ chỉ chịu trách nhiệm dân sự, trách nhiệm vật chất hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính.

Thứ ba về mặt chủ quan: Lỗi trong tội phạm này là lỗi vô ý.

  • Lỗi vô ý do quá tự tin: Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của người khác trị giá từ 100.000.000 đồng trở lên nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được.

  • Lỗi vô ý do cẩu thả: Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại cho tài sản của người khác, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Thứ tư về chủ thể: Bất kì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và chủ thể của tội này là chủ thể thường, tức không phải là người có nhiệm vụ được giao trực tiếp quản lý tài sản.

* Lưu ý: Cần phân biệt tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (Điều 179 BLHS 2015). Mặc dù, điểm giống nhau giữa hai tội đều là lỗi vô ý. Nhưng đối tượng xâm phạm của Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản rộng hơn, không chỉ là tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp mà còn là tài sản của công dân, tổ chức xã hội, tổ chức nước ngoài… Người phạm tội ở tội này là người không có trách nhiệm trực tiếp quản lý tài sản bị thiệt hại.

Như vậy, để xác định một hành vi gây thiệt hại về tài sản có phạm Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản theo quy định của BLHS 2015 hay không thì cần phải xem xét đến các yếu tố cấu thành tội phạm như trên. Ngoài ra, cần phải lưu ý chủ thể thực hiện tội phạm này là chủ thể thường, không được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH LS và Cộng sự (“LS Law Firm”)

Trên đây là một số nội dung cơ bản về “Tội vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” dựa trên quy định pháp luật tại thời điểm thực hiện bài viết. Nếu Quý khách có nhu cầu cần tư vấn hoặc đang quan tâm đến các dịch vụ pháp lý khác, hãy liên hệ ngay với LS Law Firm qua Email: lslawfirm2014@gmail.com để được hỗ trợ kịp thời.

Lưu ý: Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, mọi việc sao chép sử dụng bài viết để làm chứng cứ riêng trong bất kỳ vụ, việc nào đều xem như không được phép./.