Chữ Vạn trong Phật giáo và những tranh cãi bất tận về chiều quay

frameborder="0" allow="accelerometer; autoplay; clipboard-write; encrypted-media; gyroscope; picture-in-picture" allowfullscreen="">
Video ý nghĩa chữ vạn trong phật giáo

Theo từ điển mở Wikepedia, chữ Vạn (卍) là một biểu tượng chữ thập với bốn góc vuông về góc phải và hướng sang bên phải, có hướng các đầu mút xoay ngược chiều kim đồng hồ (đường đi rẽ phải). Tên gọi svastika (gồm chữ sv và asti ghép lại) hiểu theo tiếng Phạn có nghĩa là “phúc lộc, an khang, thành công thịnh vượng”.

Biểu tượng chữ Vạn của Ấn Độ giáo, đôi khi còn được trang trí thêm các chấm tròn ở các góc một phần tư. Đây là biểu tượng của sự may mắn và lần xuất hiện đầu tiên là vào những năm trước công nguyên. Biểu tượng này được lấy ý tưởng từ việc quan sát vũ trụ, hệ mặt trời, nó thể hiện nơi phát sinh ra nguồn sống vô tận, và sự vĩnh hằng.

Trong tín ngưỡng Ấn Độ giáo, chữ Vạn được đồng hóa với thần Vishnu và được liên kết với thần Shiva và việc thờ rắn thần Nagar. Trong Phật giáo, chữ Vạn là một trong ba mươi hai tướng tốt của Phật, vị trí trên ngực. Nó biểu thị công đức vô lượng của Phật. Chữ Vạn là biểu tượng, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái hay bên phải đều được, tuy rằng có một số nhà nghiên cứu Phật học vẫn tranh luận nhau về hướng xoay của biểu tượng này.

Từ chữ Vạn tượng trưng cho chân lý…

Như đã nói ở trên chữ Vạn là biểu tượng, không phải là chữ viết. Viết xoay bên trái hay bên phải đều được. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều câu chuyện liên quan đến hướng xoay của chữ Vạn. Người ta kể lại dưới thời Pháp thuộc, năm 1941, một viên công sứ Pháp, đi từ Phủ Doãn lên đàn Nam Giao, khi ngang qua chùa Từ Đàm – Huế, thấy các hình trang trí chữ Vạn xung quanh tường rào được trang trí nằm trong không gian có thể trông từ hai phía, ông ta đã nổi giận và bắt vị trụ trì chùa phải xây phông ở phía sau để chỉ được nhìn về phía mặt chữ Vạn của Phật giáo.

Cũng liên quan tới câu chuyện chữ Vạn ở chùa Từ Đàm, người khác lại kể rằng sau khi bị nhà cầm quyền Pháp cho rằng đây là hình chữ của Đức quốc xã nên phải xoay đổi hướng. Ai dè đổi xong thì vào trong chùa ngó ra lại thấy chữ Vạn quay về phía cũ như trước.

Tại chùa Linh Sơn thành phố Đà Lạt, nếu Phật tử đi từ ngoài đường phố vào viếng chùa, thì sẽ nhìn thấy hình ảnh chữ Vạn thế này: 卐. Nhưng nếu sau khi vào trong chánh điện lễ Phật xong lúc trở ra đi về mà nhìn lên thì sẽ thấy hình ảnh chữ Vạn bị xoay ngược lại:卍.

Như thế hình chữ Vạn quay theo chiều ngược kim đồng hồ hay quay cùng chiều kim đồng hồ thì đó chỉ là hai cái nhìn khi đứng ở hai vị trí trước mặt hay sau lưng của cùng một chữ Vạn mà thôi. Và điều này xuất phát từ ý nghĩa thâm sâu trong Phật giáo.

Tác giả Tâm Minh Ngô Tằng Giao trong bài viết “Ý nghĩa chữ vạn trong Phật giáo” đăng tải trên trang web Vườn hoa Phật giáo đã cho rằng, thực ra hay hướng xoay của chữ Vạn đều có lý lẽ riêng. Chiều quay ngược chiều kim đồng hồ (卐) là chiều quay tự nhiên của các quả địa cầu quanh mặt trời và cũng là chiều tự quay của nó.

Còn chiều quay cùng chiều kim đồng hồ (卍) tức là theo chiều tương sinh trong ngũ hành. Việc tranh cãi chiều quay của chữ Vạn của các học giả, đều căn cứ trên những nhận thức riêng của mỗi người hay mỗi nhóm người, nhưng không có cơ sở nào đủ sức thuyết phục một cách tuyệt đối, cho nên chúng ta không thể kết luận một cách khách quan bên nào hoàn toàn đúng, bên nào hoàn toàn sai, theo tác giả Tâm Minh Ngô Tằng Giao.

Chỉ biết rằng chữ Vạn tượng trưng cho chân lý và chân lý này chỉ có một. Nhưng tùy theo vị trí đứng nhìn mà thấy chân lý theo kiểu này, mang hình thức này; nếu đứng ở vị trí khác nhìn chân lý thì thấy chân lý theo kiểu khác với hình thức khác. Khi chúng ta hợp lại tất cả nhận thức, hợp lại tất cả kiểu dáng của tất cả sự mô tả chân lý thì chúng ta mới có thể hiểu được chân lý một cách toàn vẹn đủ các mặt.

Đến chữ Vạn một thời ám ảnh

Theo người đời kể lại thì một trong những lý do khiến nhà cầm quyền Pháp yêu cầu sư trụ trì chùa Từ Đàm – Huế phải xoay đổi hướng chữ Vạn vì cho rằng đây là hình chữ của Đức quốc xã. Đây cũng là nhận thức đã ám ảnh nhân loại một thời gian rất dài trong thế kỷ 20.

Ngày nay nhiều người vẫn nhớ sâu sắc về sự lạm dụng biểu tượng hình chữ Vạn của Hitler trong thế chiến II, liên hệ nó với sự kinh khủng của cuộc tàn sát những người Do Thái của chủ nghĩa phát xít dưới thời Hitler. Nhà độc tài Hitler đã dùng phù hiệu chữ Vạn này cho Đảng áo nâu của mình, nhưng đặt nghiêng với tham vọng thống trị cả thế giới qua chiêu bài phát xít.

Chữ Vạn của Hitler do bác sĩ Fridrich Krohn phác họa có màu đen, được vẽ nghiêng một góc 45 độ trong một vòng tròn màu trắng và được mọi người gọi là “dấu thập ngoặc” . Đó là viết tắt của hai chữ S (State: Quốc gia) và S (Social: Xã hội). Chữ Vạn màu đen, tượng trưng cho sự tăm tối và chết chóc.

Việc Hitler đã “đánh cắp” hình chữ Vạn, làm méo mó ý nghĩa của nó lên hàng triệu người thực sự là nỗi ám ảnh nhân loại một thời gian rất dài và thậm chí dẫn đến sự nhầm lẫn về nhận thức của không ít người về chữ Vạn. Bằng chứng là nhiều người thường ngạc nhiên khi thấy hình chữ Vạn là một biểu tượng của Phật giáo vì tròng đầu họ chỉ có chữ Vạn – dấu thập ngoặc tượng trưng cho sự tăm tối và chết choc của Hitler.

Quay chiều nào chữ Vạn cũng luôn tượng trưng cho lòng từ bi và trí tuệ

Nói về ý nghĩa chữ Vạn “là một trong 32 tướng tốt của đức Phật, là biểu thị công đức của Phật, ứng hiện ở nơi ngực của Phật là để nói lên cái ý nghĩa giác ngộ vẹn toàn của Phật, ở chính giữa ngực là tượng trưng cho lý Trung Đạo…”, sư thầy Thích Phước Thái đã giải nghĩa trong chuyên mục Hỏi – đáp của trang thông tin Giáo hội Phật giáo Việt Nam rằng, đầu tiên, người Ấn Độ cho rằng phù hiệu này là sợi lông xoắn ở ngực của Phạm thiên, Tỳ thấp nô (Phạn: Visnu), cát lật sắt noa (Phạn: Krsna) và thông thường coi đây là dấu hiệu của sự tốt lành, thanh tịnh, tròn đầy.

Trong Phật giáo, chữ Vạn (chiều trên xoay về bên trái) là tướng tốt lành ở trước ngực của Phật và hàng Bồ tát Thập Địa, về sau dần dần trở thành dấu hiệu đại biểu cho Phật giáo.

Từ xưa, chữ Vạn đã có 2 trường hợp xoay về bên tả và xoay về bên hữu khác nhau. Đối với Ấn Độ giáo, phần nhiều dùng chữ vạn (chiều xoay về bên trái) để biểu thị cho nam tính thần và chữ vạn (có chiều xoay về bên phải) để biểu thị cho nữ tính thần. Đối với Phật giáo, có ngôi tháp cổ hiện còn ở vườn Lộc dã, chữ trên tháp toàn là chữ Vạn, (có chiều xoay về phía phải) ngôi tháp này là vật kiến trúc thời vua A Dục, được xây dựng để kỷ niệm nơi ngày xưa Đức Phật đã nhập định.

Tại Tây Tạng, tín đồ Lạt Ma Giáo thường dùng chữ Vạn (có chiều xoay về phía bên trái) tín đồ Bổng giáo thì dùng chữ Vạn (cũng xoay về phía trái) . Tại Trung Quốc, qua nhiều đời đều dùng cả 2 cách. Huệ Lâm Âm Nghĩa và Cao Ly Đại Tạng Kinh đều chủ trương chữ Vạn (chiều xoay về phía trái) , Nhật Bản Đại Tạng Kinh cũng mô phỏng theo và sử dụng chữ Vạn (chiều xoay về phía phải) , nhưng 3 bản Tạng Kinh đời Tống, Nguyên, Minh, đều dùng chữ Vạn (chiều xoay về phía phải), sự phân chia chữ xoay về bên tả và bên hữu chủ yếu là do nơi lập trường khác nhau…