1. Sáng thứ tư, lúc đang họp giao ban hằng tuần thì điện thoại tôi báo có cuộc gọi đến. Nhìn vào màn hình, tôi thấy đó là anh Nghĩa, bạn tôi. Ngắt cuộc gọi, tôi nhắn cho anh biết lát nữa họp xong, tôi sẽ liên lạc lại. Khoảng một phút sau, điện thoại tôi hiện lên dòng chữ: “Bà xã mình đang nằm ở Bệnh viện Hùng Vương vì xuất huyết bất thường. Ông quen ai nhờ gửi gắm giúp”.
Gần 11 giờ, tôi vào BV Hùng Vương. Lúc gặp bác sĩ Hiếu, tôi được biết chị Dung, 52 tuổi, đang trong giai đoạn mãn kinh. Vì muốn kéo dài tuổi “xuân”, đồng thời muốn làm giảm đi những triệu chứng khó chịu, chị lên mạng tìm mua một loại thực phẩm chức năng chiết xuất từ đậu nành có tên Estromineral về uống. Sau khoảng 3 tháng, bất ngờ chị bị rong kinh, kéo dài gần 10 ngày.
Bạn đang xem: Kéo dài tuổi xuân bằng nội tiết tố, cẩn thận "rước họa vào thân"
Mấy năm trước, trong một lần khám bệnh, siêu âm ở BV Đại học Y Dược, bác sĩ đã giải thích rằng tử cung của chị có nhiều nhân xơ nên anh chị quyết định không sinh thêm nữa. Theo chị Dung, cách đây 4 tháng, chị bắt đầu thấy xuất hiện một số triệu chứng như thỉnh thoảng mặt lại nóng bừng, nặng gáy, mờ mắt, khó ngủ, kinh nguyệt không đều, đêm đi tiểu nhiều lần. Lo sợ bị cao huyết áp, chị đến nhà một cô y tá hàng xóm nhờ đo hộ thì các chỉ số đều ổn định. Anh Nghĩa, chồng chị cho biết thêm: “Đôi lúc bả như đổi tính, hay nóng nảy, cáu gắt”.
Vào một trang mạng chuyên về bà mẹ, trẻ em, chị đặt câu hỏi và nhận được hàng chục câu trả lời của những người “tốt bụng”, nội dung đều cho rằng chị đang ở giai đoạn mãn kinh. Muốn hết những hiện tượng này, chị phải uống thêm nội tiết tố! Thậm chí, có người còn chỉ cho chị uống Estromineral vì: “Mình cũng đã từng bị như bạn. Uống khoảng 6 lọ, bây giờ mình trở lại bình thường”. Chị nói: “Ai dè bình thường đâu chưa thấy, chỉ thấy phải vào bệnh viện”. Bác sĩ Hiếu cho biết: “Do tự ý uống bổ sung thực phẩm chức năng có chứa nội tiết tố estrogen nên một số nhân xơ ở tử cung của chị tăng kích thước, dẫn đến tình trạng rong kinh nói trên”.
Chị Dung chỉ là một trong khá nhiều trường hợp mang họa vì tự ý uống thuốc hoặc sử dụng những loại thuốc, thực phẩm chức năng có chứa chất nội tiết tố nữ estrogen để làm giảm các hiện tượng khó chịu xảy ra khi mãn kinh. Một bác sĩ Khoa Nội tiết, BV Chợ Rẫy cho biết anh đã từng điều trị cho một phụ nữ 47 tuổi, bị tiểu đường do uống một loại thực phẩm chức năng có tên Lepidiumi – được quảng cáo là chiết xuất từ loại thảo dược quý mọc trên dãy núi Andes, Nam Mỹ, chuyên trị các triệu chứng tiền mãn kinh: “Theo lời bệnh nhân thì từ năm 45 tuổi, chị đã thấy xuất hiện một số những bất thường như nóng mặt, kinh nguyệt dây dưa, rối loạn giấc ngủ. Nghe theo lời truyền khẩu của bạn bè, chị mua về uống”.
Lo âu, trầm cảm khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh (ảnh minh họa).
Uống được một thời gian, tự nhiên chị ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng người lại gầy đi. Đến một hôm, chồng chị thấy chị nằm mê man, gọi không thưa, hỏi không nói nên vội vã đưa chị vào bệnh viện. Qua xét nghiệm, mới hay chị hôn mê do dường huyết lên quá cao. Được điều trị bằng các thuốc hạ đường huyết, đồng thời ngừng hẳn loại “thần dược chữa mãn kinh mọc trên núi Andes” nhưng cũng phải mất 2 tuần sau, sức khỏe chị mới ổn định.
Xem thêm : Tính chất, nhiệm vụ và mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc
2. Ở cơ thể phụ nữ có một chất nội tiết đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì vẻ đẹp và sinh lý tình dục. Đó là estrogen, do các tế bào hạt từ buồng trứng tiết ra. Nó giúp cho phụ nữ có hình thể mềm mại, làm tăng sinh các mô tuyến vú khiến vú nảy nở, kích thích mọc lông ở một số bộ phận. Cùng với một chất nội tiết khác là progesteron, nó quyết định việc rụng trứng, thụ thai, việc có kinh nguyệt hằng tháng…
Bước qua tuổi 40, lượng estrogen sản sinh ra mỗi ngày mỗi giảm dần rồi cuối cùng, buồng trứng ngừng rụng trứng vĩnh viễn, kinh nguyệt cũng chấm dứt. Khi ấy, người phụ nữ bắt đầu giai đoạn mãn kinh. Bác sĩ Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản Bệnh viện quận 3 TP Hồ Chí Minh nói: “Ở Việt Nam, ngoại trừ một số trường hợp bệnh lý như suy buồng trứng, phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng, hóa xạ trị vì bệnh ung thư… khiến hiện tượng mãn kinh xảy ra sớm hơn, còn thì độ tuổi mãn kinh của phụ nữ – tùy theo thể chất, chế độ dinh dưỡng và yếu tố di truyền – trung bình là khoảng 45 đến 55 tuổi, nhưng phổ biến nhất vẫn là 50 đến 52 tuổi”.
Thông thường, trước khi bước vào giai đoạn mãn kinh, người phụ nữ trải qua giai đoạn tiền mãn kinh với những hiện tượng nóng trong người, chu kỳ kinh nguyệt không ổn định. Giai đoạn này thường kéo dài từ 4 đến 5 năm hoặc lâu hơn. Họ vẫn có thể có thai nhưng tỉ lệ đậu thai thấp hơn so với người dưới 30 tuổi. Đến khi mãn kinh, cơ thể diễn ra một số biến đổi, mà cụ thể là tóc khô, dễ rụng, dễ gãy, da khô, nhám. Tuyến vú trở nên mềm nhão, giọng nói chuyển sang trầm, đục, lông ở chân, tay mọc nhiều hơn, chu kỳ kinh nguyệt có thể dừng đột ngột, hoặc dần dần ít đi hoặc nhiều hơn rồi ngưng hẳn. BS Hồng nói tiếp: “Bên cạnh đó, họ đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, tiểu gắt, hay bị những cơn “bốc hỏa”, rối loạn giấc ngủ, đổ mồ hôi trộm, âm hộ, âm đạo teo nhỏ khiến họ đau đớn khi quan hệ, ít hoặc không còn khả năng sinh đẻ…”.
Sau khi mãn kinh, người phụ nữ có thể mắc phải một số bệnh tim mạch, loãng xương, ung thư vú, tiểu không kiểm soát và nhất là béo phì vì rằng, khi cơ thể bị mất cân bằng nội tiết tố nữ, nó sẽ phản ứng lại bằng cách lưu trữ chất béo, đặc biệt là xung quanh eo, hông, và đùi. Về mặt tâm lý, họ thường có những biến đổi về tính khí, chẳng hạn dễ nóng giận, cáu gắt, dễ mất cân bằng, buồn chán, lo âu, thất vọng hoặc rơi vào trạng thái trầm cảm nếu cuộc sống xảy ra những biến cố như người thân qua đời, mất việc làm, kinh tế suy sụp. Chị Dung nói: “Lúc ấy, ngoài việc xuống cấp nhan sắc, thể hình, điều tôi lo lắng nhất là mình không còn sự ham muốn nên tôi sợ nếu không tìm cách phục hồi thì biết đâu chồng tôi sẽ… chán cơm, thèm phở”.
Chính vì thế, nhiều người thay vì đến bác sĩ chuyên khoa để có sự tư vấn chính xác, hợp lý thì họ lại vội vã rước về những loại thuốc, những loại thực phẩm chức năng với lời quảng cáo “không chê vào đâu được”. Chị Hồng, thuở thiếu thời cuộc sống rất vất vả, dinh dưỡng kém nên mới 42 tuổi mà chị đã có dấu hiệu tiền mãn kinh. Chị nói: “Khi kinh tế khá lên, có của ăn của để thì cũng là lúc tôi thấy mình trở thành một người khác. Người tôi… phì ra, mà toàn phì ở những chỗ không đáng phì. Tôi hay buồn bực vô cớ, còn cái “chuyện kia”, tôi chẳng thấy hứng thú gì nữa, trong lúc ông xã tôi lại rất “sung”!”.
Nghe lời giới thiệu của bạn bè, chị mua một lô một lốc những loại thực phẩm chức năng như Black Cohosh (cây thăng ma) với lời quảng cáo “hiệu quả tương tự như chất nội tiết nữ estrogen”, hoặc Soy Isoflavones (chiết xuất từ đậu nành): “Uống phòng ngừa sẽ giúp kéo dài thời gian có kinh nguyệt, da dẻ đẹp hơn, không sợ teo mông, teo ngực, mà còn hạn chế được nhiều bệnh tật”, rồi lại còn EPO Evening Primrose Oil (tinh dầu hoa Anh Thảo) với tác dụng “cân bằng nội tiết tố nữ, giảm các triệu chứng khó chịu thời kỳ tiền mãn kinh, trị huyết áp cao, cholesteron cao, trị Parkinson (bệnh liệt rung)” nữa chứ! Mà những loại này đâu có rẻ. Có hộp chỉ 60 viên nhưng giá lên tới 4 triệu đồng.
Thế nhưng, chỉ một thời gian, chị phải vào bệnh viện cấp cứu mà nguyên nhân là chứng huyết khối. Theo các bác sĩ đã trực tiếp điều trị cho chị Hồng thì trước kia, vì phải khuân vác nặng (chị làm công nhân trong một lò gạch) nên chị mắc bệnh suy tĩnh mạch chân: “Do uống những loại thực phẩm chức năng kể trên nên ở tĩnh mạch sâu của chi dưới đã hình thành một cục huyết khối. May mà chúng tôi phát hiện kịp chứ nếu không, cục huyết khối ấy hoặc một mảnh của nó bong ra, đi vào phổi, gây thuyên tắc phổi thì tử vong là cái chắc” – BS Lâm, chuyên khoa tim mạch nói.
Xem thêm : Các món ăn ngon từ thịt lợn mán không nên bỏ qua tại Pao Quán
Có thể nói, khá nhiều phụ nữ – nhất là những phụ nữ có học vấn cao, kinh tế ổn định – khi bước vào giai đoạn mãn kinh đều có cảm giác bất an về hình thể cũng như khả năng tình dục. Eo, mông, bụng, đùi béo ra nhưng ngực lại nhỏ đi khiến họ lo âu vì mất khả năng hấp dẫn với chồng. Bên cạnh đó, sự giảm ham muốn chăn gối đã thúc đẩy họ phải tìm một phương cách nào đó nhằm kéo dài tuổi xuân. Chị Tâm, 54 tuổi, mặc dù đã mãn kinh hơn 2 năm nhưng vì không chịu… già nên nghe lời “tư vấn” của mấy bà bạn, chị ra tiệm thuốc tây mua viên estrogen về uống. Tại tiệm thuốc, cô nhân viên chẳng biết trình độ cỡ nào, lại xui chị rằng “muốn có kết quả, chị nên phối hợp giữa estrogen và chất nội tiết progestin”.
Vài tháng đầu, chị thấy hiệu quả rất rõ rệt: Những cơn “bốc hỏa” biến mất, ít đi tiểu đêm, ngủ ngon giấc, còn cái “khoản kia” thì rõ ràng sung mãn hơn hẳn! Thế nhưng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, một cơn nhồi máu cơ tim tí nữa thì giết chết chị nếu chồng chị không kịp đưa chị vào BV 115. Sau khi thoát khỏi cơn nguy kịch, chị lại điếng người lúc nghe bác sĩ thông báo rằng, tuyến vú bên phải của chị có một khối u bất thường, hiện đang chờ kết quả sinh thiết nhưng nhiều khả năng là ung thư vú mà nguyên nhân chính có thể do hai chất nội tiết kia
3. “Mãn kinh ở phụ nữ là quy luật tự nhiên của tạo hóa nên đừng cố cưỡng lại… mệnh trời!” – BS Hồng nói – “Đã có nhiều nghiên cứu nhằm giảm thiểu tối đa những triệu chứng gây khó chịu cho người phụ nữ khi bước vào giai đoạn này”, và một trong những cách phổ biến nhất là cho phụ nữ sử dụng chất nội tiết tố estrogen với liều lượng cực nhỏ.
“Nhưng ứng dụng ấy lại là con dao hai lưỡi” – BS Hồng nói tiếp: “Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của việc sử dụng chất nội tiết estrogen đã được ghi nhận, chẳng hạn như làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tử cung, tạo ra huyết khối, nhồi máu cơ tim, nhức đầu, đau vú, nôn, rụng tóc, chảy máu âm đạo bất thường…”. Ở Mỹ, Tổ chức hành động vì sức khỏe phụ nữ (The Women’s Health Initiative) với sự giúp đỡ của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ (National Institute of Health) đã tiến hành thực hiện hai công trình nghiên cứu lớn – gọi là liệu pháp nội tiết tố thay thế – nhằm đánh giá việc sử dụng phối hợp estrogen và progestin để ngừa bệnh tim mạch và chứng suy giảm trí nhớ ở phụ nữ tuổi mãn kinh. Thế nhưng, kết quả lại không như mong đợi, hai chất nội tiết ấy lại làm gia tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, huyết khối, ung thư vú và không ngăn ngừa được sự sút giảm trí nhớ, mà trái lại, nó làm tăng nguy cơ mất trí nhớ ở phụ nữ trên 65 tuổi.
Một biến chứng nữa cũng không kém phần nguy hiểm khi tự ý sử dụng chất nội tiết tố estrogen – cho dù dưới dạng thực phẩm chức năng – là bệnh tiểu đường. Khá nhiều những nghiên cứu đã cho thấy, rõ ràng có mối liên hệ giữa việc sử dụng estrogen và bệnh tiểu đường trong lúc việc điều trị các hiện tượng khó chịu xảy ra trong giai đoạn mãn kinh lại không bao giờ ngắn hạn, mà thường kéo dài nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. BS Hồng nói: “Cách tốt nhất là chế độ ăn uống sao cho có đủ các vitamin A, D, E, C và vitamin nhóm B, các khoáng chất như can xi, kali, magiê, các nguyên tố vi lượng như sắt, phốt-pho, mangan, kẽm, côban, selen, silicium…. Những chất này có nhiều trong các cây họ đậu, gạo mầm, rau, củ, quả, cá biển và trong các vị thuốc Đông y như cây ích mẫu, đương quy, đồng thời kết hợp với một hoặc vài phương pháp thể dục, thể thao nào đó. Nó sẽ giúp cho người phụ nữ cân bằng nội tiết tố một cách tự nhiên”.
Như vậy, việc bổ sung estrogen là không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn và phải được sự chỉ định của bác sĩ. Chưa kể trước khi sử dụng, cần phải kiểm tra y tế để phát hiện sớm bệnh tiểu đường, nhồi máu cơ tim, huyết khối nếu có. Đừng nghe lời đồn đại rằng estrogen là “thần dược” giúp trẻ mãi không già rồi tự ý mua về uống, tiêm, một cách tùy tiện…
Nguồn: https://luatduonggia.edu.vn
Danh mục: Tổng hợp
This post was last modified on 28/02/2024 14:14
Con số may mắn hôm nay 20/11/2024 theo năm sinh Chuẩn số VÀNG, dễ gặp…
Tử vi thứ Tư ngày 20/11/2024 của 12 con giáp: Hổ nóng nảy, Mão tự…
Thần Tài ban LỘC trong nháy mắt: 4 con giáp GIÀU nhanh chóng cuối năm…
Top 4 cung hoàng đạo thích làm chủ luôn có tham vọng mở công ty…
Số phận người sinh năm Mão theo cung hoàng đạo: Bạn có thành công không?
Thần Tài mở kho: 4 tuần tới mọi điều ước sẽ thành hiện thực, 4…