Categories: Tổng hợp

Quyền dân tộc tự quyết (Self-determination)

Published by

Tác giả: Trần Nam Tiến

Quyền dân tộc tự quyết là quyền của mỗi dân tộc trong việc thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của mình trên cơ sở chủ quyền quốc gia. Kể từ khi thuật ngữ này ra đời vào nửa cuối thế kỷ 18 cho đến nay, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết đã mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Cuộc Cách mạng tư sản Pháp (1789-1799) đã tuyên bố nguyên tắc quyền tự quyết như là việc cấm thôn tính lãnh thổ hoặc thay đổi lãnh thổ mà không xét đến nguyện vọng của dân cư có liên quan, vừa là tiêu chí để hợp thức hóa các chính phủ một cách dân chủ.

Năm 1917, nguyên tắc này lại được đề cập bởi hai nhân vật đối lập nhau. Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson coi nguyên tắc này trước hết là một tiêu chí để giải thể các đế quốc bại trận vào cuối cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (Áo – Hung, Đức và Ottoman). Trong khi đó, Vladimir Ilyich Lenin – lãnh tụ cuộc Cách mạng tháng Mười Nga 1917, coi nguyên tắt này về cơ bản là nguyên tắc chống lại chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa đế quốc được mặc nhiên công nhận. Nguyên tắc này chính thức được cộng đồng quốc tế thừa nhận trong giai đoạn mà quá trình phi thực dân hóa đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, qua đó thể hiện vai trò của Liên Hiệp Quốc trong quá trình đấu tranh cho quyền của các dân tộc.

Về phương diện pháp lý, chủ quyền dân tộc là quyền tự quyết định vận mệnh của dân tộc đó trong đời sống quốc tế, thể hiện ở tổng thể các quyền thiêng liêng và bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc, được ghi nhận lại tại các văn bản pháp luật quốc gia và quốc tế.

Dưới thời kỳ phát triển của chủ nghĩa tư bản, nhất là trong giai đoạn cách mạng dân chủ tư sản, quyền dân tộc tự quyết là yêu cầu bảo đảm quyền bình đẳng của các dân tộc, dân chủ hoá đất nước. Sau khi cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi, quyền dân tộc tự quyết là yêu cầu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là yêu cầu giải quyết vấn đề dân tộc trên lập trường giai cấp công nhân. Trong thời kỳ thiết lập chủ nghĩa tư bản, quyền tự quyết của các dân tộc có khuynh hướng chống phong kiến. Trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nó có khuynh hướng chống chủ nghĩa tư bản. Cho nên trong thời kỳ hiện nay, vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp không tách rời nhau.

Trong lịch sử quan hệ quốc tế, quyền dân tộc tự quyết được hiểu theo nghĩa là việc một dân tộc hoàn toàn tự do trong việc tiến hành cuộc đấu tranh giành độc lập cũng như lựa chọn thể chế chính trị, đường lối phát triển đất nước. Như vậy, quyền dân tộc tự quyết là một trong những nội dung quan trọng của quyền dân tộc cơ bản trong điều kiện quan hệ quốc tế hiện nay. Tôn trọng quyền dân tộc tự quyết trở thành nguyên tắc pháp lý quốc tế, được ghi nhận trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc và nhiều văn bản quốc tế quan trọng khác.

Cụ thể, nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết được thể hiện trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc với tư cách là một trong những mục đích hoạt động của tổ chức này với nội dung: “phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”.

Trong điều 55 của Hiến chương, nguyên tắc dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Như vậy, quan hệ giữa các dân tộc được xác định trong Hiến chương chính là quan hệ giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền, trong đó các dân tộc bình đẳng và mỗi dân tộc đều có quyền tự định đoạt vận mệnh của mình.

Bằng Nghị quyết số 1514 (XV) ngày 14-12-1960, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Tuyên bố về “Trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa”, Điều 2 Nghị quyết đã chỉ rõ rằng: “tất cả các dân tộc đề có quyền tự quyết, trong đó có quyền thiết lập chế độ chính trị và thực hiện sự phát triển kinh tế – xã hội và văn hóa của mình”.

Trong Tuyên bố năm 1970 về Các nguyên tắc của luật quốc tế, Liên Hiệp Quốc cũng đã khẳng định: “Việc thiết lập một nhà nước độc lập có chủ quyền hay tự do gia nhập vào nhà nước độc lập khác hoặc liên kết với quốc gia đó, cũng như việc thiết lập bất cứ chế độ chính trị nào do nhân dân tự do quyết định là các hình thức thể hiện quyền dân tộc tự quyết”, và “Mỗi quốc gia đều có nghĩa vụ tôn trọng quyền này, phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc”.

Trên cơ sở đó, quyền dân tộc tự quyết bao hàm các nội dung chính sau:

  • Quyền của mỗi dân tộc trong việc thành lập nhà nước độc lập; tự do tách ra khỏi một quốc gia nhiều dân tộc để thành lập quốc gia độc lập của mình; hoặc tự nguyện nhập vào một quốc gia nhiều dân tộc để thành lập liên bang trên cơ sở giữ chủ quyền dân tộc của mình;
  • Tự lựa chọn cho mình chế độ chính trị, kinh tế, xã hội phù hợp;
  • Tự giải quyết các vấn đề đối nội không có sự can thiệp từ bên ngoài;
  • Quyền của các dân tộc phụ thuộc và thuộc địa tiến hành đấu tranh, kể cả đấu tranh vũ trang để giành độc lập và nhận sự giúp đỡ và ủng hộ từ bên ngoài, kể cả giúp đỡ về quân sự;
  • Tự lựa chọn con đường phát triển phù hợp với truyền thống lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, điều kiện địa lý…

Tuy nhiên, thời kỳ sau Chiến tranh Lạnh ở một số quốc gia thường có hiện tượng các dân tộc thiểu số muốn tách ra thành lập quốc gia riêng với khẩu hiệu “quyền dân tộc tự quyết” như các trường hợp ở Nam Tư cũ, Liên bang Nga, Indonesia, Philippines và đặc biệt là tại một số nước châu Phi như Kenya, Ethiopia, Sudan…. Việc đòi quyền tự quyết đã dẫn đến tình trạng phức tạp trong tình hình đối nội ở các quốc gia này. Có những nơi xung đột vũ trang nội bộ đã diễn ra, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, trật tự và an ninh thế giới. Từ thực tế đó, quyền dân tộc tự quyết không có nghĩa là các dân tộc thiểu số trong từng quốc gia có quyền tự quyết định vận mệnh của mình, trong đó có quyền thành lập nhà nước độc lập.

Thường thì trong mỗi quốc gia có nhiều dân tộc khác nhau cùng sinh sống, trong đó có dân tộc đông người nhất và các dân tộc còn lại được coi là thiểu số. Tất cả các dân tộc này cùng hợp thành một dân tộc chung nhất, đồng nghĩa với nhân dân và mang tên gọi của đất nước mình. Chỉ có những dân tộc theo nghĩa nhân dân, quốc gia mới có quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Quyền dân tộc tự quyết chỉ thuộc về nhân dân theo nghĩa là tất cả dân cư thường xuyên sinh sống trên lãnh thổ của một quốc gia nhất định – chủ thể luật quốc tế. Quan điểm này phù hợp với Hiến chương, các văn kiện của Liên Hiệp Quốc và thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

This post was last modified on %s = human-readable time difference 20:05

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem số MAY MẮN giúp bạn ĐÓN LỘC

Con số may mắn hôm nay 3/11/2024 theo tuổi: Xem con số MAY MẮN giúp…

9 giờ ago

Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Thìn khôn ngoan, Dần may mắn

Tử vi Chủ nhật ngày 3/11/2024 của 12 con giáp: Rồng khôn, Hổ may mắn

9 giờ ago

Cảnh báo 4 con giáp đối diện với nguy cơ mất tiền hao của, tháng 11/2024 chớ vội đầu tư

Cảnh báo 4 con giáp đối mặt nguy cơ mất tiền, đừng vội đầu tư…

11 giờ ago

4 con giáp VƯỢT chông gai để LỘI NGƯỢC dòng xuất sắc cuối năm 2024, TIỀN của tràn vào nhà

4 con giáp VƯỢT gai để lội ngược dòng xuất sắc cuối năm 2024, tiền…

12 giờ ago

Tuần mới (4 – 10/11) ôm trọn may mắn, 3 con giáp mở mày mở mặt khi thăng hoa vượt kỳ vọng

Tuần mới (4 - 10/11) đón nhận may mắn, 3 con giáp mở mang tầm…

17 giờ ago

Cách giúp 12 con giáp đạp gió rẽ sóng, chinh phục đỉnh cao trong tháng 11/2024

Cách giúp 12 con giáp cưỡi sóng vượt gió chinh phục đỉnh cao tháng 11/2024

17 giờ ago