Bánh chưng, bánh dày – phong vị truyền thống

BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY – PHONG VỊ TRUYỀN THỐNG

Mỗi dịp Tết đến, Xuân về một trong những phong tục tập quán thường thấy của người Việt Nam là gói bánh chưng. Tập quán ấy có từ khi nào và ý nghĩa ra sao? Hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của những chiếc bánh chưng bánh dày.

Sự tích bánh chưng bánh dày

Người Việt Nam từ bao đời nay không ai là không biết về sự tích bánh chưng, bánh dày. Tương truyền, vua Hùng Vương thứ sáu muốn tìm người tài kế vị, đã cho vời các hoàng tử lại và truyền rằng: “Ta muốn truyền ngôi cho kẻ nào làm ta vừa ý, cuối năm nay đem trân cam mỹ vị đến để tiến cúng tiên vương cho ta được tròn đạo hiếu thì sẽ được ta truyền ngôi”. Các hoàng tử đều đua nhau đi tìm của ngon vật lạ khắp nơi. Duy chỉ có hoàng tử thứ 18 là Lang Liêu, do mẹ mất sớm, không có người giúp đỡ nên không biết xoay sở ra sao.

y nghia cua banh chung banh day

Một hôm Lang Liêu nằm mộng thấy có vị Thần đến bảo: “Này con, vật trong Trời Đất không có gì quý bằng hạt gạo, vì gạo là thức ăn nuôi sống con người. Con hãy nên lấy gạo nếp làm bánh hình tròn và hình vuông, để tượng hình Trời và Đất. Hãy lấy lá bọc ngoài, đặt nhân trong ruột bánh, để tượng hình Cha Mẹ sinh thành.”

Khi dâng lên, hai loại bánh ấy được vua Hùng rất ưng ý nên đã quyết định truyền ngôi cho Lang Liêu, đồng thời đặt tên bánh hình tròn tượng trưng cho trời là bánh dày, bánh hình vuông tượng trưng cho đất là bánh chưng. Từ đó, mỗi khi Tết đến xuân về, trên mâm cỗ cúng tổ tiên, dân gian thường làm hai thứ bánh này để tạ ơn trời đất. Đây cũng là hai thứ bánh không thể thiếu trong mâm cỗ cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm.

Nguyên liệu làm bánh chưng gồm lá dong làm vỏ ngoài, trong là gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn… là những nguyên liệu sẵn có, truyền thống của mỗi gia đình Việt.

Bánh dày thì không nhân hình tròn, màu trắng của gạo tượng trưng cho trời.

Bánh chưng khi chín có màu sắc xanh dịu nhẹ của lá dong, có độ dẻo ngọt của gạo, vị thơm của đậu xanh, béo ngậy của thịt lợn, tất cả cùng hòa quyện thành một món ăn vừa thơm ngon, vừa độc đáo.

banh chung banh day phong vi truyen thong ff96bab4 83ca 4d1e bdc9 088f507ddfab

Với nền văn minh lúa nước từ ngàn đời nay, nên nguyên liệu làm ra chiếc bánh chưng chính là gạo – là Ngọc thực để nuôi sống mỗi con người đất Việt . Bánh chưng hình vuông, bánh dày hình tròn là tượng trưng cho Đất và Trời. Là hai đấng tối cao nhân dân tôn thờ.

Sự tích bánh chưng, bánh dày nhắc nhở con cháu về truyền thống hiếu kính; lời giải thích ý nghĩa cũng như nguồn cội của của bánh chưng, bánh dày là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bên cạnh đó, bánh chưng, bánh dày còn mang những ý nghĩa sâu xa về vũ trụ, nhân sinh. Theo dân gian, bánh chưng hình vuông, có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc âm, tượng trưng cho đất. Bánh dày hình tròn không có góc cạnh, hình khối cụ thể thuộc dương, tượng trưng cho trời nên phải màu trắng, không nhân vị. Còn theo tín ngưỡng phồn thực dân gian và triết lý nõ – nường, thì bánh chưng, bánh dầy còn mang ý nghĩa của sự sinh sôi, nảy nở.

Bánh chưng âm dành cho mẹ, bánh dầy dương dành cho cha. Trên mâm lễ dâng cúng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, bánh chưng biểu tượng cho cha Rồng, bánh dày biểu tượng cho mẹ Tiên, mà theo truyền thuyết, đó là khởi thủy cho cộng đồng dân tộc Lạc Việt sau này.

Nếu như trước kia, bánh chưng, bánh dày chỉ được gói, được làm trong những dịp lễ Tết, vào ngày Giỗ Tổ hay khi gia đình có cỗ lớn, thì bây giờ, ở nhiều nơi, nhất là ở những đô thị hiện đại, bánh chưng, bánh dày đã trở thành một thứ hàng quà, được bán hàng ngày phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân. Nó được coi như một loại bánh để ăn chơi, có khi là ăn quà sáng, quà chiều, có khi là món ăn dùng trong những dịp cưới xin, giỗ chạp.

Không phải tự nhiên mà trong mâm cơm dâng lên Tổ tiên của mỗi gia đình Việt phỉa có bánh chưng, bánh dày mỗi mùa Xuân đến. Là vì nó thể hiện sự tỉ mỉ và kỳ công của người gói và luộc bánh. Thể hiện sự đoàn kết vì rằng để có được chiếc bánh chưng ngon và đẹo mắt không chỉ do một người làm ra mà là cả gia đình cùng làm, cùng quân quần bên nhau từ công đoạn đãi gạo, đãi đỗ, ướp thịt, rửa và lau lá dong. Cả gia đình người ra người vào cùng nhau chuẩn bị làm bánh chưng, và vui nhất có lẽ là lúc cả nhau bên nồi luộc bánh chưng, cùng nhau thức mấy tiếng chờ bánh chín.

Bánh chưng còn thể hiện sự xung túc, ấm no vì trong bánh chưng có cả gạo nếp, thịt mỡ, đậu xanh, lá dong.

Bánh chưng, bánh dày không chỉ là món ăn chơi dân dã mà đã trở thành nét đẹp truyền thống, mang ý nghĩa nhân văn cao cả của mỗi người dân trên mảnh đất hình chữ S này. Nó khiến cho những người con xa quê luôn nhớ mong không khí gia đình đầm ấm bên nồi bánh chưng, những khi giã gạo làm bánh dày mỗi dịp năm hết Tết đến. Và lại một năm nữa sắp qua, một năm mới lại đến nhà nhà lại cùng nhau sắm sửa làm bánh chưng, bánh dày.

Tài liệu tham khảo:

Câu chuyện Sự tích bánh chung bánh giày- Theo Nguyễn Đổng Chi.

Kể chuyện 2, trang 75, NXB Giáo dục – 1982

Sưu tầm, biên soạn

Bùi Thu Trang

BQL khu di tích LS – VH đền Trần, chùa Tháp