Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ

Tinh thần đoàn kết là một trong những đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta. Bàn về vấn đề này có rất nhiều câu ca dao khuyên con người chúng ta phải biết yêu thương giúp đỡ lẫn nhau để cùng vượt qua mọi khó khăn giông bão. Cha ông ta vẫn thường bảo rằng tình yêu thương có thể làm xoa dịu nhiều nỗi đau, nỗi buồn. Tục ngữ có câu “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” đã nói lên sự quan tâm, chia sẻ, cảm thông đối với người khác. Đây là truyền thống mà người đời đi trước vẫn luôn khuyên răn con cháu đời sau nên nhớ về.

Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ

Ý nghĩa của câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”

Trước hết chúng ta cần tìm hiểu câu tục ngữ có ý nghĩa là gì. Câu tục ngữ đã nêu lên và khẳng định mối quan hệ gắn kết giữa con người với con người với nhau, giữa cá nhân với tập thể và cộng đồng, xã hội. Nó không chỉ ca ngợi về tình người ấm áp mà còn mang đến cho chúng ta bài học sâu sắc về tinh thần đoàn kết. Dân gian đã mượn hình ảnh con ngựa là một loài động vật có sức khỏe, là một loài động vật ăn rất nhiều đại diện cho một cá nhân, mỗi một con người, “con ngựa đau” chính là biểu tượng cho hoàn cảnh của cá nhân con người đó khi phải đối mặt với những gian khổ, khó khăn và thử thách trong cuộc sống. Còn “cả tàu” ý nói là cả tàu ngựa hay đàn ngựa, tượng trưng cho một tập thể, cộng đồng và lớn hơn là xã hội bao gồm những người cùng chúng sống.

Ý nghĩa của câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”

Khi một con ngựa bị đau thì cả tàu ngựa “bỏ cỏ” là muốn nói về tình thương của tập thể, cộng đồng vì cá nhân, sự sẻ chia của cả một đồng loại. Câu tục ngữ đã nói lên sự sẻ chia khi gặp khó khăn hoạn nạn tinh thần tương thân tương ái của cộng đồng luôn quan tâm của một tập thể đến một cá thể trong xã hội. Chính sự tương thân, tương ái chia sẻ vui buồn sẽ giúp con người chúng ta gần gũi nhau hơn, xây dựng mối quan hệ gắn bó lâu dài hơn. Không phải ai cũng có thể sống một mình lẻ loi giữa thế giới rộng lớn này, mà mỗi chúng ta luôn cần biết hướng về cộng đồng, hướng về tập thể, xây dựng cộng đồng ấy ngày càng một phát triển hơn, mà để phát triển thì con người luôn cần biết giúp đỡ, yêu thương lẫn nhau để vì một mục đích chung cao cả.

Ứng dụng câu “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ” trong thực tiễn

Chúng ta cần hiểu rằng, giúp người là tự giúp chính mình còn hại người cũng như hại mình, mình gieo nhân nào thì có ngày cũng sẽ gặp lại quả ấy thôi. Khi xưa, ông cha ta đã kiên cường chiến thắng được sách đô hộ, xâm lược của kẻ thù nhờ có tinh thần đoàn kết của toàn dân tộc. không chỉ thế, trong cuộc sống, con người ta sẽ có lúc hoạn nạn, khó khăn mà không thể lường trước được, và không thể một mình tự vượt qua. Khi ấy, cần có những bàn tay nâng đỡ ta dậy, giúp ta vượt qua những gian nan, thử thách ấy. Ta được người khác giúp đỡ thì đến lúc họ gặp khó khăn thì chúng ta sẽ là người đưa tay ra giúp đỡ họ. Khi biết sống yêu thương, sẻ chia, ta cũng sẽ giúp cho cuộc sống này ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, con người ta biết sống vì cộng đồng, vì tập thể, từ bỏ những ích kỷ cá nhân để sống vị tha, để đống góp một phần nhỏ của mình đến cuộc sống xung quanh.

Xã hội sẽ luôn tràn ngập tình yêu thương, gắn bó chính nhờ sự cảm thông, sẻ chia là chiếc cầu nối giữa con người với con người, mà khi một xã hội đã đoàn kết để cùng hướng về một mục tiêu chung thì xã hội ấy sẽ ngày càng một phát triển đạt được những thành quả nhất định. Một lối sống tốt đẹp là biết sống vị tha, tuy nhiên không phải ai cũng dễ dàng có được đức tính ấy, mà còn phụ thuộc vào sự rèn luyện, đó là một cả quá trình dài. Khi một người gặp khó khăn thì mọi người xung quanh không được phép thờ ơ, hững hờ, mà hãy sẵn sàng quan tâm, sẻ chia và ra tay giúp đỡ. Con người ta cần biết học cách sẻ chia nhiều hơn, đồng cảm nhiều hơn hi sinh nhiều hơn, luôn hướng về cái thiện, khát khao xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

Giải thích câu tục ngữ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ

Tất nhiên, trong xã hội phức tạp như hiện nay, lòng tốt đôi khi bị lợi dụng, khiến người ta trở nên ích kỉ hơn không dám đưa tay giúp đỡ người khác vì sợ bản thân sẽ gặp nguy hiểm và đã có rất nhiều trường hợp xấu đã xảy ra khi giúp người lạ. Vì thế mà ta cần phải biết cho đi tình thương đúng người, đúng lúc, đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, không nên phân phát nó một cách bừa bãi, kể cả những hoàn cảnh không hề khó khăn hay những con người xấu xa. Bên cạnh đó, cũng cần lên án và bài trừ một số người có lối sống ích kỷ, hẹp hòi, vô cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, không có tinh thần tập thể, thờ ơ với những xung quanh, thậm chí là chính người thân của họ.

Tình thương sẽ làm cho con người chúng ta trở nên cao quý hơn, có thể nói được sống trong tình yêu thương là được sống trong hạnh phúc. Trong lúc gặp hoạn nạn, nhận được sự san sẻ, đùm bọc, được cảm thông, được giúp đỡ là điều hạnh phúc và tốt biết bao nhiêu đối với mỗi cá nhân. Xã hội này vẫn đang cần lắm rất nhiều tấm lòng có tình yêu thương, sự chia sẻ, cảm thông sâu sắc. Bởi vì mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn khi được chia sẻ, được giãi bày và được giúp đỡ. Cuộc sống chính là một vòng tuần hoàn mình giúp người, người giúp mình như vậy và chúng ta sẽ tự thấy thanh thản vì những chuyện mình đã làm.

Câu tục ngữ đã thể hiện và khẳng định rõ tầm quan trọng của tinh thần đoàn kết giữa những con người với nhau. Đồng thời, còn muốn nhắc nhớ chúng ta hãy sống có tình nghĩa, tương thân tương ái, biết giúp đỡ lẫn nhau cùng sống cùng phát triển. Như thế chúng ta hãy cùng nhau phát huy hết tinh thần đoàn kết, yêu thương ấy. Hơn lúc nào hết tình yêu thương của con người cũng cần được lan rộng hơn nữa đúng với tinh thần của câu tục ngữ “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”.