Thực đơn

1. Sự ra đời của lực lượng Bộ đội Biên phòng

Nắm vững quy luật khách quan, vận dụng kinh nghiệm cha ông vào điều kiện lịch sử mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia là yêu cầu tất yếu của cách mạng; là cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, chống thù trong giặc ngoài để giữ vững chủ quyền độc lập dân tộc ở biên giới; giữ gìn an ninh trật tự; thực hiện đường lối đối ngoại, xây dựng tình đoàn kết hữu nghị giữa nước ta với các nước láng giềng. Sau thắng lợi của chiến dịch Biên giới 1950, Trung ương Đảng và Bác Hồ đã quyết định thành lập lực lượng Công an Biên phòng thuộc Bộ Công an (Sắc lệnh số 141/SL ngày 16/02/1953 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký), bố trí thành các đồn biên phòng dọc biên giới, trực thuộc Ty Công an các tỉnh có biên giới; làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới đất liền, bờ biển, giới tuyến và các mục tiêu quan trọng ở nội địa.

Những năm sau hòa bình (1954) được lập lại trên miền Bắc, Đảng và Nhà nước ta đã sớm thấy rõ công tác bảo vệ giữ vững độc lập chủ quyền lãnh thổ miền Bắc có tầm quan trọng đặc biệt và đang đặt ra những vấn đề cấp thiết cần tập trung lãnh đạo.

Để tăng cường công tác quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, cần có một lực lượng vũ trang thống nhất, chuyên trách, vững mạnh về chính trị, chặt chẽ về tổ chức; nắm vững đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; hiểu biết sâu về pháp luật, có năng lực quản lý, bảo vệ biên giới, giới tuyến, nội địa bằng các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu và khả năng chiến đấu vũ trang giỏi. Ngày 19/11/1958, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II ra Nghị quyết số 58/NQ-TW “Về việc thành lập lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng”, sau này là lực lượng Công an Nhân dân vũ trang. Đây là nghị quyết đặc biệt, đầu tiên của Đảng về công tác biên phòng, nội địa và giới tuyến, khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với lực lượng vũ trang chuyên trách, nòng cốt bảo vệ biên giới, giới tuyến và các mục tiêu nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị xác định lực lượng Cảnh vệ nội địa và Biên phòng có nhiệm vụ: “Trấn áp mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng trong nước và bọn phản cách mạng ngoài nước xâm nhập phá hoại nước ta, luôn luôn sẵn sàng, chiến đấu để bảo vệ an ninh biên giới, bờ biển, giới tuyến và nội địa, bảo vệ an toàn cho các cơ sở kinh tế, văn hóa quan trọng”. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/3/1959, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang, nêu rõ:“Thống nhất các đơn vị bộ đội thuộc Bộ Quốc phòng đang làm công tác bảo vệ nội địa, bảo vệ biên giới, giới tuyến và các đơn vị Công an Biên phòng, Cảnh sát vũ trang thành một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác biên phòng và bảo vệ nội địa, lấy tên là Công an nhân dân vũ trang, đặt dưới sự lãnh đạo của Bộ Công an”.

Tại buổi Lễ thành lập lực lượng, ngày 28/3/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và huấn thị cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang: “Đoàn kết, cảnh giác/ Liêm chính, kiệm cần/ Hoàn thành nhiệm vụ/ Khắc phục khó khăn/ Dũng cảm trước địch/ Vì nước quên thân/ Trung thành với Đảng/ Tận tụy với dân”.

Từ đây, nước ta chính thức có một lực lượng vũ trang chuyên trách công tác nội địa, biên phòng, tập trung thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, gồm 3 cấp: Trung ương có Ban Chỉ huy Trung ương Công an nhân dân vũ trang (tháng 7/1961 đổi tên thành Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) do đồng chí Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ – Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Tư lệnh, kiêm Chính ủy đầu tiên của lực lượng; cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh, thành phố; cấp cơ sở có các đồn Công an nhân dân vũ trang và đơn vị cơ động. Từ đó, ngày 03/3/1959 chính thức trở thành ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân vũ trang và Bộ đội Biên phòng ngày nay.

2. Sự ra đời của ngày Biên phòng toàn dân

Biết dựa vào dân, chăm lo sức dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân trong quản lý, bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia là bài học quý báu của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng. Quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng; tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh Nhân dân “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả nước bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, xây dựng khu vực biên giới vững mạnh, động viên giáo dục Nhân dân và các tầng lớp xã hội hướng về biên giới, giúp đỡ Nhân dân biên giới xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc; từ thực tiễn hiệu quả của phong trào quần chúng Nhân dân tham gia xây dựng và bảo vệ biên giới, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tham mưu và kiến nghị với Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 16/HĐBT, ngày 22/02/1989 về tổ chức ngày Biên phòng trong cả nước, bắt đầu từ ngày 03/3/1989. Ngày 17/6/2003, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI đã thông qua Luật Biên giới Quốc gia, trong đó xác định lấy ngày 03 tháng 3 hằng năm là Ngày Biên phòng toàn dân.

Ngày 11 tháng 11 năm 2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật Biên phòng Việt Nam cũng đã xác định “ngày 03 tháng 3 hằng năm là ngày truyền thống của Bộ đội Biên phòng, ngày Biên phòng toàn dân”. Như vậy, ngày Biên phòng toàn dân được quy định trong cả Luật Biên giới quốc gia và Luật Biên phòng Việt Nam.

Việc quy định và tổ chức ngày Biên phòng toàn dân nhằm nâng cao ý thức cảnh giác tinh thần trách nhiệm của nhân dân các dân tộc, của cán bộ, nhân viên các cơ quan, đoàn thể ở biên giới làm tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; tăng cường đoàn kết hợp đồng chiến đấu và giúp đỡ lẫn nhau giữa lực lượng biên phòng và Nhân dân, giữa lực lượng biên phòng và các lực lượng khác; không ngừng củng cố và phát triển tinh thần đoàn kết, hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới chống mọi hành vi xâm phạm biên giới của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ trung tâm, đột xuất của địa phương; khen thưởng bằng các hình thức thích hợp các xã và đồng bào có công trong sự nghiệp xây dựng bảo vệ biên giới.

Công Trung (sưu tầm[1])

[1] Trích: Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (03/3/1959-03/3/2019) và 30 năm Ngày Biên phòng toàn dân (03/3/1989 – 03/3/2019) của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy-Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.