Xâm phạm quyền riêng tư là gì? Tội xâm phạm quyền riêng tư?

Video xâm phạm quyền riêng tư phạt bao nhiêu tiền

1. Quy định của pháp luật về quyền riêng tư:

1.1. Tìm hiểu chung về quyền riêng tư của cá nhân:

Mỗi cá nhân đều có quyền riêng tư, pháp luật công nhận và bảo vệ quyền này, nó là một trong những quyền cơ bản của con người được tôn trọng và được luật pháp bảo vệ.

Bên cạnh đó, tất cả mọi người đều có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác khi chưa được họ cho phép.

Có thể hiểu là đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình là bất khả xâm phạm, và mọi người ai cũng phải tôn trọng và có nghĩa vụ bảo vệ quyền riêng tư đó.

Quyền riêng tư bao gồm các bí mật cá nhân; đời sống riêng tư;…dễ có nguy cơ bị phát tán, quyền riêng tư được nhắc nhiều trong thời kì phương tiện điện tử và mạng xã hội phát triển như hiện nay.

1.2. Các quy định pháp luật về quyền riêng tư:

Theo quy định của Hiến pháp 2013 thì ta có thể hiểu được rằng mọi người có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình, đồng thời được pháp luật bảo đảm an toàn về mọi thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình.

Ngoài Hiến pháp thì Bộ luật dân sự và luật giao dịch điện tử cũng có những quy định ghi nhận quyền riêng tư của mỗi các nhân. Theo đó, điều 38 Bộ luật dân sự năm 2015 đã có những quy định về quyền riêng tư như sau:

– Cá nhân có quyền khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

– Nếu không được sự đồng ý của một cá nhân hoặc một gia đình thì không được phép thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình đó. Nói cách khác là nếu muốn thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình thì phải được sự đồng ý của cá nhân và hộ gia đình. Nếu không sẽ xem là hành vi xâm phạm quyền riêng tư.

Ngoài ra, các cá nhân còn được bảo đảm an toàn và bí mật đối với thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác

Trong một số trường hợp mà pháp luật quy định như liên quan đến việc điều tra tội phạm thì mới được thực hiện việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Trong quá trình xác lập, thực hiện hợp đồng, các bên trong hợp đồng không được tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của nhau mà mình đã biết được

Luật Giao dịch Điện tử 2005 quy định về quyền riêng tư như sau:

– Khi tiến hành giao dịch điện tử các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn các biện pháp bảo mật phù hợp với quy định của pháp luật.

– Trong giao dịch điện tử nếu không được sự đồng ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thì không được sử dụng, cung cấp hoặc tiết lộ thông tin về bí mật đời tư hoặc thông tin của họ mà mình tiếp cận hoặc kiểm soát được.

Từ các quy định trên, có thể tổng kết lại rằng quyền riêng tư gồm những nội dung sau: Sự riêng tư về thông tin cá nhân; Sự riêng tư về cơ thể; Sự riêng tư về thông tin liên lạc; Sự riêng tư về nơi cư trú. Và khi các cá nhân, cơ quan, tổ chức xâm phạm đến các nội dung trên của một cá nhân, tổ chức, cơ quan khác thì được coi là có hành vi xâm phạm quyền riêng tư. Bởi lẽ, khi cá nhân có quyền bí mật đời tư cá nhân, thì mọi hành vi thu thập, khai thác, công bố thông tin về đời tư cá nhân đó cũng phải được sự đồng ý của họ. Do đó, nếu một người có hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính; trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ vi phạm.

Như vậy, quyền riêng tư mặc dù không được quy định cụ thể trong một luật riêng nào, nhưng nó đã được phép luật bảo vệ thông qua các quy định tại điều khoản về quyền của con người ở Hiến Pháp, Bộ luật dân sự,….. Theo đó, một người khi xâm phạm đến quyền riêng tư của người khác thì sẽ phải chịu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm hình sự, tùy vào mức độ vi phạm của hành vi đó. Tuy nhiên, có những trường hợp, pháp luật cho phép được kiểm soát thư tín, điện thoại của người khác. Đó là những trường nhằm thực hiện nghiệp vụ điều tra, bảo vệ an ninh hay phát hiện tội phạm. Việc kiểm soát này phải có quyết định của cơ quan tổ chức có thẩm quyền.

2. Xâm phạm quyền riêng tư bị xử lý như thế nào?

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính về việc xâm phạm quyền riêng tư:

Như đã phân tích ở trên có thể thấy rằng, pháp luật tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi người và không ai được phép xâm phạm, nếu xâm phạm thì sẽ phải chịu chế tài theo quy định của pháp luật. Cụ thể khi xâm phạm quyền riêng tư của người khác bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính nếu thuộc vào trường hợp theo quy định tại điều 102, nghị định 15/2020/NĐ-CP nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Theo quy định này ta có thể xác định được như sau: Nếu một cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan thực hiện hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Dó đó có thể thấy, xâm phạm quyền riêng tư về lưu trữ, cho thuê, truyền đưa, cung cấp, truy nhập, thu thập, xử lý, trao đổi và sử dụng thông tin sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

2.2. Xử lý hình sự với hành vi xâm phạm quyền riêng tư:

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi một cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan thực hiện hành vi xâm phạm quyền riêng tư của người khác có thể rơi vào tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác và bị xử lý theo điều 159, Bộ luật hình sự 2015. Tức là xâm phạm quyền riêng tư có thể bị xử lý hình sự. Cụ thể như sau:

– Người nào thực hiện hành vi chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

– Người nào thực hiện hành vi Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông; đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

– Người nào thực hiện hành vi nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật; đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

– Người nào thực hiện hành vi khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật; đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

– Người nào thực hiện hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

– Người nào thực hiện hành vi xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác có tổ chức hoặc là lợi dụng chức vụ, quyền hạn; hoặc đã phạm tội 02 lần trở lên; hoặc người đó làm tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; làm nạn nhân tự sát thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

– Ngoài các hình thức xử phạt trên thì người vi phạm còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, có thể thấy rằng khi xâm phạm quyền riêng tư thì mức hình phạt cao nhất theo quy định của bộ luật hình sự 2015 đó là phạt tù tới 03 năm.

Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:

– Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

– Bộ luật dân sự 2015.

– Nghị định 15/2020/NĐ-CP nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.