Bé mấy tháng ăn được đậu hũ? 2 cách nấu cháo đậu hũ non cho bé ăn dặm

Cách nấu cháo đậu hũ non cho bé

1. Cách nấu cháo đậu hũ non trứng gà

Chuẩn bị

  • Cháo trắng: 1 tô nhỏ
  • Đậu hũ non: 50g
  • Trứng gà: 1 quả
  • Gia vị: Dầu ăn, nước mắm, hành lá
  • Dầu ăn dặm cho bé.

Thực hiện

– Hành lá rửa sạch, phần đầu hành băm nhuyễn, phần lá xắt nhuyễn.

– Đậu hũ non nghiền nhuyễn hoặc xắt hạt lựu.

– Phi thơm đầu hành, cho đậu hũ non vào xào thơm rồi đổ cháo vào.

– Khi cháo sôi, đập trứng gà vào, khuấy đều. Trứng chín thì thêm hành lá xắt nhuyễn rồi nêm nếm phù hợp với tuổi của bé. Tắt bếp.

– Múc cháo ra tô và thêm dầu ăn dặm (lượng dầu tùy theo độ tuổi của bé).

Cháo đậu hũ non trứng gà

2. Cách nấu cháo đậu hũ non thịt bò

Chuẩn bị

  • Cháo trắng: 1 tô nhỏ
  • Đậu hũ non: 50g
  • Thịt bò: 50g
  • Cải bó xôi: 1 cây nhỏ
  • Gia vị: Dầu ăn, nước mắm, tỏi
  • Dầu ăn dặm cho bé.

Thực hiện

– Tỏi lột vỏ, rửa sạch, băm nhuyễn.

– Đậu hũ non nghiền nhuyễn hoặc xắt hạt lựu.

– Cải bó xôi rửa sạch, thái nhuyễn.

– Thịt bò rửa sạch băm nhuyễn.

– Phi thơm tỏi, cho thịt bò vào xào thơm. Sau đó, thêm đậu hũ non vào xào chung cho nóng rồi đổ cháo vào.

– Cháo sôi, cho cải bó xôi vào. Khi cháo sôi lại thì nêm nếm tắt bếp.

– Mẹ múc cháo ra tô, thêm dầu ăn dặm (lượng dầu tùy theo độ tuổi của bé).

Lưu ý: Để phong phú thực đơn cho bé, mẹ có thể thay thịt bò bằng thịt heo, gà. Ngoài ra, mẹ có thể thay bó xôi bằng nấm hương, cà rốt, cà chua, rau ngót, rau chùm ngây, bông cải, bí đỏ, bí xanh…

Lưu ý khi học cách nấu cháo đậu hũ non cho bé

Cách nấu cháo đậu hũ non cho bé khá đơn giản, quan trọng là mẹ nên biết những ảnh hưởng không tốt của đậu hũ với sức khỏe bé để tìm cách khắc phục.

– Đậu phụ chứa một lượng nhỏ chất kháng dinh dưỡng như phytates và chất ức chế trypsin. Phytates cản trở sự hấp thụ khoáng chất, chẳng hạn như canxi, kẽm, sắt. Trong khi đó, chất ức chế trypsin ngăn chặn trypsin, một loại enzyme cần thiết cho quá trình tiêu hóa protein. Song những tác hại này chỉ giới hạn trong bữa ăn, không gây ảnh hưởng kéo dài. Nếu chế độ ăn của bé luôn đảm bảo dinh dưỡng thì đây không phải là điều đáng lo.

Mặt khác, quá trình ngâm, nấu, lên men hoặc nảy mầm đậu nành có thể làm giảm hoặc vô hiệu hóa các chất kháng dinh dưỡng này.

– Nếu con bị dị ứng với đậu nành thì mẹ nên tập cho con ăn dần từng ít một. Nếu mẹ thấy con xuất hiện các dấu hiệu như nôn mửa, thở khò khè, sưng tấy quanh miệng, phát ban… thì nên loại bỏ tất cả các sản phẩm từ đậu nành ra khỏi chế độ ăn của bé.

– Trẻ mắc bệnh tự miễn chỉ nên ăn đậu hũ với lượng rất ít.

Từ hai cách nấu cháo đậu hũ non cho bé trên đây, với sự sáng tạo và tình yêu thương, mẹ hoàn toàn có thể biến tấu thêm nhiều món cháo đậu hũ khác thơm ngon cho bé.

Hương Lê