Chế độ ăn uống để vết thương mau lành

Dinh dưỡng đóng một vai trò thiết yếu trong việc chăm sóc và chữa lành vết thương. Chính vì thế, hỗ trợ dinh dưỡng cần được coi là một phần cơ bản của việc quản lý vết thương. Chế độ dinh dưỡng kém trước hoặc trong quá trình chữa bệnh có thể làm suy giảm độ bền và quá trình lành vết thương. Đã có rất nhiều bằng chứng ủng hộ vai trò thiết yếu của dinh dưỡng trong việc chữa lành vết thương.

Chữa lành vết thương là một quá trình thay thế mô bị thương bằng mô mới do cơ thể sản sinh, đòi hỏi tăng cường tiêu thụ năng lượng và các chất dinh dưỡng. Khi cơ thể chịu một vết thương sẽ tiết ra các hormone căng thẳng và sự trao đổi chất cung cấp cho khu vực bị thương dinh dưỡng cần thiết để chữa lành được gọi là giai đoạn dị hóa. Nếu giai đoạn dị hóa kéo dài và/ hoặc cơ thể không được cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng thì sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái suy dinh dưỡng.

Suy dinh dưỡng xảy ra khi không hấp thu đầy đủ hoặc suy giảm cả protein và năng lượng. Tình trạng này khiến cơ thể phá vỡ protein để sử dụng làm năng lượng, giảm nguồn cung cấp các axit amin cần thiết để duy trì protein trong cơ thể và làm lành vết thương; điều này càng làm mất khối lượng cơ thể nạc. Mặt khác, suy dinh dưỡng có thể khiến những vết thương không lành, nhất là khi chỉ số khối cơ thể (BMI) thấp hoặc giảm cân không chủ ý đáng kể (từ 5% trở lên) kết hợp với mất mỡ dưới da và/ hoặc hao mòn cơ.

Khi một cá nhân mất nhiều khối lượng cơ thể nạc hơn, việc chữa lành vết thương sẽ bị trì hoãn. Khi mất 20% khối lượng cơ thể trở lên, các vết thương bắt đầu cạnh tranh với các cơ để lấy chất dinh dưỡng. Chính điều này càng làm vết thương khó lành. Vì thế, một chế độ ăn uống để vết thương mau lành là tối thiểu cần phải đảm bảo cung cấp đủ năng lượng theo nhu cầu.