Phụ nữ mang thai có được uống thuốc Panadol không?

Việc sử dụng Panadol khi mang thai là tương đối an toàn, tuy nhiên bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý rằng trên thị trường hiện nay có nhiều loại thuốc Panadol với tên gần giống nhau. Một biệt dược rất dễ bị nhầm lẫn với Panadol chính là Panadol Extra. Loại thuốc này có hai thành phần chính là Paracetamol và Cafein.

Caffeine có thể đi qua nhau thai và nồng độ thuốc trong huyết thanh ở thai nhi tương tự như ở người mẹ. Dựa trên các nghiên cứu hiện tại, việc sử dụng Caffein ở người mẹ có nguy cơ dẫn tới các tác dụng phụ, chẳng hạn như sảy thai tự nhiên hoặc thai nhi chậm phát triển. Ngoài ra, mẹ sử dụng nhiều caffein trong thời gian mang thai cũng có thể dẫn đến tình trạng cai nghiện ở trẻ sơ sinh khi sinh, ví dụ như ngừng thở, khó chịu, bồn chồn và nôn mửa. Tóm lại, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý đến thành phần hoạt chất của thuốc giảm đau hạ sốt trước khi sử dụng.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc Panadol cho phụ nữ có thai

Khi uống Panadol trong thai kỳ, mẹ bầu cần lưu ý một số vấn đề sau để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng:

  • Sử dụng thuốc Panadol với liều lượng phù hợp. Tốt nhất bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Chỉ dùng Paracetamol khi đau hoặc sốt trên 38,5 độ C và liều tiếp theo phải cách liều trước đó 4 – 6 giờ, tuyệt đối không dùng trên 6 viên/ ngày.
  • Không được uống Panadol dài ngày nếu không được bác sĩ cho phép vì nếu dùng thuốc liên tục và kéo dài có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới chức năng gan và gây ra một số tác dụng không mong muốn cho thai nhi.
  • Các trường hợp thai phụ có tiền sử như bệnh lý về gan, suy thận, thiếu máu,… cần thông báo với bác sĩ để được cân nhắc về việc dùng Panadol trong thai kỳ vì có thể dẫn đến nhiễm độc gan, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bệnh nhân.
  • Các bệnh nhân sau đây chống chỉ định với Panadol: Người bệnh thiếu máu nhiều lần hoặc có bệnh lý nghiêm trọng về tim, phổi, thận hoặc gan, người bệnh quá mẫn với Paracetamol hoặc người bệnh thiếu hụt glucose-6-phosphat dehydrogenase.
  • Nếu triệu chứng đau hoặc sốt không thuyên giảm sau khi dùng thuốc, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời.
  • Để hạn chế mắc bệnh trong khi mang thai, mẹ bầu nên duy trì chế độ ngủ, nghỉ khoa học: ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi ngày, thư giãn khoảng 10 phút sau vài tiếng làm việc và luôn giữ cho tinh thần thoải mái, tránh lo lắng, căng thẳng. Thường xuyên tập thể dục bằng các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, thiền,…
  • Nếu bị đau đầu trong thai kỳ, trước khi nghĩ đến việc dùng thuốc Panadol, mẹ bầu nên giảm đau bằng một số cách tự nhiên bao gồm: uống cốc nước lọc để cải thiện lưu thông máu trong cơ thể, nghỉ ngơi ở một không gian yên tĩnh và thoải mái. Sau khi làm như các cách trên nhưng vẫn bị đau đầu, mẹ bầu có thể lấy một chiếc khăn thấm nước mát chườm lên trán, thái dương hoặc massage nhẹ nhàng vùng đầu để cảm thấy thoải mái hơn.

Tóm lại, Paracetamol không chống chỉ định ở phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, bệnh nhân lưu ý không sử dụng chế phẩm phối hợp giữa Paracetamol và Caffeine để tránh các biến chứng nguy hiểm.