Xây dựng tiềm lực quốc phòng

(Bqp.vn) – Tiềm lực quốc phòng là khả năng về nhân lực, vật lực, tài chính, tinh thần ở trong nước và ngoài nước có thể huy động được để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.

Xây dựng tiềm lực chính trị

Tiềm lực chính trị là thành tố cơ bản của tiềm lực quốc phòng, chứa đựng trong tố chất con người, truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và trong hệ thống chính trị; là khả năng tiềm tàng về chính trị có thể huy động nhằm tạo ra sức mạnh để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Xây dựng tiềm lực chính trị quyết định khả năng huy động các yếu tố khác của tiềm lực quốc phòng.

Tiềm lực chính trị biểu hiện ở nhận thức, ý chí, niềm tin, tâm lý, tình cảm, trách nhiệm của nhân dân và lực lượng vũ trang đối với nhiệm vụ quốc phòng của đất nước; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, là kết quả của quá trình xây dựng lâu dài dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự tiếp nối truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.

Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng “người trước, súng sau”, lấy con người làm trung tâm, trọng tâm trong công tác quốc phòng, Việt Nam chú trọng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tinh thần yêu nước, thương dân, có tri thức, có ý thức và bản lĩnh chính trị vững vàng, tư tưởng cách mạng tiến công, kiên định, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng tiềm lực chính trị trước hết là xây dựng niềm tin và sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vào thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; coi trọng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, ý thức tự tôn dân tộc và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Xây dựng tiềm lực chính trị đòi hỏi phải bảo đảm toàn diện cả về nhận thức tư tưởng, tâm lý, tình cảm, niềm tin, thái độ trách nhiệm chính trị đối với Tổ quốc và Nhân dân, giáo dục nâng cao ý thức quốc phòng cho toàn dân, nhất là thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên và bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành.

Tiềm lực chính trị được xây dựng trong quá trình xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện chính sách tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các dân tộc; thông qua thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, xây dựng dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm an sinh xã hội; có chính sách ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, biển, đảo; tạo sự phát triển bền vững để củng cố, nâng cao tiềm lực chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng tiềm lực kinh tế, văn hóa, xã hội

Việt Nam chủ trương tổ chức, triển khai đồng bộ, thống nhất việc xây dựng, phát triển đất nước giàu mạnh gắn với xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững chắc từ đường lối, chính sách đến biện pháp cụ thể, từ Trung ương đến địa phương. Đầu tư phát triển và nâng cao tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; điều chỉnh quy hoạch các vùng, miền có tầm quan trọng chiến lược đối với quốc phòng, an ninh. Phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Xây dựng tiềm lực kinh tế của nền quốc phòng toàn dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; giữ vững độc lập, tự chủ trong mở rộng hợp tác kinh tế; phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tăng lượng dự trữ quốc gia; gắn phát triển kinh tế với bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, sẵn sàng huy động các nguồn lực cho quốc phòng. Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, bảo đảm không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác cụ thể; chủ động ứng phó hiệu quả với tác động tiêu cực, gây sức ép thông qua kinh tế từ bên ngoài.

Ngân sách quốc phòng Việt Nam phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng yêu cầu tăng cường tiềm lực quốc phòng bảo vệ Tổ quốc, nhưng không chạy đua vũ trang, không trở thành gánh nặng của nền kinh tế đất nước [1].

Việt Nam chủ trương xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; từng bước hòa nhập công nghiệp quốc phòng vào công nghiệp quốc gia. Đầu tư xây dựng có trọng điểm một số cơ sở công nghiệp quốc phòng tiên tiến, tiến tới hình thành các tập đoàn, tổ hợp công nghiệp quốc phòng lưỡng dụng công nghệ cao, tự chủ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng; đẩy mạnh hợp tác thương mại quốc phòng; tăng cường đầu tư, bảo đảm nguồn lực thực hiện mục tiêu xây dựng Quân đội, các chương trình, dự án trọng điểm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng cơ sở vật chất kỹ thuật; nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, làm chủ công nghệ chế tạo một số loại vũ khí, trang bị hiện đại, tiến tới thiết kế, sản xuất một số loại vũ khí, trang bị kỹ thuật mới, hiện đại.

Việt Nam chủ trương xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, con người phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng phát triển đất nước bền vững và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường triển khai các giải pháp nhằm giữ gìn và phát huy thuần phong, mỹ tục của nền văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc. Kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa từ bên ngoài, các khuynh hướng văn hóa trái với thuần phong, mỹ tục Việt Nam. Tổ chức và quản lý chặt chẽ hệ thống phương tiện thông tin, truyền thông đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Giáo dục sâu rộng cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc về truyền thống dựng nước đi đôi với giữ nước; tinh thần yêu nước, ý chí quật cường, trí thông minh, sáng tạo trong đánh giặc, giữ nước của ông cha; lòng tự hào, tự tôn dân tộc; xây dựng lòng trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần dũng cảm, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân; vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vào khả năng và sức mạnh tổng hợp của đất nước, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Khơi dậy mạnh mẽ các nguồn lực nội sinh và ngoại sinh, vật chất và tinh thần, trước hết là chủ nghĩa yêu nước, ý chí độc lập, tự cường, tinh thần tự hào dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tính độc lập, tự chủ, sáng tạo, tính nhân văn cao cả của dân tộc, nhằm đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại trong thời gian tới.

Trong điều kiện mới, văn hóa quân sự cần gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển; xây dựng và phát huy giá trị nghệ thuật quân sự Việt Nam. Quán triệt mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự, từ đó khơi dậy lòng tự hào, tiềm năng sáng tạo, niềm vinh dự, trách nhiệm trong giữ gìn, vận dụng, phát huy những giá trị nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc.

Xây dựng tiềm lực khoa học – công nghệ

Tiềm lực khoa học – công nghệ là thành tố có vai trò ngày càng quan trọng trong tiềm lực quốc phòng, tác động trực tiếp đến sự phát triển của khoa học – công nghệ trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ cấu tổ chức lực lượng vũ trang, công tác chỉ huy và quản lý bộ đội,… Những yếu tố cơ bản của tiềm lực khoa học – công nghệ là: khả năng và trình độ, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; cơ sở vật chất phục vụ cho công tác nghiên cứu, phát triển, phổ biến, ứng dụng khoa học – công nghệ.

Việt Nam chủ trương xây dựng tiềm lực khoa học – công nghệ của nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng và phát triển khoa học – công nghệ của đất nước. Phát triển khoa học – công nghệ cùng với phát triển giáo dục – đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực phát triển kinh tế – xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và là điều kiện cần thiết để xây dựng đất nước giàu mạnh, giữ vững độc lập dân tộc.

Việt Nam đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhà khoa học và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển khoa học – công nghệ phục vụ cho các dự án then chốt trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cung cấp luận cứ khoa học cho các chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh. Tăng cường đầu tư đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; có chính sách động viên, khuyến khích các nhà khoa học và các chuyên gia công nghệ hàng đầu tham gia nhiệm vụ quốc phòng, quân sự.

Việt Nam đề ra các biện pháp nhằm từng bước tạo lập thị trường khoa học – công nghệ; tăng đầu tư cho phát triển khoa học – công nghệ từ nhiều nguồn; coi trọng việc ứng dụng thành tựu khoa học – công nghệ để phát triển sản xuất; phát triển công nghiệp quốc phòng; mở rộng hợp tác quốc tế về đào tạo khoa học – công nghệ; đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức khoa học – công nghệ cho nhân dân.

Xây dựng tiềm lực quân sự

Tiềm lực quân sự là khả năng về sức mạnh chiến đấu của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ và khả năng huy động nhân lực, vật lực phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; là bộ phận nòng cốt của tiềm lực quốc phòng, được xây dựng trên nền tảng của tiềm lực chính trị – tinh thần, kinh tế, văn hóa – xã hội, khoa học – công nghệ. Tiềm lực quân sự bao gồm hai yếu tố cơ bản là con người và vũ khí, trang bị, trong đó con người là nhân tố quyết định.

Tiềm lực quân sự thể hiện ở khả năng duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển sức mạnh chiến đấu, trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang, biểu hiện ở nguồn dự trữ về sức người, sức của phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Tiềm lực quân sự còn thể hiện ở khả năng động viên công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật, giao thông vận tải và các ngành dịch vụ khác phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Việt Nam xây dựng tiềm lực quân sự theo chiến lược thống nhất, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khả năng tác chiến và trình độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang thể hiện ở tổ chức, biên chế, trang bị, cơ sở bảo đảm hậu cần, nghệ thuật quân sự và khoa học kỹ thuật thường xuyên được duy trì, hoàn thiện và không ngừng phát triển, đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Quan tâm xây dựng nguồn nhân lực có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc, Nhân dân và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; phát huy dân chủ, giữ nghiêm kỷ luật quân đội; tôn trọng và đoàn kết với nhân dân; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Có chính sách ưu đãi, bảo đảm đời sống cho cán bộ, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; nâng cao chất lượng lực lượng thường trực, bảo đảm số lượng và chất lượng lực lượng dự bị động viên, sẵn sàng bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.

Xây dựng tiềm lực quân sự gắn chặt với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách nhằm phát huy thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, khoa học – công nghệ, văn hóa – xã hội,… để xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự,…

Việt Nam chủ trương xây dựng tiềm lực quân sự trên cơ sở kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại thông qua đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Phát huy vai trò của tiềm lực đối ngoại quốc phòng trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước, góp phần duy trì môi trường hòa bình của khu vực và thế giới.

Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ quan đối ngoại quốc phòng chuyên trách từ cấp chiến lược đến các đơn vị trong hệ thống tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến đối ngoại quốc phòng, trong đó có các văn bản về việc Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; xây dựng cơ sở vật chất phục vụ công tác đối ngoại; củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Tùy viên Quốc phòng tại các nước. Coi trọng giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn cán bộ tham gia ứng cử vào các vị trí lãnh đạo, điều hành tại các tổ chức quốc tế; củng cố tổ chức, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng. Đổi mới nội dung, hình thức hợp tác, nâng cao hiệu quả thông tin đối ngoại, tạo sự đồng thuận cao trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về chính sách quốc phòng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển của Việt Nam.

[1] – GDP dành cho ngân sách quốc phòng: năm 2010: 2,23%; năm 2011: 2,82%; năm 2012: 2,88%; năm 2013: 2,69%; năm 2014: 2,69%; năm 2015: 2,72%; năm 2016: 2,64%; năm 2017: 2,51%; năm 2018: 2,36%.

Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng