Categories: Tổng hợp

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC ĐƯƠNG ĐẠI (Phần 2)

Published by

17/01/2019

CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN CHỨC NĂNG CỦA NHÀ NƯỚC ĐƯƠNG ĐẠI (Phần 2)

Nguyễn Thị Thu Na

Bản chất nhà nước quy định chức năng nhà nước, nhưng thức tế còn có những yếu tố khác tác động đến chức năng nhà nước. Những yếu tố làm cho chức năng của nhà nước đương đại trở nên đa dạng, phức tạp tạo ra những sắc thái riêng của mội nhà nước cụ thể là những yếu tố khách quan, yếu tố chủ quan, yếu tố lịch sử, yếu tố thời đại, yếu tố nội sinh, yếu tố ngoại sinh,..nhưng có những yếu tố diển hình tác động trực tiếp đến chức năng, để lại dấu ấn đậm nét trong các lĩnh vực hoạt động của các nhà nước.

2.1. Các yếu tố bên trong:

2.1.1 Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, kinh tế trong xã hội – Lực lượng sản xuất:

Lực lượng sản xuất là toàn bộ những năng lực sản xuất của xã hội ở các thời kỳ nhất định. Về mặt cấu trúc, lực lượng sản xuất xã hội bao gồm hệ thống những tư liệu sản xuất mà người ta dùng cho sản xuất, trong đó quan trọng nhất là công cụ lao động. Trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế là những nhân tố ảnh không nhỏ đến chức năng nhà nước. Mỗi bước phát triển của đời sống kinh tế lại đặt ra yêu cầu mới có tính xác định cụ thể với bộ máy nhà nước. Từ đó, chức năng nhà nước cũng có sự biến đổi, đòi hỏi cần phải có nhận thức mới đầy đủ hơn về nó.

Ví dụ, ở Việt Nam, lực lượng sản xuất ngày càng phát triển, trình độ lao động ngày càng tăng, dẫn đến số lượng sản phẩm càng nhiều, nền kinh tế đi lên để phù hợp với lực lượng sản xuất, đòi hỏi Nhà nước phải có các chính sách, chủ trương, cơ chế mới để đảm bảo cho nền kinh tế phát triển đúng với giai đoạn hiện tại.

Chức năng kinh tế là một trong những chức năng quan trọng nhất của nhà nước và được hiểu là những phương diện hoạt động chủ yếu của nhà nước trong tổ chức, điều tiết và quản lý nền kinh tế nhằm đảm bảo đáp ứng nhu cầu vật chất của người dân, nhà nước và của toàn xã hội.

Tổ chức, điều tiết, quản lý kinh tế là nhiệm vụ xuyên suốt của nhà nước trong mọi thời kỳ phát triển của lịch sử. Dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau, như: bản chất nhà nước, ý chí của giai cấp thống trị, điều kiện cơ sở hạ tầng, điều kiện tự nhiên, trình độ nhận thức… các hình thức, phương thức thực hiện, mục đích thực hiện chức năng kinh tế của nhà nước có thể khác nhau. Nhưng, ngay từ khi ra đời cho đến nay, sự tham gia của nhà nước vào các hoạt động kinh tế luôn có tính tất yếu, khách quan. Không thể có một nhà nước tồn tại tách biệt khỏi điều kiện cơ sở vật chất của xã hội. Cũng không thể có một xã hội có sự quản lý của nhà nước mà nền kinh tế lại đặt ra ngoài hoạt động của nhà nước. Ngay từ những bộ cổ luật đầu tiên của thế giới nhân loại đã biết đến các hình thức hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng ruộng đất, những quy định về thừa kế, quyền sở hữu nô lệ, quyền sở hữu ruộng đất của chủ nô cũng như của các giai cấp thống trị trong việc bảo vệ tư liệu sản xuất, tài sản của mình. Còn ở các nhà nước hiện đại, không thể thiếu những quy định của pháp luật về thị trường tài chính, về tổ chức và hoạt động của các loại hình doanh nghiệp, về hoạt động thương mại, về đăng ký, thành lập doanh nghiệp…

Trong lịch sử cũng đã tồn tại quan điểm cho rằng, sự tham gia của nhà nước vào nền kinh tế là không cần thiết. Theo thuyết “Bàn tay vô hình”, sẽ tốt hơn nếu thị trường tự quyết định, tự điều chỉnh theo chính nhu cầu vốn có của nó mà không cần có sự can thiệp của nhà nước. Nhưng, thực tế lịch sử cho thấy, thiếu sự điều tiết của nhà nước nền kinh tế dễ bị tổn thương như thế nào. Nhưng ngay cả khi áp dụng lý thuyết này, nhà nước vẫn không đứng ngoài cuộc. Vai trò điều tiết của nhà nước lúc này là thông qua những quy định pháp lý về sự tự do hóa nền kinh tế, mở cửa thị trường, những quy định về các loại hình công ty, thương hội

2.1.2. Cơ cấu – phân tầng xã hội, mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trong xã hội

Yếu tố này xuất phát từ sự ảnh hưởng của bản chất Nhà nước (tính xã hội) đến chức năng nhà nước và ảnh hưởng lớn đến chức năng Nhà nước. Cơ cấu phân tầng của xã hội càng phức tạp, tức xã hội càng nhiều giai cấp, thì nhà nước càng cần phát triển các chức năng để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Mối quan hệ giữa các nhóm lợi ích trong xã hội về kinh tế chính trị, xã hội…là cơ sở để nhà nước phát triển các chức năng của mình nhằm đảm bảo tính giai cấp và tính xã hội của Nhà nước.

Khi nghiên cứu nguồn gốc Nhà nước ta thấy rằng nhà nước xuất hiện do 2 nguyên nhân: nguyên nhân kinh tế (sự xuất hiện chế độ tư hữu) và nguyên nhân xã hội (sự xuất hiện của giai cấp và mâu thuẫn giai cấp). Căn cứ vào đó có thể thấy bản chất nhà nước được thể hiện ở hai mặt, đó là tính giai cấp của nhà nước và vai trò xã hội.

Trong xã hội có giai cấp, sự thống trị của giai cấp này đối với giai cấp khác đều thể hiện dưới ba loại quyền lực là quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế và quyền lực tư tưởng. Trong đó, quyền lực kinh tế giữ vai trò quyết định, là cơ sở để bảo đảm cho sự thống trị giai cấp. Quyền lực kinh tế co ý nghĩa quan trọng vì nó tạo ra cho người chủ sở hữu khả năng có thể bắt những người bị bóc lột phải phụ thuộc về mặt kinh tế. Nhưng bản thân quyền lực kinh tế không thể duy trì được các quan hệ bóc lột. VÌ vậy, cần phải có nhà nước, một bộ máy cưỡng chế đặc biệt để củng cố quyền lực của giai cấp thống trị về kinh tế và để đàn áp sự phản kháng của các giai cấp bị bóc lột. Nhờ có nhà nước, giai cấp thống trị về kinh tế trở thành giai cấp thống trị về chính trị. Nói cách khác, giai cấp thống trị đó trở thành chủ thể của quyền lực kinh tế và quyền lực chính trị.

Tính giai cấp là mặt cơ bản thể hiện bản chất của nhà nước. Tuy nhiên, với tư cách là bộ máy thực thi quyền lực công cộng nhằm duy trì trật tự và sự ổn định của xã hội, nhà nước còn thể hiện rõ nét tính xã hội của nó. Trong bất kỳ nhà nước nào, bên cạnh việc bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, nhà nước cũng phải chú ý đến lợi ích chung của xã hội, giải quyết những vấn đề mà đời sống xã hội đặt ra. Chẳng hạn: bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng và thực hiện hệ thống an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, chống thiên tai, dịch bệnh…

Nhà nước là một tổ chức đặc biệt của quyền lực chính trị, một bộ máy chuyên làm nhiệm vụ cưỡng chế và thực hiện các chức năng quản lý đặc biệt nhằm duy trì trật tự xã hội, thực hiện mục đích bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội.

So với các tổ chức khác trong xã hội có giai cấp, nhà nước có một số đặc điểm riêng sau đây:

+ Nhà nước thiết lập một quyền lực công đặc biệt không hòa nhập với dân cư

Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, quyền lực chưa tách khỏi xã hội mà gắn liền với xã hội, hòa nhập với xã hội chưa có giai cấp nên chưa có nhà nước. Quyền lực đó do toàn xã hội tổ chức ra, chưa mang tính giai cấp, phục vụ lợi ích chung của cả cộng đồng.

Khi xuất hiện nhà nước, quyền lực công cộng đặc biệt được thiết lập. Chủ thể của quyền lực này là giai cấp thống trị. Để thực hiện quyền lực này, nhà nước hình thành một bộ máy cưỡng chế để duy trì địa vị và bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, bắt các giai cấp khác phải phục vụ ý chí của giai cấp thống trị. Như vậy, quyền lực công cộng đặc biệt này đã tách khỏi xã hội, mang tính giai cấp sâu sắc và chỉ phục vụ cho lợi ích của giai cấp thống trị.

Công cuộc đổi mới đất nước, sự phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế tạo ra những tiền đề và đòi hỏi đổi mới, tăng cường phân cấp quản lý giữa trung ương và địa phương, nhằm phát huy mạnh mẽ tính năng động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương các cấp trong quản lý, điều hành các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

Ví dụ, nhà nước chủ nô tồn tại hai giai cấp cơ bản là chủ nô và nô lệ với mâu thuẫn giai cấp hết sức gay gắt nên một trong các chức năng nhà nước là duy trì sự thống của giai cấp chủ nô đối với giai cấp nô lệ. Đến Nhà nước xã hội chủ nghĩa không còn sự bóc lột giữa các giai cấp. Chức năng nhà nước là thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện công bằng xã hội, giải quyết hài hòa các lợi ích giữa nhà nước, cá nhân và cộng đồng.

2.1.3. Trình độ và trách nhiệm của các nhà chính trị, bộ máy nhà nước

Trình độ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng phán đoán và phương pháp giải quyết công việc. Trách nhiệm ảnh hưởng đến tính thần, ý thức làm việc,…của chủ thể. Trình độ và trách nhiệm có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Có trình độ giúp các nhà chính trị nhận thức và hiểu rõ hơn trách nhiệm của mình. Ngược lại trách nhiệm giúp nâng cao tinh thần tự giác học tập, rèn luyện để phát triển trìnhđộ, qua đó thực hiện công việc đặt ra nhanh chóng và đạt hiệu quả cao hơn. Hiện nay trong bộ máy nước Việt Nam còn tồn tại một bộ phận cán bộ nhà nước có trình độ hiểu biết kém, vô trách nhiệm…đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, khả năng thực hiện chức năng của nhà nước.

Hoạt động của bộ máy công chức có ý nghĩa quyết định đến kết quả bộ máy nhà nước. Trong thời gian tiếp theo, cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với từng loại công chức giúp công chức có khả năng nắm vững các kiến thức chính trị, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, kiến thức hành chính, pháp luật, ngoại ngữ, tin học…đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa, hội nhập quốc tế.

2.1.4. Lịch sử phát triển toàn dân tộc, truyền thống – văn hóa- tư tưởng

Mỗi nhà nước có một lịch sử ra đời và phát triển riêng dẫn đến việc có những chức năng khác nhau, phù hợp với nó. Ví dụ, ở kiểu Nhà nước chủ nô, đểbảo vệ quyền lợi về tư liệu sản xuất cũng như địa vị của chủ nô, ngăn cản sự nổi dậy của nô lệ …Nhà nước phải có chức năng trấn áp sự phản kháng của nô lệ và các tầng lớp nhân dân lao động bằng quân sự. Đến kiểu Nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa ra đời, do thực hiện mục tiêu tất cả quyền lực thuộc về tay nhân dân, chức năng bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và con người ra đời và được thể hiện trong Hiến pháp. Các yếu tố truyền thống – văn hóa – tư tưởng là nguồn gốc của một số chức năng nhà nước nhất định.

Ví dụ, ở Trung Quốc vua là thiên tử, có trách nhiệm “thế thiên hành đạo”, dân chúng luôn hết lòng phục vụ vua, coi vua là trung tâm. Điều này rất phù hợp với ý chí của giai cấp thống trị, dẫn đến việc duy trì sự thống trị về tư tưởng đối với quần chúng trở thành một chức năng của kiểu Nhà nước phong kiến, giúp Nhà nước quản lý và điều khiển quần chúng rất hiệu quả.

2.2. Yếu tố bên ngoài

Quyền con người, dân chủ hóa và toàn cầu hóa cũng ảnh hưởng rất lớn đến nhiều chức năng nhà nước.

Dựa trên việc thừa nhận quyền con người và xem xét nó trên mọi phương diện, các quốc gia xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế để đảm bảo cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Quá trình dân chủ hóa quốc gia diễn ra đòi hỏi các quốc gia phải có những chính sách, quy định đảm bảo sự công bằng, bình đẳng giữa những người dân,phát huy quyền làm chủ của người dân… Trong thời đại ngày nay, khi toàn cầu hóa đã trở thành xu thế, sự hợp tác giữa các nước được thúc đẩy, các quá trình trao đổi, hợp tác kinh tế,tài chính,thương mại… giữa các quốc gia trở nên tích cực hơn,các nước chủ động và tích cực tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Quyền con người, dân chủ hóa và toàn cầu hóa góp phần đẩy mạnh sự thực hiện và phát triển toàn diện của các chức năng Nhà nước như: chính trị, kinh tế, đối ngoại…

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay, nước nào đứng ngoài xu thế này sẽ khó có thể phát triển được. Đối với những nước đang phát triển, nghèo nàn, lạc hậu thì hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa là một cơ hội tốt để thu hút nguồn vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ tiên tiến, học hỏi trình độ quản lý hiện đại,… nhằm phát triển kinh tế – xã hội. Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, Đảng ta chủ trương chủ động tham gia vào quá trình này.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa hiện nay là hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường, mà kinh tế thị trường với nhiều thành phần kinh tế tất yếu dẫn tới nhiều thành phần xã hội, tức cơ cấu giai tầng trong kinh tế thị trường sẽ đa dạng và phong phú hơn. Đa dạng về thành phần xã hội tất sẽ đa dạng về lợi ích và nhu cầu. Đáp ứng những nhu cầu, lợi ích chính đáng và đa dạng của các thành phần trong xã hội thuộc về chức năng xã hội của nhà nước.

Hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, bên cạnh những mặt tích cực cũng đã nảy sinh những vấn đề xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải cấp bách giải quyết như: nạn thất nghiệp, cạnh tranh không lành mạnh gây thiệt hại cho người sản xuất kinh doanh chân chính; các tệ nạn xã hội, tội phạm mang tính quốc tế gia tăng, ảnh hưởng môi trường xã hội; do điều kiện địa lý, các vùng sâu, vùng xa có nguy cơ tụt hậu vì không thu hút được đầu tư; do lợi nhuận chi phối nên những nhóm ngành nghề rất cần cho xã hội nhưng lợi nhuận thấp dễ bị bỏ rơi,v.v.. Những vấn đề đó đang đòi hỏi Nhà nước phải nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng xã hội.

This post was last modified on 01/04/2024 22:51

Published by

Bài đăng mới nhất

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN lộc từ số hợp mệnh

Con số may mắn hôm nay 23/11/2024 theo năm sinh: Nhặt TIỀN từ con số…

5 giờ ago

Tử vi thứ 7 ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Thìn muộn phiền, Dậu có xung đột

Tử vi thứ bảy ngày 23/11/2024 của 12 con giáp: Tuổi Thìn chán nản, tuổi…

5 giờ ago

4 con giáp vận trình xuống dốc, cuối tuần này (23-24/11) làm gì cũng xui, nguy cơ thất bại

Vận may của 4 con giáp đang ngày càng xuống dốc. Cuối tuần này (23-24/11),…

9 giờ ago

Số cuối ngày sinh dự báo người GIÀU PHƯỚC, trường thọ khỏe mạnh, trung niên PHẤT lên mạnh mẽ

Con số cuối cùng trong ngày sinh dự đoán con người sẽ GIÀU CÓ, sống…

14 giờ ago

Cuối tuần này (23-24/11) cát tinh ban lộc, 4 con giáp may mắn ngập tràn, thành công ngoài mong đợi

Cuối tuần này (23-24/11), 4 con giáp sẽ gặp nhiều may mắn và thành công…

14 giờ ago

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

Tử vi hôm nay – Top 3 con giáp thịnh vượng nhất ngày 22/11/2024

15 giờ ago