Tại sao ăn dứa lại rát lưỡi? Ăn dứa bị rát lưỡi có sao không?

Video ăn dứa rát lưỡi phải làm sao

“Tại sao ăn dứa lại rát lưỡi?” – câu hỏi được nhiều người đặt ra khi ăn phải món ăn này. Dứa thường được dùng làm món tráng miệng như những loại trái cây khác, dù rất ngon nhưng lại làm lưỡi rát khó chịu, ảnh hưởng đến vị giác. Vậy nguyên nhân do đâu và làm sao để giải quyết?

Tại sao ăn dứa bị rát lưỡi?

Phần khiến chúng ta bị rát lưỡi trong dứa chính là lõi. Tuy nhiên lõi lại chứa nhiều vitamin và còn rất nhiều công dụng như: điều trị rối loạn tiêu hoá, tăng hiệu quả khi sử dụng thuốc an thần, kháng sinh, điều trị hen hay chống co giật và làm giảm di căn của bệnh nguy hiểm như ung thư.

Tuy nhiên, cả thịt dứa và nhất là phần lõi đều có chất bromelain – hỗn hợp của các enzym tiêu hoá, có lợi ích trong việc điều trị chống viêm. Nhưng khi lưỡi (vùng nhạy cảm) tiếp xúc trực tiếp lại khiến protein của chất này bị phá vỡ, gây xót, rát thậm chí là tưa lưỡi. Nhưng bạn đừng quá lo lắng, đây chỉ là cảm giác thông thường không có hại cho cơ thể và sẽ biến mất nhanh chóng.

Ăn dứa bị rát lưỡi có sao không?

Trong hầu hết mọi trường hợp tình trạng rát lưỡi sẽ biến mất sau vài tiếng và gần như vô hại. Nhưng nếu kéo dài vài ngày vẫn không hết, kèm theo đó là triệu chứng như nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy, khó thở thì rất có thể bạn bị dị ứng với dứa.

Để hạn chế tình trạng rát lưỡi bạn nên bỏ phần lõi bởi chất bromelain có trong dứa cao gấp 20 lần so với phần “thớ thịt” của dứa. Nhưng nếu dị ứng nặng thì tốt nhất bạn không nên ăn loại trái cây này.

Bên cạnh đó, dù không bị rát lưỡi nhưng những trường hợp sau cũng không nên ăn:

  • Người bị bệnh dạ dày: Dứa là thực phẩm chứa nhiều axit hữu cơ mà người bị bệnh dạ dày không nên ăn. Bởi số enzym trong đó sẽ làm phân huỷ protein và tăng phản ứng viêm làm đau dạ dày.
  • Mắc các bệnh về hô hấp: Những người bị viêm mũi họng, viêm phế quản, hen,… không nên ăn dứa bởi bromelain có trong dứa có thể kích thích cơ thể sinh ra các histamin. Từ đó khiến bạn cảm thấy đau bụng từng cơn, buồn nôn, khó thở.
  • Người bị tiểu đường: Dù có tính chua nhưng dứa lại có lượng đường lớn không tốt cho người đang bị tiểu đường.
  • Người có vết thương lớn, đang bị nóng trong người dễ chảy máu cam hoặc phụ nữ bị băng huyết,… cũng không nên ăn dứa.

Những lưu ý giúp ăn dứa không bị rát lưỡi

Mặc dù dứa mang lại nhiều lợi ích cho sức khoẻ nhưng lại gây rát lưỡi khó chịu, vị giác không còn cảm nhận được vị ngon của các thức ăn khác. Thế nên, để giảm bớt tình trạng rát lưỡi bạn có thể áp dụng theo một số cách dưới đây.

Khi ăn trực tiếp

Sau khi gọt vỏ hãy cắt dứa ra thành từng miếng nhỏ và ngâm qua nước muối khoảng 10 phút. Trong quá trình ngâm protein sẽ bị ức chế và không gây cảm giác rát lưỡi nữa. Bên cạnh đó, ngâm dứa qua muối làm phân hủy chất protease – chính chất này khi tác dụng lên da và miệng sẽ gây tê, cụ thể là rát lưỡi. Ngoài ra, bạn có thể loại bỏ hoàn toàn phần mắt dứa thì cũng sẽ làm giảm đi cảm giác rát lưỡi đáng kể.

Khi chế biến, xào nấu

Mặc dù sau khi nấu dứa cũng ít làm rát lưỡi nhưng nếu kỹ bạn cứ gọt thật kỹ vỏ, bỏ mắt, sau đó rửa sạch qua muối. Hoặc có thể dùng baking soda để ngâm rửa vì nó có tình kiềm, tác dụng tương tự như nước muối.

Việc xào nấu khiến dứa không còn khả năng gây dị ứng cao như khi ăn sống, tuy nhiên bạn vẫn nên cẩn thận nếu có trẻ con và người cao tuổi ăn.

Dứa loại trái cây ngon, bổ được nhiều người yêu thích nhưng vì chất axit nên gây ra tình trạng rát lưỡi thường gặp. Tuy nhiên, Long Châu đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc “Tại sao ăn dứa lại rát lưỡi?” và đưa ra những giải pháp cho bạn. Hy vọng bài viết này hữu ích với bạn, nếu như bạn bè hay người thân gặp vấn đề này khi ăn dứa thì hãy chia sẻ họ nhé.

Hoàng Vi

Nguồn tham khảo: Suckhoedoisong.vn