Theo L.Wittgenstein, ranh giới giữa khả năng hiểu biết và không hiểu biết về giao tiếp liên văn hóa tùy thuộc vào mức độ tương đồng và dị biệt của các thế giới quan văn hóa. Các thế giới quan văn hóa càng tương đồng với nhau thì khả năng hiểu chúng càng dễ dàng. Ngược lại, các thế giới quan văn hóa càng khác biệt thì cơ hội hiểu được chúng càng khó khăn. Điều này, theo chúng tôi, đã giải thích rõ tại sao những người xuất thân từ các nền văn hóa tương đồng, có phương thức sống hay thế giới quan gần gũi với nhau, chẳng hạn người Việt Nam, người Trung Quốc, người Hàn Quốc thường hiểu nhau dễ hơn là hiểu người châu Âu hay người Mỹ. Như vậy, điểm mấu chốt nhất, khó khăn nhất của việc hiểu biết về giao tiếp liên văn hóa có liên quan đến sự khác nhau về nguyên tắc giữa các nền văn hóa hay giữa những thế giới quan văn hóa. Đây mới chính là nguyên nhân cơ bản, sâu xa của sự xung đột văn hóa. Bởi lẽ, các thế giới quan văn hóa này được dựa trên các nguyên tắc khác nhau và về bản chất, không dung hợp nhau. Theo đó, có thể nói, về thực chất, sự xung đột văn hoá là sự xung đột giữa các nguyên tắc không thể dung hợp nhau. Vấn đề này đã được L.Wittgenstein phân tích khá chi tiết trong Bàn về xác tín (“Uber Gewiβheit”) mà ở đó, qua hàng loạt ví dụ và chú giải, ông đã cho thấy rằng, trong nhiều trường hợp, các thế giới quan văn hóa đã không thể đạt được sự đồng thuận theo kiểu một thế giới quan siêu văn hóa toàn cầu(5).
Ủng hộ sự bình đẳng giữa các thế giới quan văn hóa, L.Wittgenstein cho rằng, chúng ta không thể nói một nền văn hóa hay một thế giới quan văn hóa, một phương thức sống của một cộng đồng nào đó là đúng hay sai, khoa học hay không khoa học, cao hơn hay thấp hơn. Một thế giới quan văn hóa không tốt cũng chẳng xấu, không đúng cũng không sai. Nó đơn giản chỉ là kết quả của việc kế thừa qua các thế hệ, kết quả của nền giáo dục của mỗi cộng đồng văn hóa. Tiêu chí phân biệt đúng hay sai chỉ có giá trị trong khuôn khổ của cộng đồng văn hóa đó với tư cách nền tảng định hướng tư duy và hành động cho tất cả các thành viên của nó. Vì vậy, không nên sử dụng tiêu chí của cộng đồng này để phán xét hay chỉ trích cộng đồng khác(6). Ủng hộ tính đa dạng của các nền văn hóa và các phương thức sống theo văn hóa, L.Wittgenstein chủ trương chống lại sự độc quyền chân lý của một cộng đồng văn hóa nào đó, đặc biệt là chống lại “thuyết lấy châu Âu làm trung tâm(7) và do vậy, cũng đã chống lại quan niệm đồng nhất toàn cầu hóa với phương Tây hóa hay Mỹ hóa.
Bạn đang xem: ChúngTa.com
Có thể nói, sự khác biệt về nguyên tắc giữa các thế giới quan văn hóa đã trở thành nguyên nhân chủ yếu của sự xung đột gay gắt giữa chúng, khi người ta vận dụng mô hình tư duy chủ quan theo “thuyết lấy cái tôi làm trung tâm tức là chỉ dựa vào các tiêu chí của mình hay cộng đồng văn hóa mình để phê phán các đại biểu của các cộng đồng văn hóa khác và bác bỏ các nguyên tắc của họ. Do vậy, để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự khác biệt về nguyên tắc giữa các thế giới quan văn hóa, đặc biệt là để tránh các nguy cơ xung đột giữa các nguyên tắc không dung hợp nhau, theo L.Wittgenstein, cần phải vận dụng ba giải pháp cơ bản trong giao tiếp liên văn hóa với những bối cảnh lịch sử, xã hội khác nhau.
Giải pháp đầu tiên là chấp nhận sự tồn tại hòa bình của các nguyên tắc khác nhau hay các thế giới quan văn hóa khác nhau. Với giải pháp này, cần phải chấm dứt việc phổ quát hóa các tiêu chí đánh giá của cộng đồng văn hóa mình, từ bỏ việc chỉ trích các cộng đồng văn hóa khác và phương thức sống của họ, tức là phải từ bỏ mọi tranh cãi về sự khác nhau cơ bản giữa các cộng đồng văn hóa đó, về ưu thế của cộng đồng này so với cộng đồng khác, một khi các bên không thể đạt được sự đồng thuận. Muốn vậy, phải tôn trọng và chấp nhận sự lựa chọn các phương thức sống khác, không coi chúng là sai, mà cùng lắm chỉ là khác với phương thức sống của mình(8).
Giải pháp thứ hai là thuyết phục. Đây là một giải pháp khá phổ biến, thường được người ta vận dụng, mặc dù ý định đó có thể bị che giấu. Để thực hiện việc thuyết phục, truyền bá thế giới quan và phương thức sống của mình, của cộng đồng văn hóa mình, người ta thường tìm cách chứng minh tính đúng đắn trong thế giới quan của mình, của cộng đồng văn hóa mình, đồng thời xem nó như là tiêu chí để phê phán và bác bỏ các thế giới quan khác. Khi đó, nguy cơ xung đột văn hóa rất có thể lại xuất hiện. Do vậy, cùng với biện pháp thuyết phục hòa bình, trong trường hợp cực đoan, người ta còn sử dụng cả biện pháp thuyết phục cưỡng bức. Giải pháp này chỉ phát huy tác dụng trong những điều kiện lịch sử nhất định và đối với những bộ phận nhất định của cộng đồng văn hóa khác, bộ phận những người không triệt để trung thành với các nguyên tắc của cộng đồng văn hóa mình. Trong tình huống gay cấn của xung đột liên văn hóa, giải pháp thuyết phục cưỡng bức có thể kèm theo các phương tiện và biện pháp cực đoan, kể cả những hành động bạo lực, quân sự, khủng bố, thậm chí sử dụng cả chiến tranh hủy diệt từ một phía. Ngược lại, bộ phận trung kiên nhất (hay cuồng tín nhất) của phía bên kia sẽ phản ứng lại một cách gay gắt bằng những hành động trả đũa, thậm chí báo thù để bảo vệ danh dự và giá trị của các nguyên tắc thế giới quan văn hóa của cộng đồng mình. Cứ như vậy, thật không dễ gì có thể thoát ra khỏi vòng xoáy bạo lực. Điều này, khi ở quy mô lớn, thậm chí còn có thể dẫn đến các cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa các nền văn hóa hoặc dẫn đến “sự đụng độ của các nền văn minh” trên phạm vi toàn thế giới như Samuel Huntington đã cảnh báo. Một khi các đại diện của một bên cảm thấy bị “dồn vào chân tường” và nhận thấy nguy cơ lớn có thể hủy hoại nền văn hóa và phương thức sống của mình, thì họ sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp, kể cả những biện pháp khủng bố man rợ để bảo vệ một cách triệt để nhất (hay cuồng tín nhất) nền văn hóa và các giá trị của họ, mà không hề quan tâm hay cân nhắc đến việc điều đó đúng hay sai, đạo đức hay phi đạo đức, có nhân tính hay phi nhân tính. Họ sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình cho cái mà họ coi là những mục tiêu thiêng liêng trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa các nền văn hóa. Chủ nghĩa khủng bố quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay là một trong những minh chứng cho điều này. Theo chúng tôi, giải pháp thuyết phục cưỡng bức như vậy trong thời đại toàn cầu hóa, thời đại của vũ khí hạt nhân hiện nay là hoàn toàn không thích hợp, không có tác dụng và không thể chấp nhận được bởi nó chỉ đưa đến hủy diệt, tàn phá, đe dọa sự tồn tại chung của nền văn minh nhân loại.
Xem thêm : Uống nhiều sữa có gây béo không?
Giải pháp thứ ba cho việc giải quyết sự xung đột giữa các cộng đồng văn hóa được L.Wittgenstein đưa ra là: hướng đến một thế giới quan phổ quát toàn cầu dựa trên nền tảng nhân học chung của con người trong tất cả các nền văn hóa, tức là dựa trên sự tương đồng trong cách thức tư duy và hành động của con người với tư cách bản chất loài; dựa vào sự dung hòa giữa các thế giới quan văn hóa và đặc biệt là dựa vào việc tôn trọng tất cả các nền văn hóa khác nhau và bình đẳng với nhau. Với giải pháp này, tất yếu diễn ra quá trình thay đổi, chuyển đổi và dần chấp nhận ở tất cả các thế giới quan và phương thức sống theo hướng tạo ra một thế giới quan văn hóa toàn cầu. Thế giới quan này dựa trên sự thống nhất trong sự đa dạng của tất cả các nền văn hóa, một sự thống nhất mà không loại trừ sự đa dạng của các nền văn hóa, các thế giới quan văn hóa khác.
Theo chúng tôi, quá trình toàn cầu hóa hiện nay phải được hiểu theo nghĩa này. Toàn cầu hóa không thể là phương Tây hóa hay Mỹ hóa. Toàn cầu hóa không thể dựa trên sự cưỡng bức hay sự áp đặt của một hay một số nền văn hóa đối với tất cả các nền văn hóa khác; không chấp nhận sự ngạo mạn của một nền văn hóa và sự rẻ rúng các nền văn hóa khác. Toàn cầu hóa chỉ có thể thực hiện được thông qua quá trình giao tiếp liên văn hóa, thông qua sự đối thoại đã được thể chế hóa giữa các nền văn hóa khác biệt nhau và bình đẳng với nhau, thông qua sự chắt lọc những giá trị nhân văn và tinh hoa được thể hiện trong tất cả các nền văn hóa hay các cộng đồng văn hóa. Muốn vậy, các đại biểu của mỗi nền văn hóa, mỗi cộng đồng văn hóa hay thế giới quan văn hóa phải học cách thức tư duy khách quan, đối xứng và phổ quát, chống lại cách thức tư duy chủ quan, phi đối xứng theo kiểu “lấy cái tôi làm trung tâm”; học cách trở thành công dân thế giới thông qua một nền giáo dục hướng đến xã hội công dân toàn cầu. Đương nhiên, việc thiết lập một thế giới quan văn hóa toàn cầu với tư cách nền tảng phổ quát cho khả năng nhận biết liên văn hóa là quá trình lâu dài, cực kỳ khó khăn và phức tạp. Quá trình này đòi hỏi nỗ lực và sự hợp tác của các đại diện của tất cả các thế giới quan văn hóa, bởi việc thiết lập một thế giới quan văn hóa toàn cầu hiểu theo nghĩa này không diễn ra một cách tự động.
L. Wittgenstein được coi là người đã đặt ra những vấn đề lý luận quan trọng cho sự giao tiếp liên văn hóa. Ông cũng được thừa nhận là một trong những người đầu tiên đã luận giải một cách cơ bản cách tiếp cận của triết học liên văn hóa đối với các nền văn hóa, các cộng đồng văn hóa khác nhau, thậm chí đối lập nhau, đồng thời chỉ ra những nguyên nhân và giải pháp khắc phục sự xung đột văn hóa và liên văn hóa. Ông đã có những đóng góp nhất định trong việc đưa ra một mô hình hiện thực, nhiều triển vọng để lý giải khả năng nhận biết liên văn hóa. Nhiều luận điểm của ông còn có giá trị và ý nghĩa đối với việc lý giải sự xung đột văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Có thể nói, L.Wittgenstein đã đặt cơ sở quan trọng cho triết học liên văn hóa đương đại.
Tuy nhiên, từ quan điểm mácxít, có thể nhận thấy những hạn chế chủ yếu trong quan niệm triết học của L.Wittgenstein về sự giao tiếp liên văn hóa. Đó là: thứ nhất, ông đã phân tích sự giao tiếp liên văn hóa, trong đó có cả sự xung đột văn hóa chỉ thuần tuý từ giác độ văn hóa, xã hội và liên văn hóa, chứ không xem xét nó trong mối quan hệ ràng buộc và không thể tách rời của các yếu tố căn bản khác, như kinh tế hay chính trị. ông dường như không chú ý một cách đúng mức tới các nguyên nhân khác có thể đứng đằng sau các vấn đề liên văn hóa, đặc biệt là đằng sau các cuộc xung đột văn hóa, như các lợi ích kinh tế, quyền lực chính trị hay những yêu sách về mặt lãnh thổ, v.v.. Thứ hai, ông đã đề cập đến khả năng tạo ra một thế giới quan toàn cầu hay một phương thức sống toàn cầu với tư cách cơ sở phổ quát để nhận biết chủ thể của tất cả các nền văn hóa, đến khả năng biến đổi và xích lại gần nhau của các thế giới quan văn hoá, các phương thức sống, song đã không thể phân tích một cách chi tiết và đầy đủ về cách thức biến đổi và cơ chế xích lại gần nhau của chúng để đạt tới một thế giới quan văn hóa toàn cầu. Việc khắc phục những hạn chế đó của L.Wittgenstein, theo chúng tôi, có thể mở ra những triển vọng mới cho sự giao tiếp liên văn hóa trong thời đại toàn cầu hóa, đặc biệt là cho phương thức giải quyết các tình huống xung đột nói chung, xung đột văn hóa nói riêng giữa các nền văn hóa khác nhau trên thế giới hoặc giữa các cộng đồng văn hóa trong một lãnh thổ, một quốc gia dân tộc.
(1) Xem: L.Wittgenstein. Những nghiên cứu về triết học. Trong L.Wittgenstetn. Tác phẩm, t.I phần II, XI. Frankfurt am Main, 1969, tr.534 – 536.
(2) Xem: Trò chơi đoán ý nghĩ (The game of thinking guess) trong bối cảnh liên văn hóa: L.Wittgenstein. Sđd., tr. 536; W.Luetterfelds. Nhận thức liên văn hóa theo quan niệm của Wittgenstein về trò chơi ngôn ngữ, thế giới quan và phương thức sống. Trong: W.Luetterfelds, A.Roser, R.Raatzsch, Wittgenstein – Niên giám năm 2000, Frankfurt am Main/ Berlin/ Bern/ Bruxelles/ New York/Oxford/Wien, 2001, tr. 16-19.
Xem thêm : Trẻ bao nhiêu tuổi có thể ăn cháo bào ngư?
(3)Trong Những nghiên cứu về triết học. phần II, X. tr 536, L.Wittgenstein viết: “Chúng ta nói về một người, rằng chúng ta có thể hiểu được người này. Nhưng, cái quan trọng đối với việc này là ở chỗ, một người có thể là một điều bí ẩn hoàn toàn đối với một người khác. Có thể nhận thấy: khi người ta đến một nước xa lạ với những truyền thống hoàn toàn xa lạ, kể cả khi người ta nắm được ngôn ngữ của nước này, thì người ta vẫn không thể hiểu được con người ở đây (không phải vì người ta không biết họ nói gì với nhau). Chúng ta không thể tìm thấy mình ở trong họ”.
(4) L.Wittgenstein viết: “Chúng ta không thể tìm thấy mình ở trong họ”. Xem: Sđd.. tr. 536.
(5) Xem: L.Wittgenstein. Bàn về xác tín. L.Wittgenstein. Tuyển tập, t.8. Frankfurt a. M., 1989. mục 108, 118, 132, 153, 157, 167, 203, 231, 239, 240, 255, 262, 264, 321, 332. 333, 609, v.v..
(6) Xem: E.List. Về vấn đề thật biết các liều văn hóa xa lạ. Trong: E.List (chủ biên): Wittgenstein và ảnh hưởng của nó đến triết học hiện nay, Tư liệu Hội thảo Quốc tế Wittgenstein lần thứ hai, 1977, Viên, 1980, tr. 471 – 474; W.Luetterfelds und Salehi, Djavid (Chủ biên). Chúng ta không thể tìm thấy mình ở trong họ. Những vấn đề thông hiểu và hợp tác liên văn hóa, Nghiên cứu Wittgenstein 3 (2001) – Frankfurt am Main, 2001, tr. 36-44.
(7) Xem: R.A.Mall và N.Schneider (Chủ biên). Đạo đức học và chính trị từ góc nhìn liên văn hóa (Những nghiên cứu dành cho triết học liên văn hóa). Amsterdam/Atlanta, 1996.
(8) Xem: L.Wittgenstein. Những nghiên cứu về triết học, phần II, X. Sđd., tr. 539, 542.
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on %s = human-readable time difference 21:22
Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem con số MAY MẮN giúp…
Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Rồng khôn, Hổ may mắn
Cảnh báo 4 con giáp đối mặt nguy cơ mất tiền, đừng vội đầu tư…
4 con giáp VƯỢT gai để lội ngược dòng xuất sắc cuối năm 2024, tiền…
Tuần mới (4 - 10/11) đón nhận may mắn, 3 con giáp mở mang tầm…
Cách giúp 12 con giáp cưỡi sóng vượt gió chinh phục đỉnh cao tháng 11/2024